(TTTĐ) – Các luật sư trong phần bào chữa của mình đã đặt ra vấn đề như thế và đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể.
Mở đầu phần bào chữa cho công ty chứng khoán Saigonbank – Berjaya, luật sư Nguyễn Minh Tâm khiến mọi người bất ngờ khi cho rằng, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Huyền Như cùng 23 bị cáo là “hiếm thấy” và có nhiều điều bất thường.
Qua giai đoạn tố tụng xét hỏi tại phiên tòa, mặc dù gặp những khó khăn nhất định từ phía đại diện Vietinbank khi được HĐXX cho phép ngồi nghe và ghi nhận những câu hỏi của các luật sư, sau đó sẽ trả lời chung về các vấn đề được hỏi chứ không phải trả lời trực tiếp từng câu hỏi như thường lệ, vì “sợ bị trùng lặp” và mất thời gian. Luật sư cho rằng đây là một ngoại lệ hiếm thấy trong tố tụng xét hỏi.
Tuy nhiên, những vấn đề bản chất của vụ án cũng đã được hé lộ để có thể rút ra được những kết luận xác thực về vai trò của Vietinbank trong vụ án này.
Huyền Như được dẫn về trại giam sau phiên tòa
Tiếc rằng, mở đầu phần tranh luận với các luật sư, đại diện viện kiểm sát vẫn duy trì quan điểm theo cáo trạng. Hơn nữa, còn giải thích rõ rằng, hành vi phạm tội của Huyền Như đã hoàn thành từ thời điểm các pháp nhân (gồm các ngân hàng, các công ty) và các cá nhân gửi tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank chứ không phải được hoàn thành từ thời điểm bị cáo này dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền ra. Luật sư đặt ra câu hỏi: “Qủa thật, chúng tôi không thể hiểu được kết luận như thế của Qúy viện về thời điểm “hoàn thành tội phạm” của Huyền Như dựa trên căn cứ pháp lý nào trong lý luận về “tội phạm hoàn thành” của tội có cấu thành vật chất như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?”.
Luật sư Tâm cũng khẳng định, mặc dù vậy, trong lời luận tội, viện kiểm sát đã thừa nhận, Như lừa dối cả lãnh đạo Vietinbank, ngân hàng này đã có những sơ hở trong hoạt động quản lý nghiệp vụ để Huyền Như qua mặt, làm giả các lệnh chuyển tiền để rút tiền từ tài khoản của ngân hàng. Tuy nhiên, luật sư nhận định, viện kiểm sát không đi sâu vào phân tích mối quan hệ nhân – quả giữa các thủ đoạn gian dối đó của Huyền Như với hậu quả của việc chiếm đoạt tiền do các “sơ hở” của Vietinbank để xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án này, lại quy kết cho Như phải chịu trách nhiệm để “giải thoát” cho Vietinbank. Luật sư cho rằng, đây chính là mâu thuẫn cơ bản nhất trong lập luận của quý đại diện viện kiểm sát thực hiện quyền công tố trước tòa.
Bên cạnh đó, ông Tâm cũng đặt ra nghi vấn, thái độ né tránh trả lời câu hỏi của Huyền Như cũng như đại diện ngân hàng Vietinbank đối với những câu hỏi của các luật sư khiến mọi người không khỏi hồ nghi cả hai đều cảm nhận được phần hại sẽ về phần mình nếu sự thật được phơi bày.
Bên cạnh đó, luật sư Ngô Đình Trấn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương cũng cho rằng, phiên tòa có một số vấn đề tố tụng phát sinh. Trước đây, nhiều luật sư đề nghị hoãn phiên tòa nhưng không được chấp thuận. Luật sư Trấn cho rằng, trong bộ luật tố tụng hình sự: “Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”. Theo diễn biến của phiên tòa này thì đáng nhẽ phải được hoãn phiên tòa. Ông cho rằng, HĐXX đã vi phạm bộ luật tố tụng hình sự.
Luật sư Trấn cũng tỏ ra bất bình vì HĐXX cho phép đại diện Vietinbank không phải đứng dậy để trả lời trực tiếp các câu hỏi của luật sư nêu ra, được phép ngồi tại chỗ để ghi nhận và tập hợp các câu hỏi của luật sư để trả lời chung (mặc dù đại diện Vietinbank không có khiếm khuyết gì về mặt sức khỏe). “Tôi cho rằng, đây là một phiên tòa xét xử chứ không phải là phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội”, ông nói.
Người nhà các bị cáo chia tay người thân trong nước mắt
Ông Trấn cũng đề cập đến vấn đề, tại phiên tòa nhiều luật sư mong muốn được hỏi và trả lời trực tiếp của Vietinbank, vì trong quá trình hỏi có thể sẽ phát sinh các câu hỏi mới, nhưng HĐXX không chấp thuận. Thực tế, sau khi nghe phần trả lời chung của đại diện Vietinbank, nhiều luật sư khẳng định có rất nhiều câu hỏi của các luật sư mà đại diện Vietinbank chưa trả lời, cho nên tại phần tranh luận các luật sư dành phải đưa ra các câu hỏi đề nghị đại diện Vietinbank trả lời.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng TMCP Nam Việt (Vietinbank) thắc mắc: “Có điều khó hiểu là VKSND Tối cao xác định đây là một trong 10 đại án tham nhũng tại buổi làm việc ngày 12.9.2013 với ông Nguyễn Bá Thanh (Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính trung ương). Tuy nhiên, cho đến thời điểm sắp kết thúc giai đoạn tranh luận, vẫn không thấy có hành vi nào được coi là tham nhũng”.
Khôi Nguyên
—————————————-
Tri thức thời đại 18-01-2014:
http://trithucthoidai.vn/phien-toa-xu-dai-an-huyen-nhu-co-nhieu-van-de-a119972.html#.Uto5ytJurrc
(101/1.049)