(DV) – Sáng nay (21.1), nhiều luật sư bức xúc cho rằng Vietinbank đổ lỗi cho khách hàng là phủi bỏ trách nhiệm, Vietinbank đối xử với khách hàng như thế thì đúng là sai lầm khi tin tưởng vào uy tín của Vietinbank.
Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền lợi cho Navibank cho rằng, việc giao dịch ngoài trụ sở với Vietinbank không có quy định nào bắt buộc, tất cả các khách hàng đều có quyền giao dịch ở bất cứ nơi đâu. Trước quan điểm của đại diện VKS cho rằng Navibank tin tưởng Huỳnh Thị Huyền Như vô căn cứ, luật sư cho là thân chủ mình tin tưởng có căn cứ thì mới có đầy đủ cơ sở pháp lý yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả tiền. “Huyền Như là người của Vietinbank, là thật chứ không phải là giả. Ở đây nếu nhầm là do tin tưởng vào Vietinbank” – luật sư Đức nói.
Huỳnh Thị Huyền Như (giữa) tại phiên xử sáng 21.1.
Liên quan các hợp đồng gửi tiền thật với Navibank nhưng là giả với Vietinbank, luật sư Đức cho rằng chỉ có phần vượt trần lãi suất mới là hợp đồng thật với Navibank, giả với Vietinbank. Còn phần tiền gốc và lãi suất 14%/năm là thật hoàn toàn với cả hai bên. Các hợp đồng gửi tiền thật, con dấu, chữ ký thật của Vietinbank thì VKS cho là giả, mà Vietinbank chuyển mất tiền của khách hàng thì VKS cho là thật. Các luật sư cho rằng việc đổ lỗi cho khách hàng không giữ thẻ tiết kiệm từ phía đại diện Vietinbank là phủi bỏ trách nhiệm với khách hàng.
Liên quan đến việc gần đây trên website của Vietinbank có một số điều chỉnh, chẳng hạn như mục “tiền trên tài khoản của quý khách sẽ được Vietinbank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”, luật sư thông báo rằng nội dung trên đã được sửa lại là “tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”. Tức là đã thay từ “quý khách” thành “doanh nghiệp”, bỏ hai từ “quản lý” và “chính xác”. Theo luật sư Đức “điều đó có nghĩa là Vietinbank khẳng định từ nay trở đi Vietinbank không bảo đảm sự chính xác tài khoản của khách hàng?”. Luật sư Đức cũng cho biết, ông đã chụp lưu lại để làm bằng chứng.
Trong vụ án này, luật sư Đức còn khẳng định không ai biết trước việc lừa đảo nhưng sự việc đã xảy ra và trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất vẫn thuộc về Vietinbank. Vietinbank không thể lắc đầu không biết, không tham gia, giao dịch Navibank là hoàn toàn thật, hành vi của Huyền Như không tinh vi, chẳng qua vì Vietinbank không phát hiện ra. Cuối cùng chính nhân viên ngân hàng sai trái thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm.
Cũng trong phần đối đáp, luật sư Đặng Ngọc Châu (bảo vệ cho nguyên đơn dân sự Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu) thì cho rằng, hai công ty Bảo hiểm Toàn cầu và Saigonbank Berjaya (SBBS) bị vướng phải trường hợp tương tự vì hợp đồng với Vietinbank là là hợp đồng thật và chứng từ thật, hợp pháp, tiền đã vào tài khoản Vietinbank. Công ty Bảo hiểm Toàn cầu không hề nhận bất kỳ một khoản chênh lệch nào của Huyền Như. Luật sư Châu còn cho biết, Phó giám đốc Vietinbank – ông Trương Minh Hoàng – đã có văn bản xác nhận trách nhiệm với công ty Bảo hiểm Toàn cầu. “Lỗi lớn nhất của công ty quá tin tưởng vào uy tín của Vietinbank chứ không tin vào Huyền Như” – luật sư Châu đối đáp.
Khi phát hiện số tiền của công ty mình bị chuyển đi, lập tức công ty này khiếu nại Vietinbank. “Thời điểm công ty gửi tiền vào Vietinbank là đã hoàn tất, trách nhiệm công ty đã hoàn thành. Như vậy, thời điểm Huyền Như thực hiện hành vi lừa đảo, vậy số tiền đó là ai quản lý? Chắc chắn là Vietinbank. Người gửi tiền rất ngay tình mà bị chiếm đoạt thì Vietinbank chịu trách nhiệm. Như vậy hai bên đã thỏa thuận phía Vietinbank chịu trách nhiệm hoàn trả nếu hợp pháp” – luật sư Châu nói.
Cũng trong phần tranh luận sáng nay, nhiều luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo đã đề nghị HĐXX xem xét giảm mức hình phạt mà VKS đã đề nghị đối với các bị cáo.
Linh Đan
——————————————–
Dân Việt (Pháp luật) 21-01-2014:
(452/801)