(NN) – Ngày 16/1, trong phiên tòa thứ 9 xét xử “đại án” Huyền Như, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong vụ án tiếp tục đưa ra bằng chứng, quan điểm cho rằng Vietinbank là bị đơn dân sự trong vụ án, bởi số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt là tiền của Vietinbank. Có nghĩa, Vietinbank bị người trong nội bộ rút ruột.
Theo cáo trạng, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) thông qua 4 nhân viên của ngân hàng này, gửi 200 tỷ đồng tại Vietinbank và bị Huyền Như dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Bản luận tội của VKS xác định Navibank là nguyên đơn dân sự của bị cáo Huyền Như.
Bảo vệ quyền lợi cho Navibank, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định Navibank không phải là nguyên đơn dân sự với bị cáo Như mà là với Vietinbank. Khi gửi tiền vào Vietinbank, Navibank không tin vào Huyền Như một cách vô căn cứ, bởi Huyền Như là người của Vietinbank, được tổ chức này bổ nhiệm, trọng dụng và giao cho trách nhiệm quyền hạn hẳn hoi. Nếu tin Huyền Như một cách vô căn cứ thì chẳng khác nào đồng nghĩa với việc tin vào Vietinbank một cách vô căn cứ”. Số tiền 200 tỷ đồng của nhân viên Navibank được gửi vào Vietinbank hoàn toàn hợp lệ, đúng quy định của pháp luật.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục gửi tiền, số tiền này đã hoàn toàn nằm trong tài khoản của Vietinbank. Sau đó, Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 200 tỷ tiền gửi hợp pháp của Navibank tại Vietinbank tức là bị cáo này đã lấy tiền của Vietinbank chứ không phải của Navibank”, luật sư Đức trình bày.
Các bị cáo trong phiên tòa ngày 16/1
Theo luật sư Đức, “Vietinbank là bên vay tiền, vay tài sản, việc để nhân viên, cán bộ trong tổ chức của mình chiếm đoạt tiền là trách nhiệm ở hệ thông lỏng lẻo của lãnh đạo ngân hàng này để nội bộ rút ruột trong túi của pháp nhân này”. Việc Navibank mất 200 tỷ đồng là do Vietinbank tự tung, tự tác để nội bộ của mình chiếm đoạt bởi luật sư cho rằng, “toàn bộ số tiền khách gửi vào đựng trong két không xác định là tiền của ai mà là tiền của ngân hàng Vietinbank”.
Luật sư Đức còn lý giải, trước đó đại diện phía Vietinbank cũng đã có câu trả lời rằng, nếu các hợp đồng ký với với ngân hàng này được xác định là thật thì Vietinbank sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường. Do vậy, số tiền 200 tỷ của Navibank là hợp đồng thật thì Vietinbank không có lý do gì để chối bỏ trách nhiệm thanh toán.
“Nếu phía Vietinbank không trả tiền cho khách hàng thì chẳng khác nào tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng này có thể tự động trở thành tài sản cầm cố để trả nợ thay cho một cá nhân nào đó. Và tiền gửi của khách hàng có nguy cơ “mất trắng” thế thì ngân hàng này mất hết lòng tin với nhân dân”, luật sư Đức nói.
Đồng quan điểm với luật sư Đức, luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng cho rằng, cơ quan điều tra và VKS nhằm muốn “giải thoát” cho Vietinbank là không phù hợp với luật pháp. Luật sư cũng đề nghị Vietinbank phải chịu trách nhiệm đến các khoản tiền phía thân chủ của mình đã bị chiếm đoạt.
Tham gia tranh tụng tại tòa, nhiều luật sư có cùng quan điểm cho rằng Vietinbank là bị đơn dân sự. Bởi, các tổ chức, cá nhân trước khi gửi tiền vào Vietinbank đều đã làm các thủ tục, có con dấu, chữ ký của đại diện Vietinbank. Đơn cử như công ty An Lộc trước khi gửi 170 tỷ đồng vào Vietinbank, đã thực hiện đầy đủ các thủ tục gửi tiền hoàn tất vào ngân hàng này và được trả lãi. Toàn bộ số tiền lãi và gốc đã bị Như rút khỏi ngân hàng gồm 170,3 tỷ đồng.
Một lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết, hôm nay, ông Nguyễn Bá Thanh tiếp tục đến theo dõi diễn biến phiên tòa, trong phần trình bày của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án.
PHÚC LẬP
——————————————————
Nông nghiệp VN (Pháp luật) 17-01-2014:
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/25/25/120276/Vietinbank-bi-noi-bo-rut-ruot.aspx
(429/785)