(TBDN) – Sau hơn 8 năm triển khai, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập…
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết, sẽ góp phần tháo gỡ được những khó khăn, bất cập cho DN, đồng thời, nó cũng được kỳ vọng sẽ tạo một sân chơi bình đẳng, công bằng và minh bạch cho tất cả các loại hình DN.
Giảm thủ tục hành chính
Vấn đề được nhiều DN quan tâm trong bản Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là việc bãi bỏ quy định bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh. Đây được coi là bước tiến bộ quan trọng trong việc cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết cho DN. Trong bối cảnh, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, việc bãi bỏ quy định này không chỉ giúp DN tiết kiệm được thời gian, công sức vào các thủ tục hành chính mà còn giúp DN có cơ hội để nắm bắt thị trường, đầu tư hợp tác…. Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng (thành viên của Tổng công ty Sông Hồng) cho rằng: “Trong dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này, việc Ban soạn thảo bãi bỏ quy định bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh có thể coi là một bước đột phá. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời sẽ tạo thuận lợi cho DN”.
Có thể thấy rằng, dự thảo luật DN sửa đổi bỏ quy định đăng ký kinh doanh đã nhận được sự quan tâm từ của các DN. Đây không chỉ giảm bớt những phiền hà liên quan đến thủ tục hành chính mà còn tạo cơ hội phát triển cho DN. Hiện nay, bản thân các DN ngoài tham gia vào thị trường trong nước, các DN này còn tăng cường tham gia xuất khẩu, mở rộng thị trường, khi có cơ hội hợp tác, đầu tư… các DN không thể chờ làm xong thủ tục đăng ký thêm ngành nghề mới hợp tác được. Như vậy, cơ hội để DN chiếm lĩnh thị trường, vươn xa trên trường quốc tế sẽ dễ dàng tuột mất. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Ciem) nêu mục đích mà luật DN muốn hướng tới là tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho cộng đồng DN không phân biệt thành phần, hình thức sở hữu nhà nước hay tư nhân. Bên cạnh đó, luật cũng sẽ tạo ra một bước đệm, động lực mới để các DN sẵn sàng “bơi ra biển lớn” khi một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại… được ký kết trong thời gian tới.
Tránh quản lý chồng chéo
Hiện nay, vấn đề quản lý vốn nhà nước tại các DNNN như thế nào đang là một bài toán nan giải đối với các cơ quan quản lý. Đây không phải là vấn đề mới mà nó đã tồn tại nhiều năm nay, rất nhiều các DNNN khi đầu tư kinh doanh thua lỗ, nhà nước khó có thể thu hồi vốn và quy trách nhiệm cho ai được. Để khắc phục sự trì trệ, tồn tại, yếu kém này, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này được ban soạn thảo xây dựng hẳn một chương riêng về DNNN. Theo đó, Chương này bao gồm 31 điều khoản, được chia thành 3 mục. Điểm đáng chú ý trong chương này, có quy định: Các cơ quan nhà nước không được can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN; Chính phủ không được ban hành các quy định tạo lợi thế hoặc đặc quyền riêng cho DNNN. Điều này đảm bảo cho việc sẽ tách bạch quyền chủ sở hữu vốn nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của các DN trên cơ sở Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chủ sở hữu chuyên trách và độc lập với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Khác với những quy định hiện hành, theo Dự luật mới, cơ quan chủ sở hữu sẽ là người quyết định mục tiêu, ngành nghề kinh doanh của các DNNN tránh tình trạng ôm đồm, đầu tư tràn lan kém hiệu quả như hiện nay.
Đối với vấn đề trên còn có một số ý kiến trái chiều, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: về ưu điểm, thì nhà nước có thể dễ dàng định hướng được dòng tiền cho nền kinh tế nhằm đảm bảo các DNNN không đầu tư dàn trải hoặc các lĩnh vực mà DN không có chuyên môn. Giám sát được những yếu tố tham nhũng và thất thoát tài sản nhà nước, bởi mọi quyết định của DNNN đều phải được cơ quan chủ sở hữu giám sát và cho ý kiến, chính vì thế sẽ tránh được tình trạng DNNN “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trong thời gian qua. Tuy nhiên, quy định cơ quan chủ sở hữu sẽ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên của công ty và những cán bộ quản lý khác; quyết định khen thưởng, kỷ luật và mức thù lao, tiền lương và lợi ích khác. Cơ quan này cũng quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, tổ chức giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của công ty, hội đồng thành viên và Ban kiểm soát như vậy sẽ làm giảm tính tự chủ của DN nên mỗi lần xin ý kiến thời gian sẽ bị kéo dài và cơ hội đầu tư, kinh doanh hợp tác sẽ bị trôi qua. Hơn nữa, khi xảy ra sai phạm, thất thoát thì cơ quan chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm hay giám đốc DN chịu trách nhiệm? Không những thế, các Tập đoàn, tổng công ty lại trực thuộc các bộ, ngành sẽ được quản lý, điều hành như thế nào? Các Tập đoàn, tổng công ty này sẽ trực thuộc bộ, ngành quản lý nữa hay thuộc quyền quản lý của Cơ quan chủ sở hữu mới được thành lập này? Tất cả những vấn đề này, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ để tránh quản lý chồng chéo và làm giảm đi sức mạnh của các DN.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì cho rằng, việc thành lập một DN mới để quản lý vốn tại các DNNN là không cần thiết, nó không chỉ làm cồng kềnh bộ máy quản lý nhà nước mà còn rất dễ gây chồng chéo, khó khăn, không có hiệu quả trong việc quản lý vốn tại các DN. Hiện nay, chúng ta đã có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), vậy thay bằng cách thành lập một tổng công ty mới thì Chính phủ có thể cơ cấu lại để SCIC thực sự phát huy vai trò điều hành, quản lý vốn nhà nước tại các DNNN một cách hiệu quả hơn. Không những vậy, nhằm tránh quản lý chồng chéo giữa các bộ, ban ngành, DN này phải được giao đủ thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng như hiện nay, quá nhiều việc phải xin ý kiến bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, thì vẫn tạo ra tình trạng nhập nhèm giữa chức năng quản lý kinh doanh và quản lý nhà nước, không chỉ làm mất rất nhiều thời gian mà quan trọng là không thể tối ưu hoá được hiệu quả kinh doanh.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, một số vấn đề tuy còn một số ý kiến trái chiều, sẽ được chốt lại sau khi dự thảo chính thức được trình lên Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. Với Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung lần này được kỳ vọng sẽ tạo một san chơi bình đẳng cho các DN.
Hòa Bình
——————
Thời báo Doanh nhân 10-4-2014:
http://tbdn.com.vn/sites/epaper/ThoiBaoDoanhNhan/chitiet.aspx?ArtId=24568&CatId=125
(217/1.425)