482. Khuất tất lớn nhất vụ Huyền Như lừa 4.000 tỷ đồng là gì?

(NĐT) – Không như những ngày đầu diễn ra phiên tòa, thời gian gần đây, Huyền Như liên tục sử dụng “chiêu” không nhớ, không biết, không trả lời để đối phó với những câu thẩm vấn của các luật sư. Mặc dù vậy, đối với những câu hỏi có lợi cho mình thì nữ “siêu lừa” lại trả lời khá rành mạch.

Điệp khúc không nhớ, không biết

Mấy ngày qua, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng bọn vẫn được diễn ra với phần thẩm vấn của các luật sư. Ngay khi phiên tòa được diễn ra, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đã tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện với thân chủ và dặn dò khá kỹ lưỡng. Hai bị cáo được các luật sư “chú ý” nhiều nhất là Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè).

Hầu hết các luật sư khi đặt câu hỏi đều chú trọng vào số tiền, số lần Huyền Như đã chuyển tiền để chiếm đoạt. Nếu trước đây, trong phần chủ tọa thẩm vấn, Như thừa nhận hết mọi hành vi, tỏ ra hối hận thì khi các luật sư hỏi, bị cáo này lại tỏ ra bất hợp tác. Điệp khúc không nhớ, không biết được Huyền Như nhắc đi nhắc lại. Bên cạnh đó, bị cáo Anh Tuấn cũng có cùng thái độ này.

Huyền Như cho rằng, mọi chuyện xảy ra trong thời gian quá lâu, quá nhiều giao dịch nên không thể nhớ hết nổi. Thậm chí, bị cáo còn nại ra lý do: “Mỗi ngày, bị cáo được hỏi rất nhiều, nếu cứ bắt bị cáo suy nghĩ mãi thì sợ rằng không đủ sức khỏe để tham dự tiếp phiên tòa”. Dường như quá quen thuộc với “điệp khúc” của Như, nên khi các luật sư đặt câu hỏi chưa xong, khán phòng đã ồ lên cười vì đã biết chắc chắn câu trả lời.

Các luật sư thẩm vấn về khoản tiền 50 tỷ đồng của ngân hàng Á Châu ACB gửi vào Vietinbank trên danh nghĩa của hai nhân viên ngân hàng ACB là Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm và đã bị Như chiếm đoạt. Theo hồ sơ, Như làm giả hợp đồng tiền gửi, giả chữ ký của Anh Tuấn để chiếm đoạt tiền 50 tỷ đồng. Khi hai người này yêu cầu mở tài khoản, Như nhận CMND, ký giấy đề nghị mở tài khoản và ký xác nhận mẫu chữ ký cho Anh Tuấn…

Huyền Như với “điệp khúc” không nhớ, không biết… trước tòa.

Luật sư Nguyễn Thế Trạch (bào chữa cho Hồ Hải Sỹ) thẩm vấn xung quanh việc mở hai tài khoản mà không có chủ tài khoản Bé Năm và Nguyệt, Như khẳng định mình không có trao đổi gì đối với Tuấn. Tuấn cũng cho rằng mình không trao đổi hay chỉ đạo cấp dưới làm hai bộ hồ sơ này.

Thế nhưng, Hồ Hải Sỹ (nguyên phó phòng giao dịch Võ Văn Tần) được thẩm vấn thì cho biết, hôm tiếp nhận hai hồ sơ của Bé Năm và Nguyệt Như đi họp giao ban. Chừng 10h, Như gọi điện về chỉ đạo mở tài khoản dù không có mặt hai khách hàng. Như cũng cho biết một lát Tuấn sẽ gửi tin nhắn về thông tin khách hàng. Sau đó, Tuấn đã nhắn số chứng minh, ngày sinh… của hai người này. Đồng thời, Sỹ khẳng định: “Ngoài việc góp phần tăng doanh số, lợi ích của ngân hàng thì cá nhân tôi không nhận được bất kỳ khoản lợi nào”. Giao dịch viên Dương Thị Ngọc Lợi, người trực tiếp mở hai tài khoản này cũng thừa nhận đã nhận tin nhắn của Tuấn do Sỹ đưa.

Những tình tiết gây “sốc”

Liên quan đến ngân hàng Vietinbank, trước đó, trong phần thẩm vấn, các luật sư cũng “xoáy” khá nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng được chấp thuận ghi chép lại các câu hỏi để trả lời cùng một lúc. Do bị “xoáy” nhiều, có lúc, vị đại diện ngân hàng tỏ ra khó chịu với luật sư và cho rằng, việc quản lý tài khoản là của chủ tài khoản.

Không chỉ thế, hai bị cáo Như và Tuấn khi bị luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền lợi cho công ty chứng khoán Phương Đông), luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng TMCP Nam Việt) về trách nhiệm quản lý tiền gửi trong tài khoản của khách hàng cũng tỏ ra cáu gắt. Hai bị cáo này cho rằng: “Quản lý tài khoản là trách nhiệm của khách hàng. Việc khách hàng bị mất tiền cũng không thuộc trách nhiệm của ngân hàng nơi họ mở tài khoản”. Bên cạnh đó, khi hỏi về trách nhiệm của ngân hàng cũng như nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng hai bị cáo này đều từ chối trả lời.

Trước câu trả lời của các bị cáo, luật sư Đức cho rằng: “Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng rồi mất tiền cũng ở đây, nhưng ngân hàng lại nói rằng không có trách nhiệm quản lý. Vậy khách hàng đem tiền gửi vào ngân hàng chẳng khác nào giao trứng cho ác”. Còn luật sư Hải lại bảo việc này chẳng khác nào là “gửi cho tiệm cầm đồ”.

Trong khi đó, tất cả những câu thẩm vấn của luật sư bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Vietinbank hỏi thì Huyền Như nhớ rất rõ, trả lời rành mạch. Chính thái độ, câu trả lời của các bị cáo đã khiến không ít người tỏ ra khá “sốc”.

Chuyên gia nói gì?

Chúng tôi đã liên hệ đến đại diện một số ngân hàng nhưng hầu hết đều từ chối trả lời về lời khai của Huyền Như, Anh Tuấn và đại diện ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên, một nữ nhân viên ngân hàng xin giấu tên cho rằng những lời khai đó khá “sốc” và sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các ngân hàng trong thời gian tới.

Nữ nhân viên này cho rằng, khi khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng thì đã có những quy định theo luật Ngân hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng đã gửi tiền vào các ngân hàng thì khách hàng đó phải có trách nhiệm. Bất kỳ có giao dịch nào đối với số tiền có trong tài khoản thì cần phải có lệnh của khách hàng. Bên cạnh đó, những giao dịch này luôn được lưu lại trong hệ thống của ngân hàng, data… trong nhiều năm để tránh trường hợp kiện cáo của khách hàng đối với ngân hàng. Bên cạnh đó, việc rút, chuyển tiền cần phải trải qua rất nhiều khâu mà kiểm soát cuối cùng là trưởng phòng giao dịch.

Tiến sỹ Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh, đại học Ngân hàng TP.HCM) cho biết, đứng về mặt nguyên tắc, người mở tài khoản tại ngân hàng là chủ tài khoản, còn phía ngân hàng là “tớ” tài khoản. Mọi hành vi ghi nợ hay có trên tài khoản này đều phải có lệnh của chủ tài khoản . Lệnh này dưới nhiều dạng như ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, séc hay giấy rút tiền… Khi khách hàng đã chuyển tiền vào tài khoản thì ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý với số tiền đó.

Trong vụ án này, tiền chạy ra khỏi tài khoản có lệnh chủ tài khoản hay không, là vấn đề quan trọng nhất. Đây cũng chính là khuất tất lớn nhất. Nếu tiền chi mà có lệnh của chủ tài khoản và là lệnh đúng là của chủ tài khoản, không giả thì chủ tài khoản phải chịu. Ngược lại, nếu tiền chi mà không có lệnh của chủ tài khoản hoặc là lệnh giả, lệnh khống thì phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Điều này đồng nghĩa, nhận định, có tiền thì chủ tài khoản phải giữ của đại diện ngân hàng Vietinbank cũng có cái đúng. Riêng kết luận của Huyền Như và Võ Anh Tuấn: “Quản lý tài khoản là trách nhiệm của khách hàng. Việc khách hàng bị mất tiền cũng không thuộc trách nhiệm của ngân hàng nơi mở tài khoản” là chưa đúng.

Tiến sỹ Dương chốt lại, ở trong vụ án này, nếu những khoản chi có lệnh của chủ tài khoản thì vị khách đó phải chịu trách nhiệm. Riêng, những khoản chi không có lệnh của chủ tài khoản thì Huyền Như và ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, những lệnh chi có sự “phù phép” của Huyền Như, tức làm dấu giả, chữ ký giả, lệnh giả của khách thì cả bị cáo Như và ngân hàng đều phải cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xảo quyệt với “điệp khúc” không nhớ…

Mặc dù đã hoạt động trong ngành ngân hàng gần cả chục năm, nắm giữ chức quan trọng trong Vietinbank, nhưng khi được hỏi về các nghiệp vụ thì Huyền Như lại bảo mình không nhớ vì lâu rồi không làm ngân hàng. Ngay cả cách thức huy động vốn của Vietinbank, người giúp ngân hàng huy động vốn có được trả hoa hồng hay không bị cáo này cũng bảo không nhớ.

Huy Linh

—————————————————

Người đưa tin (Thời sự) 21-01-2014:

http://www.nguoiduatin.vn/khuat-tat-lon-nhat-vu-huyen-nhu-lua-4000-ty-dong-la-gi-a122468.html

(122/1.610)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,770