(EPR) – Trong phiên xét xử sáng 16.1, luật sư Trương Thanh Đức (bào chữa cho ngân hàng Navibank) đã cho rằng việc gửi tiền vượt trần lãi suất là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng.
Mở đầu phiên xét xử, luật sư Trương Thanh Đức đã nhận định: “Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng huy động tiền vượt trần lãi suất”. Tuy nhiên, về số tiền gửi 200 tỷ đồng của Navibank vào VietinBank là hoàn toàn hợp pháp nên cần được bảo vệ. Còn số tiền lãi của việc gửi vượt trần lãi suất thì không được sự bảo vệ của pháp luật. “Điều 476 bộ luật dân sự cũng quy định rõ về điều này”, luật sư viện dẫn thêm.
Luật sư Đức cũng cho rằng cần bỏ ngay hình thức gửi tiền vượt trần lãi suất. Và phải có biện pháp nghiêm trị những hình thức này.
Về trách nhiệm của VietinBank, luật sư Đức cho rằng, thực tế, Huyền Như chiếm đoạt tiền từ VietinBank. Nhưng VientinBank đã hoán đổi hậu quả sang cho Navibank. “Nếu gửi tín dụng đen thì việc mất tiền không phải bàn. Nhưng gửi tiền vào ngân hàng mà mất tiền thì xưa nay chưa có tiền lệ. Gửi tiền vào ngân hàng xếp hạng A ở Việt Nam mà không an toàn thì chẳng biết gửi ở đâu cho an toàn nữa”, luật sư nói.
Huyền như đã huy động tiền bằng cách đưa ra lãi suất vượt trần
Với cáo buộc của VKS về việc các đơn vị cá nhân phải cẩn thận với thông tin Như đưa ra, luật sư Đức nhận định: “Vietinbank cũng đề cao trọng dụng Như. Nên nói tin vào Như là vô căn cứ thì chẳng lẽ tin vào Vietinbank cũng là vô căn cứ. Thực tế đa số ngân hàng chứ không riêng gì VietinBank, khi giao dịch thì ký hợp đồng với nhân viên tín dụng chứ mấy ai ký với giám đốc hay tổng giám đốc”.
Còn về số tiền Navibank gửi vào VietinBank, luật sư Đức cũng khẳng định là hoàn toàn có căn cứ. “4 nhân viên Navibank đã chuyển tiền vào VietinBank theo hình thức Hợp đồng tiền gửi chứ không phải theo dạng mở tài khoản. Mà làm Hợp đồng tiền gửi thì chỉ cần giấy yêu cầu và giấy tờ cá nhân hợp lệ là đã có thể thực hiện”, luật sư lý giải.
Với cáo buộc của VKS nói khách hàng phải có trách nhiệm quản lý tài khoản của mình, luật sư cũng cho rằng, trách nhiệm này trước hết và chủ yếu là phải ở phía ngân hàng. Khoản 2, điều 67 đã quy định rất rõ về quy định cơ quan tổ chức quản lý tài khoản. Trên trang web sáng nay của VietinBank cũng nói rất rõ với khách hàng VietinBank chịu trách nhiệm quản lý số tiền gửi của khách hàng.
Cuối cùng luật sư này đưa ra nhận định: nếu VietinBank không trả lại tiền cho khách hàng thì chức danh trưởng phòng ở VietinBank không có giá trị gì cả. Tiền gửi của khách hàng cũng đứng trước tiềm ẩn nguy cơ mất trắng. VietinBank làm sao giải thích được với công chúng
VietinBank khó thoát trách nhiệm
Không riêng gì luật sư Đức, chiều 15.1, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ngân hàng, doanh nghiệp như: ngân hàng ACB, Công ty chứng khoán Phương Đông, Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên và Công ty Thái Bình Dương… đều đồng loạt yêu cầu VietinBank có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt.
Bảo vệ cho ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám đã khẳng định Vietinbank không có trách nhiệm với số tiền Huyền Như chiếm đoạt là không có cơ sở. Luật sư Tám cho rằng, trên thực tế, có thể Huyền Như là người huy động vốn, người môi giới tiền gửi, nhưng giữa VietinBank và các nhân viên ACB có ký 32 Hợp đồng tiền gửi mà đại diện là ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, đều là Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM. Như vậy, quan hệ giữa các cá nhân ACB với Ngân hàng Công thương là quan hệ hợp đồng tiền gửi. Các hợp đồng này, cho dù được ký tại nhà khách hàng, ký ngoài quán cà phê, hay tại trụ sở VietinBank thì cũng không làm thay đổi bản chất của Hợp đồng tiền gửi và cũng không làm cho hợp đồng này vô hiệu.
Hơn nữa tiền đã gửi vào ngân hàng thì ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm. Lý giải cho nhận định này, luật sư Tám đã viện dẫn cả định nghĩa về ngân hàng trong từ điển Oxford: “Ngân hàng là một tổ chức tài chính có chức năng chính là nhận tiền gửi, cho vay và thực hiện các dịch vụ liên quan khác. Theo định nghĩa của Từ điển Oxford thì Ngân hàng là một cơ sở tạm giữ hộ tiền và sẽ hoàn trả theo yêu cầu của khách hàng”.
Cuối cùng, luật sư Tám cho biết: “Chúng tôi hy vọng, với những thực tế đã xảy ra, VietinBank hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Chỉ khi nào VietinBank dám nhận trách nhiệm của mình đối với khách hàng, tìm ra các lỗ hổng trong công quản lý quản lý cán bộ, quản lý rủi ro, từng bước củng cố, chấn chỉnh lại các nghiệp vụ, mới có thể lấy lại sự tin yêu của khách hàng đối với VietinBank”.
Giang Nam
————————————————-
Epress (Dòng sự kiện) 16-01-2014:
http://epress.vn/vu-an-huyen-nhu-hau-qua-cua-gui-tien-vuot-tran-lai-suat/2014011609596518p0c144.htm
(512/990)