475. Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sư Trương Thanh Đức: Cần có Luật điều chỉnh những vấn đề đặc thù của DNNN

(PL) – Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi, bổ sung) đang thu hút sự quan tâm của giới Luật gia, Luật sư, chuyên gia kinh tế, doanh nhân.  Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI xung quanh dự luật đặc biệt quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp.

Không nên thành lập mới một DN quản lý vốn nhà nước

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này? Điểm nổi bật nhất của Dự thảo Luật Doanh nghiệp mà ông quan tâm là gì?

#ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức: Sau hơn 8 năm triển khai, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập như một số quy định trong luật còn chưa rõ ràng, không hợp lý và không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn biến đổi của nền kinh tế, chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước và nhu cầu phát triển nhanh, mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ những quy định quá cứng nhắc, chặt chẽ về quản lý, điều hành doanh nghiệp đã dẫn đến việc trói buộc, hạn chế quyền tự chủ, linh hoạt quyết định của doanh nghiệp hay những quy định quá lỏng lẻo về điều kiện và thời hạn góp vốn của Luật hiện hành đã tạo ra tình trạng khai vống, đăng ký vốn ảo,… Chính vì vậy, yêu cầu của việc sửa đổi toàn diện, cơ bản Luật Doanh nghiệp là cần thiết.

Trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ việc bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh. Nếu điều này được chấp nhận, thì đây là một trong những điểm đột phá quan trọng nhất để “cởi trói” cho doanh nghiệp, đúng với quy định về quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong bối cảnh, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, việc bãi bỏ quy định đăng ký ngành nghề kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức không cần thiết cho các thủ tục hành chính mà còn giúp doanh nghiệp tăng mạnh cơ hội nắm bắt thị trường, đầu tư hợp tác, thành lập hay kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào, miễn là không trái với quy định của pháp luật. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng giúp các doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế. Còn việc thống kê, quản lý ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phục vụ quản lý vĩ mô là thuộc về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc. Chẳng hạn việc bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu, nhưng không quy định đến cùng, dẫn đến tình trạng bế tắc khi ai đó cất giữ không cho đóng dấu. Dự luật quy định doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật để giải quyết tình trạng làm tê liệt doanh nghiệp vì Luật hiện hành quy định mọi giao dịch phải thông qua một người đại diện theo pháp luật hoặc được người này uỷ quyền. Tuy nhiên quy định này lại dẫn đến những bế tắc, xung đột khác. Hoặc Dự thảo hạ một số tỷ lệ tham gia dự họp và biểu quyết hợp pháp quá cao, dẫn đến nhiều khó khăn, tốn kém vô lý cho doanh nghiệp, nhưng vẫn để lại một số tỷ lệ quá cao như Luật hiện hành.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được đưa ra để lấy ý kiến, trong đó có đề xuất thành lập mới một doanh nghiệp để quản lý vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, việc thành lập một doanh nghiệp mới để quản lý vốn tại các doanh nghiệp nhà nước là không cần thiết, nó không chỉ làm cồng kềnh bộ máy quản lý nhà nước mà còn rất dễ gây chồng chéo, khó khăn, không có hiệu quả trong việc quản lý vốn tại các doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), vậy thay bằng cách thành lập một tổng công ty mới thì Chính phủ có thể cơ cấu lại để SCIC thực sự phát huy vai trò điều hành, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả hơn. Không những vậy, nhằm tránh quản lý chồng chéo giữa các bộ, ban ngành, doanh nghiệp này phải được giao đủ thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng như hiện nay, quá nhiều việc phải xin ý kiến bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, thì vẫn tạo ra tình trạng nhập nhèm giữa chức năng quản lý kinh doanh và quản lý nhà nước, không chỉ làm mất rất nhiều thời gian mà quan trọng là không thể tối ưu hoá được hiệu quả kinh doanh.

Có nhiều ý kiến lại cho rằng, hiện nay DNNN đang được nhiều bộ quản lý còn chưa hiệu quả nữa huống chi là dồn tất cho một cơ quan quản lý. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Vấn đề ở đây là cách thức và năng lực quản lý, chứ không phải ai là người quản lý. Có một thực tế, hiện nay, rất nhiều bộ, ngành cùng quản lý một DNNN nên dẫn đến chồng chéo, khó kiểm soát. Tình trạng “cha chung” tất yếu dẫn đến hoạt động thiếu linh hoạt, kém hiệu quả và dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Không người chuyên trách, không ai chịu trách nhiệm rõ ràng và không có áp lực cụ thể thì khó mà kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp một cách hữu hiệu.

Nhiều bộ chủ quản hay một cơ quan chủ quản thì cũng phải đối mặt với những bất cập nhất định. Nhưng quan trọng nhất là phải loại bỏ tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Bộ phải tăng cường chức năng quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung còn cơ quan quản lý trực tiếp thì phải làm đúng vai trò của ông chủ sở hữu, của cổ đông, của nhà đầu tư. Tất nhiên, nếu một chủ sở hữu mà ôm nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực quá thì cũng khó mà làm tốt nhiệm vụ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng, là phải biết từ bỏ bớt quyền, để tập trung vào việc gì là chính, phải giảm mạnh tỷ lệ sở hữu của nhà nước, để chuyển cho tư nhân và thị trường quyết định.

Cần có Luật qui định những vấn đề đặc thù của DNNN

Một điểm đáng chú ý khác, chính là việc Dự thảo Luật Doanh nghiệp dành hẳn 1 chương để quy định về DNNN. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng, như vậy sẽ phá vỡ cấu trúc của Luật Doanh nghiệp và chưa điều chỉnh hết những hoạt động đặc thù của loại hình DNNN.  Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Bản Dự thảo Luật Doanh nghiệp gần đây nhất bổ sung thêm một Chương về DNNN gồm 31 điều khoản, xác định rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực DNNN và từng DNNN (Điều 170 dự thảo Luật). Đây là cơ sở để xác định mục đích hoạt động và giới hạn phạm vi ngành nghề kinh doanh của DNNN phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước nói chung và DNNN nói riêng. Lâu nay, vai trò chức năng của DNNN mới chỉ được ghi trong các Nghị quyết, nghị định của Đảng và Chính phủ chứ chưa thể hiện trong luật. Vì vậy, phải luật hóa chức năng của DNNN để từ đó xác định mục tiêu của DNNN, từ mục tiêu dẫn tới việc phải xác định cụ thể ngành nghề kinh doanh và chỉ tiêu đánh giá. Một trong những chỉ tiêu đánh giá DNNN là bảo toàn phát triển vốn thì phải luật định rõ bảo toàn phát triển vốn như thế nào.

Tôi cho rằng, phải có luật quy định những vấn đề đặc thù của DNNN làm cơ sở cho việc quản trị DNNN. Chẳng hạn cần phải quy định ai thực hiện quyền chủ sở hữu tại DNNN trong luật để làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm và Quốc hội giám sát cơ quan này chứ không phải giám sát trực tiếp DNNN. Để thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng thì phải tách biệt giữa vai trò quản lý Nhà nước và vai trò chủ sở hữu. Quản lý Nhà nước là quản lý tất cả DN, chủ sở hữu cũng phải bị chi phối bởi quản lý Nhà nước và điều tiết thị trường.

Có một chủ sở hữu tách biệt mới có người chịu trách nhiệm, có một cơ quan quản lý chuyên trách mới có giải trình rõ ràng. Chưa tách được quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý thì chưa đủ yếu tố cần thiết để tạo lập môi trường kinh doanh. Một trong những việc cần làm là phải thành lập được cơ quan chuyên trách quản lý DNNN.

Vấn đề chỉ còn là sự lựa chọn quy định những nội dung trên trong Luật Doanh nghiệp hay trong Luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp? Theo tôi, những nội dung nào thuộc về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, thì đưa vào Luật Doanh nghiệp. Còn những vấn đề riêng về quản lý vốn đầu tư, thì do chủ đầu tư quyết định và đưa vào Luật riêng. Khi đó Nhà nước ban hành Luật nhằm quản lý đồng vốn của chính mình, với tư cách là chủ đầu tư, chủ sở hữu. Điều này chưa được phân định rõ trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp.

Vẫn còn những qui định gây khó Doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn giải thể cũng rất khó bởi vướng các quy định của luật, ngay trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn quy định như cũ: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”. Theo ông, quy định như vậy, liệu có khả thi?

Việc quy định như vậy đã thật sự làm khó doanh nghiệp. Nguyên lý tự do kinh doanh phải gồm cả hai vế: Tự do thành lập doanh nghiệp để tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh trên thương trường, đồng thời cũng phải được tự do chấm dứt kinh doanh và rời bỏ thị trường. Nhưng vế sau thì đang bị khoá quá chặt chẽ, dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp đã chết thật sự trên thực tế nhưng vẫn phải sống trên pháp lý.

Đã hai lần ban hành Luật Phá sản và hiện nay chuẩn bị ban hành Luật thứ 3, nhưng đều đã và sẽ không đi vào được thực tiễn. Lý do là, nếu quy định điều kiện, thủ tục phá sản đơn giản, lỏng lẻo, dễ dãi thì sẽ khuyến khích lợi dụng, gian lận, lừa đảo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và các chủ nợ. Nhưng nếu quy định điều kiện, thủ tục phá sản phức tạp, chặt chẽ, khó khăn như các luật phá sản đã ban hành và đang xây dựng, thì doanh nghiệp lại vô cùng khó khăn mới có thể phá sản được.

Vì vậy, cần phải đặt ra vấn đề tháo gỡ trong Luật Doanh nghiệp. Ngoài việc được giải thể khi doanh nghiệp đã thanh toán hết nợ nần, thì cần cho phép giải thể trong cả trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được hết nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp này, chỉ cần đặt ra điều kiện tất cả các chủ nợ đồng ý cho phép doanh nghiệp giải thể là đủ. Một khi doanh nghiệp đã thực sự không trả được hết nợ, thì chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp cũng chẳng có tác dụng đòi được nhiều tiền hơn, nếu không muốn nói là ngược lại, vì phải mất thêm rất nhiều thời gian và chi phí liên quan. Nếu tạo thêm một phương thức đòi nợ cho chủ nợ và một “lối thoát” cho con nợ, thì có thể giải quyết được nhiều trường hợp bế tắc, lơ lửng đối với các doanh nghiệp thua trận, “muốn chết cũng không được mà muốn sống cũng không song”.

Xin cảm ơn ông!

Văn Don (thực hiện)

——————

Tạp chí Pháp lý (Đối thoại) 11-4-2014:

http://phaply.net.vn/dien-dan/doi-thoai/chu-tich-hdtv-cong-ty-luat-basi co-luat-su-truong-thanh-duc-can-co-luat-dieu-chinh-nhung-van-de-dac-thu-cua-dnnn.html

(2.251/2.251)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,226