477. Kịch tính phiên xử “đại án” Huyền Như: Siêu lừa “khát tiền” đến mức nào?

(LĐ) – Diễn biến mới nhất xung quanh vụ xét xử “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như lừa chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng là lời bào chữa của luật sư cho “siêu lừa” – do khát tiền mà Huyền Như bất chấp pháp luật? Tuy nhiên, vấn đề “nóng” hơn cả, đó là số tiền hàng ngàn tỉ đồng không được thu hồi, vậy nó đi đâu?

VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự là từ chối bị hại trong vụ án Huyền Như, mà yêu cầu Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) phải bồi thường. Huyền Như bị VKSND TPHCM đề nghị mức án “tù chung thân”…

Áp giải bị cáo Huyền Như về trại tạm giam của Bộ Công an.

Vì sao đồng loạt từ chối nguyên đơn dân sự?

Diễn biến phiên tòa “nóng” lên khi Hội đồng xét xử (HĐXX) gọi hỏi hàng loạt nguyên đơn dân sự trong phần xét hỏi thì các nguyên đơn (bị hại trong vụ án) đều từ chối là “nguyên đơn dân sự” trong vụ án này và họ cũng đồng loạt “cáo buộc” Vietinbank là ngân hàng phải trả tiền, vì họ ký kết hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TPHCM, chứ không ký kết với Huyền Như, bị cáo Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền là của Vietinbank chứ không phải tiền của họ.

Khi HĐXX mời các đại diện là nguyên đơn dân sự, thì Ngân hàng ACB, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) đều vắng mặt, vì cả 2 nguyên đơn dân sự là 2 ngân hàng này đều vắng mặt từ ngày đầu xét xử vụ án Huyền Như cho đến nay. Hai nguyên đơn dân sự này nộp đơn đến tòa, cho rằng mình không phải là “nguyên đơn dân sự” trong vụ án này và cho rằng việc xác định tư cách “nguyên đơn dân sự” tham gia tố tụng vụ án là không phù hợp.

Còn lại đồng loạt các “nguyên đơn dân sự” khác có mặt tại tòa cũng phản ứng cho rằng mình không phải là nguyên đơn dân sự.

Đại diện Cty CP Chứng khoán Phương Đông – ông Nguyễn Trác Minh Phương (Phó TGĐ Cty): “Chúng tôi thiệt hại 380 tỉ đồng. Đề nghị HĐXX xem xét, bị đơn dân sự là Vietinbank, chứ không phải các bị cáo ngồi đây. Chúng tôi không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này”.

Cty An Lộc: “Chúng tôi là nguyên đơn dân sự theo tòa mời. Chúng tôi không quan hệ gì với Chi nhánh của Huyền Như, mà gửi 170 tỉ đồng vào Vietinbank Chi nhánh TPHCM. Tồi đề nghị Vietinbank trả số tiền cho tôi. Tôi không liên quan gì đến Huyền Như”. Cty Phúc Vinh: “Chúng tôi bị chiếm đoạt tiền, yêu cầu Vietinbank hoàn trả 608 tỉ đồng cộng cả lãi suất. Chúng tôi gửi tiền cho Vietinbank.

Chúng tôi kiện Vietinbank trả tiền, chứ chúng tôi không đồng ý với tư cách tòa mời là nguyên đơn dân sự trong vụ án Huyền Như”. Cty Thịnh Phát cũng đề nghị tòa: “Hơn 900 tỉ đồng buộc Vietinbank phải trả số tiền đó cùng lãi suất theo tiền gửi không kỳ hạn”. Cty Hưng Yên: “212 tỉ đồng, chúng tôi gửi vào Vietinbank, yêu cầu ngân hàng này phải trả cho Cty chúng tôi”.

Cty Chứng khoán Saigonbank – Berjaya: “Chúng tôi yêu cầu cụ thể, đó là xác định lại tư cách pháp nhân, chúng tôi khẳng định Cty chúng tôi không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án Huyền Như lừa đảo. Chúng tôi buộc Vietinbank phải trả cho chúng tôi số tiền đã gửi vào ngân hàng này là 225 tỉ đồng”. Nhiều nguyên đơn khác cũng có ý kiến tương tự.

Huyền Như dùng chiêu “không nhớ, không biết, không trả lời”

Phiên tòa có phần “căng thẳng” khi các luật sư đặt câu hỏi xung quanh vấn đề các công ty, ngân hàng gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TPHCM, nhưng bị Huyền Như làm giả chữ ký, hồ sơ giả… để rút tiền, vay tiền Vietinbank, nhưng khách hàng lại chịu trách nhiệm?

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho 3 Cty Thịnh Phát, Hưng Yên và Phúc Vinh cho rằng: “Tôi có thể chứng minh tại tòa, tại các sao kê tài khoản của 3 công ty, có thể chứng minh rằng, các bản sao kê thể hiện việc Vietinbank đã thực hiện trực tiếp quản lý các tài khoản của 3 công ty, có số tài khoản, có nhận tiền, thu phí chuyển tiền, có sao kê…, như vậy trong quan hệ với 3 công ty, thì Vietinbank có quản ký tài khoản của 3 công ty, chứ không phải ai đó nhận thức rằng các bị cáo làm giả con dấu, giả chữ ký, Vietinbank không biết, không quản lý các tài khoản này. Đề nghị HĐXX xem xét, Ngân hàng Vietinbank là bị đơn dân sự trong vụ án này”.

Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Nam Việt (Navibank) hỏi bị cáo Huyền Như: “Tiền gửi vào Vietinbank hay gửi cho bị cáo?”, bị cáo Huyền Như không trả lời. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Không thể cứ gửi tiền vào ngân hàng, mà bị cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt của ngân hàng đó, rồi ngân hàng không chịu trách nhiệm, mà khách hàng lại bị mất tiền, thì triệu triệu người dân để tiền cất giữ ở nhà còn hơn…

Gửi tiền mà mất tiền thì chẳng khác nào giao trứng cho ác!”. Nhiều luật sư tham gia xét hỏi, đặt nhiều câu hỏi, như vấn đề “Quản lý con người, cán bộ, quản lý tài sản của khách hàng đối với Vietinbank, nhân viên Vietinbank sử dụng danh nghĩa ảnh hưởng của ngân hàng để huy động vốn, thì Vietinbank chịu trách nhiệm thiệt hại này hay không? Tiền chuyển vào Vietinbank thì ngân hàng này phải chịu trách nhiệm…”.

Dù phiên tòa đã bước sang ngày thứ 5, nhưng “chiêu” im lặng, không nhớ, không trả lời của bị cáo Huyền Như vẫn tiếp diễn. Khi các luật sư tham gia phần xét hỏi, bị cáo Huyền Như đều trả lời: “Dạ không nhớ rõ…”, “không trả lời” và… im lặng. Luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi cho ACB) hỏi bị cáo Huyền Như: “Mong rằng chị hợp tác với chúng tôi. Chị vào làm việc tại Vietinbank năm nào? Được bổ nhiệm chức danh quyền trưởng phòng năm nào?”, bị cáo Như: “Dạ vào làm năm 2001, được bổ nhiệm năm 2010.”

Luật sư: “Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ nơi bị cáo làm quyền trưởng phòng có phải là chi nhánh cấp 1 không?”, bị cáo Như: “Tôi không rõ”… “Trưởng phòng giao dịch, theo chị là chức danh quản lý của ngân hàng không?”, luật sư hỏi, bị cáo Như vẫn giở chiêu: “Dạ không rõ”. “Cương vị cao nhất phòng giao dịch là chị đúng không?” – với câu hỏi đơn giản và bình thường này, mà bị cáo Huyền Như vẫn ngoan cố: “Thưa HĐXX, bị cáo không trả lời”.

“Khi huy động ACB, chị có trao đổi gì với bà Hương, ông Hoàng cùng là Phó Giám đốc Vietinbank TPHCM để ký 32 hợp đồng?”, bị cáo Như: “Dạ không, anh Hoàng, chị Hương ký hợp đồng tôi không biết. Tôi tự đàm phán với chỗ chị Ngọc bên ACB”. “Sao bị cáo không ký trực tiếp với 17 cá nhân của ACB, mà để ông Hoàng bà Hương ký?”, luật sư hỏi, bị cáo Như: “Tôi không trả lời”…

Luật sư Lưu Văn Tám hỏi tiếp: “Khoản tiền ký 32 hợp đồng này chuyển sang Vietinbank chưa?”, bị cáo Như lại đáp: “Bị cáo không rõ”. Lúc này, luật sư lập tức công bố tất cả các bản sao kê chi tiết liên quan đến 32 hợp đồng tiền gửi của 17 cá nhân ACB gửi vào Vietinbank TPHCM…

Hàng loạt câu hỏi khác cũng đều nhận được các câu trả lời tương tự: “Tôi không nhớ”, “Bị cáo không biết”, “Bị cáo không trả lời”.

“Siêu lừa” Huyền Như bị đề nghị “tù chung thân”

Bước vào ngày thứ 6 xét xử “đại án” Huyền Như, HĐXX đã bác đơn kiến nghị của 5 luật sư về việc do thời gian còn dài (dự kiến phiên tòa của TAND TPHCM kéo dài đến tuần sau – ngày 25.1), nên đề nghị tiếp tục diễn ra phần xét hỏi và buộc đại diện Vietinbank phải trả lời các câu hỏi của luật sư, vì có 29 luật sư đặt câu hỏi cho Vietinbank nhưng hầu như chưa trả lời. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đơn của luật sư đề nghị tiếp tục phần xét hỏi, rồi tòa cho rằng phần xét hỏi đã kết thúc, nên phiên xử nhanh chóng bước vào phần tranh luận.

Vị đại diện VKSND TPHCM nêu quan điểm: “Ngân hàng ACB và Navibank, ngay từ đầu từ chối nguyên đơn dân sự trong vụ án là không phù hợp. Hai ngân hàng này bị bị cáo Như dẫn dụ thực hiện hành vi lừa đảo. Cho thấy ACB và Navibank chấp nhận mọi rủi ro, không gặp người đại diện ký hợp đồng.

Mọi giao dịch không qua chi nhánh của Vietinbank TPHCM. Do vậy xác định ACB và Navibank là 2 đơn vị nguyên đơn dân sự trong vụ án này là phù hợp pháp luật”. VKSND cũng bác toàn bộ yêu cầu về việc buộc Vietinbank phải chi trả số tiền… mà đại diện bảo vệ quyền lợi đòi cho các đơn vị, cá nhân.

VKSND quy buộc tất cả các cá nhân, đơn vị, bị hại đã bị Huyền Như thực hiện hành vi lừa đảo ngoài trụ sở Vietinbank, nên Vietinbank không chịu trách nhiệm là đúng. VKSND cho rằng: “Truy tố các bị cáo theo như cáo trạng là đúng người, đúng tội”.

VKSND đề nghị mức án: Bị cáo Huyền Như tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. VKSND TPHCM cũng đề nghị khởi tố bổ sung đối với một số đối tượng. Đề nghị xử lý bà Hương và ông Hoàng (cùng Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TPHCM) để sơ hở cho Huyền Như lừa đảo Ngân hàng ACB và Navibank.

VKSND cũng kiến nghị HĐXX xem xét đối với một số đối tượng cho vay lãi nặng để xử lý. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, HĐQT Vietinbank kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân lãnh đạo để cho Huyền Như thời gian dài lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.

Đại diện VKSND TPHCM cũng kiến nghị 4 ngân hàng đã thỏa thuận với bị cáo Huyền Như để hưởng lãi suất chênh lệch trái quy định pháp luật… Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố các bị can của Ngân hàng ACB. Nhưng 3 ngân hàng còn lại cũng có cùng hành vi với ACB, nhằm tránh so sánh với các đối tượng đã bị khởi tố, làm ảnh hưởng dư luận, do vậy VKSND TPHCM kiến nghị lãnh đạo liên ngành tố tụng trung ương xem xét trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân có trách nhiệm của 3 ngân hàng còn lại trong việc đưa ra những chủ trương trái pháp luật gậy hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho đơn vị mình và ảnh hưởng rất lớn đến nền tài chính tiền tệ của đất nước.

Sau phần luận tội và đề nghị các mức án cho 23 bị cáo của VKSND TPHCM, các luật sư bào chữa cho các bị cáo và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân đã hầu hết cho rằng “trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án này, để cho cán bộ nhân viên gây án. Bị đơn dân sự là Vietinbank chứ không phải là Huyền Như và 22 bị cáo. Vietinbank phải chịu trách nhiệm cho khách hàng gửi tiền…”.

Dự kiến ngày 25.1 tòa sẽ tuyên án.

“Không thể cứ gửi tiền vào ngân hàng, mà bị cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt của ngân hàng đó, rồi ngân hàng không chịu trách nhiệm, mà khách hàng lại bị mất tiền, thì triệu triệu người dân để tiền cất giữ ở nhà còn hơn… Gửi tiền mà mất tiền thì chẳng khác nào giao trứng cho ác” – Luật sư Trương Thanh Đức.

PHÙNG BẮC

———————————————–

Lao Động (Pháp luật) 18-01-2014:

http://laodong.com.vn/phap-luat/kich-tinh-phien-xu-dai-an-huyen-nhu-sieu-lua-khat-tien-den-muc-nao-174446.bld

(158/2.160)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,769