482. Xử lý nợ xấu: Con nợ ‘ép’ chủ nợ

(TBTC) – Đã có nhiều chủ trương, giải pháp được đưa ra để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nhưng theo các ngân hàng, tắc nghẽn lớn trong xử lý nợ xấu hiện nay là những vướng mắc về pháp luật khiến cho ngân hàng dù có đầy thủ tục pháp lý cũng “yếu thế” hơn so với con nợ.

Nhận thế chấp tài sản là “giải pháp niềm tin” ?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế ngân hàng, hai nguyên nhân lớn nhất khiến ngân hàng khó thu hồi nợ là khó xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận và vướng mắc về pháp luật.

Trong quá trình xử lý nợ của các ngân hàng hiện nay, có khoảng cách lớn giữa thực tế và quy định. Mặc dù pháp luật và hợp đồng đều quy định rõ ngân hàng được nắm giữ tài sản, được nhận gán nợ, được quản lý, được quyền phát mại tài sản thế chấp và khởi kiện người vay nợ cùng với người thế chấp, nhưng nếu khách hàng không đồng ý, hoặc đồng ý nhưng không ký giấy tờ hoặc không có mặt ở nơi cư trú, không đến toà, thì gần như không xử lý được tài sản, không giải quyết được vụ án.

Còn theo đại diện Ngân hàng Bắc Á, dù có đầy đủ thủ tục, quy định pháp lý, nhưng nếu khách hàng không hợp tác, thì việc xử lý của ngân hàng cũng bị đình trệ. Bởi dù có đầy đủ thủ tục, pháp lý nhưng quyền đơn phương và chủ động xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng rất khó khăn, do thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.

Một vướng mắc lớn trong xử lý tài sản hiện nay là sang tên tài sản. Ngân hàng nhận được bán được tài sản nhưng không sang tên được khiến cho việc thế chấp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm rồi, đôi khi cũng chỉ là “giải pháp niềm tin” cho ngân hàng. Theo vị đại diện Ngân hàng Dầu khí, nếu giải quyết được vấn đề vướng mắc sang tên tài sản thì sẽ xử lý được rất nhiều nợ xấu của ngân hàng, bởi các khách hàng nhìn thấy tiền lệ sẽ sớm hợp tác xử lý nợ thay vì chây ỳ.

Đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, ngân hàng này có gần 70 vụ án kiện ra tòa, nhưng bị đơn trốn tránh, giấu địa chỉ hoặc không chịu tham gia tố tụng, khiến vụ án bị đình chỉ, bế tắc. Đối với các trường hợp thế chấp ba bên, khi ra tòa, nếu một bên vắng mặt cũng khiến vụ án bị đình trệ, không xử lý được.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đối với các trường hợp này, mặc dù đã có quy định trong thông tư, nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, rất hãn hữu tòa án mới chấp nhận xử lý theo trường hợp bị đơn vắng mặt vì liên quan đến trách nhiệm pháp lý gắn với bản án.

“Kẻ có tóc” thua “kẻ trọc đầu” ?

Ngay cả khi đã ra được bản án, việc thi hành án cũng còn nhiều vướng mắc. Điều khiến các ngân hàng phản ứng nhất là phí thi hành án, hiện nay đều do ngân hàng phải trả. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng người bị thi hành án là người vi phạm cam kết, vi phạm pháp luật và không tự nguyện chấp hành bản án, vì vậy phải nộp phí này, chứ không thể bắt người được thi hành án phải nộp. Thậm chí muốn bán được nhà thế chấp, các ngân hàng còn phải thuê nhà cho chủ nhà để bảo đảm chỗ ở. Đây là quy định bất thành văn hiện nay nhưng đang được đưa vào Dự thảo Luật Thi hành án.

Được biết, CLB Pháp chế ngân hàng đã có ý kiến không đồng tình với dự luật mới về thi hành án có quy định chính thức về điều này. Theo đó, bên được thi hành án sẽ phải thuê nhà ít nhất một năm, với giá nhà trung bình trên thị trường cho người bị thi hành án. Ngân hàng không có trách nhiệm phải bảo đảm chỗ ở cho công dân. Nếu ngân hàng có làm việc này thì cũng chỉ là sự tự nguyện, chứ không thể là bắt buộc.

Trong quá trình thi hành án, phía ngân hàng cũng gặp phải nhiều quy định bất lợi như quy định về lãi suất chậm thi hành án hiện nay tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Trong khi đó, theo hợp đồng vay nợ thì lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trên hợp đồng tín dụng. Như vậy, người có nghĩa vụ thi hành án càng để lâu càng có lợi vì phải chịu mức lãi suất chậm thi hành án còn thấp hơn lãi suất đi vay và thấp hơn rất nhiều lãi suất quá hạn.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm đang là vấn đề nan giải và nhức nhối của ngành Ngân hàng. Khi không chủ động xử lý được tài sản, ngân hàng buộc phải xử lý qua tố tụng, mà thông thường phải mất 2 – 3 năm cho mỗi vụ việc và chi phí tốn kém rất lớn. Việc khó xử lý như vậy đã khiến khách hàng càng nhìn nhau chây ỳ, chống đối và vô hiệu hóa nhiều quy định pháp luật.

Do đó, đại diện CLB Pháp chế ngân hàng cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa một loạt cơ quan là Bộ Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng,… và các ngân hàng thương mại để sớm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình xử lý nợ, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khơi thông hệ thống ngân hàng, góp phần đưa nền kinh tế phục hồi trở lại.

Hoàng Yến

——————

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 17-4-2014:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2014-04-17/xu-ly-no-xau-con-no-ep-chu-no-9107.aspx

(721/1.083)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,225