485. Huyền Như và VietinBank – tuy hai mà một

(LĐ) – Sáng nay (21.1), phiên tòa tiếp tục diễn ra phần đối đáp của các luật sư. Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Nam Việt – Navibank) đã tranh luận với Viện KSND TPHCM với nhiều luận chứng quan trọng, khiến phiên tòa “nóng” lên ngay vào buổi sáng nay.

Huyền Như khi là cán bộ Vietinbank đã được khen thưởng về thành tích… huy động vốn

Trước đó, trong phiên xử sáng qua 20.1, phần đối đáp của đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa, hầu hết các luận chứng của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các Cty, ngân hàng và cá nhân đều bị Viện KSND cho rằng không có căn cứ yêu cầu VietinBank trả tiền, mà cáo buộc bị cáo Huyền Như phải chịu trách nhiệm.

Trong phiên toà hôm nay, tranh luận với Viện KSND, luật sư Trương Thanh Đức nêu: “VKS cho rằng không có quy định nào về việc đến tận nơi phục vụ cá nhân gửi tiền, vì là giao dịch ngoài luồng, không đến địa điểm giao dịch nên dẫn đến hậu quả rủi ro lớn. Vậy mà trên trang web của VietinBank ngay vào buổi sáng hôm nay (21.1) có đưa 15 sản phẩm tiền gửi các loại dành cho khách hàng cá nhân, như tiền gửi thanh toán, tiết kiệm không kỳ hạn thông thường…, khách hàng đều được hưởng một trong các lợi ích là: “Được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà nếu có nhu cầu”.

Đại diện Viện KSND cho rằng, nếu Navibank tin tưởng vào bị cáo Như có căn cứ thì đã không xảy ra hậu quả và đã khắc phục được hậu quả. Navibank tin tưởng có căn cứ thì mới có đầy đủ cơ sở pháp lý yêu cầu VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền. Với lập luận này, luật sư cho rằng: “Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn thật của VietinBank. Như là người được VietinBank khen thưởng điển hình xuất sắc, mang lại thành tích, kết quả kinh doanh tốt…”.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Còn nếu tin vào bị cáo Như có căn cứ thì không mất tiền, thì VietinBank đã tin vào bị cáo Như có căn cứ. Vì VKS cho rằng VietinBank không mất tiền. VietinBank tin vào Huyền Như là có căn cứ, thì tại sao lại cho rằng Navibank tin vào Huyền Như không có căn cứ?”.

Luật sư Đức còn làm “nóng” phiên tòa khi lập luận: “Vị đại diện VKS cho rằng chưa có trường hợp nào thực hiện gửi tiền theo đúng quy định mà mất tiền. Điều đó là hoàn toàn đúng, nhưng không thể mang điều này ra để chứng minh cho việc ở đây mất tiền là do gửi tiền không đúng quy định. Điều đó chỉ có thể chứng minh rằng, các ngân hàng không bao giờ từ chối thanh toán tiền gửi hợp pháp của khách hàng như VietinBank”.

Về lý luận của vị đại diện Viện KSND cho rằng “các hợp đồng gửi tiền tại VietinBank là thật với Navibank, nhưng giả với VietinBank”, luật sư Đức đối đáp: “Đây là việc đánh tráo khái niệm, chỉ có phần vượt trần lãi suất mới là hợp đồng thật với Navibank, giả với VietinBank, còn phần tiền gửi gốc và lãi suất 14%/năm là thật 100% với cả hai bên Navibank và VietinBank.

Các hợp đồng gửi tiền nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật của VietinBank thì VKS cho rằng là hợp đồng giả, còn các lệnh chi có nội dung giả, chữ ký giả, con dấu giả mà VietinBank làm cơ sở chuyển mất tiền của khách hàng, thì VKS lại cho là thật. Vì vậy VKS đã không tranh luận về các lệnh chi, chứng từ quyết định việc số tiền bị chiếm đoạt, chỉ vì tôi gọi đó là lệnh chi giả, còn VKS gọi là giả lệnh chi, tức lệnh chi bị Huyền Như làm giả, nhưng VKS cho rằng đối với VietinBank là thật”.

Viện KSND và luật sư VietinBank đều cho rằng người gửi tiền có lỗi không quản lý tài khoản và số tiền của mình; luật sư bảo vệ VietinBank cho rằng, số dư tài khoản do khách hàng quản lý, còn tiền mặt thì do ngân hàng quản lý. Luật sư Đức khẳng định lại, ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý đồng thời cả tiền mặt và số dư tài khoản. Nếu ngân hàng không quản lý số dư tài khoản thì chỉ còn quản lý cái vỏ tài khoản, tức là không quản lý tiền. Xin nhắc lại quy định tại điều 10, quy chế số 1284, khách hàng chỉ theo dõi số dư.

Luật sư Trương Thanh Đức nói tiếp: “Trong vụ này, không ai biết trước việc Huyền Như lừa đảo, nhưng trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất phải là VietinBank. Đối với những người bị thiệt hại, thì bị cáo Huyền Như là đại diện hợp pháp của VietinBank. Đối với VietinBank thì Huyền Như là cán bộ quản lý chính thức của VietinBank. Chỉ từ khi Huyền Như vào ngồi tù thì VietinBank mới không phải chịu trách nhiệm về giao dịch của Như”.

Luật sư Đức khẳng định: “Mở tài khoản, ký tên, đóng dấu hợp đồng, nhận tiền, giữ tiền, chuyển tiền, hạch toán, thu tiền… từ hàng chục khách hàng, hàng trăm giao dịch, hàng ngàn tỉ đồng tiền gửi của khách hàng, bây giờ lại lắc đầu không biết…

Vì gửi tiền vào ngân hàng, là pháp nhân ngân hàng phải chịu trách nhiệm về an toàn tiền gửi, chính nhân viên ngân hàng sai trái thì pháp nhân càng phải chịu trách nhiệm. Đối với trường hợp 200 tỉ đồng tiền gửi của các nhân viên Navibank, thì trách nhiệm của Huyền Như cũng chính là của VietinBank, tuy hai mà một”.

Chiều nay (21.1), phiên tòa tiếp tục phần đối đáp.

Phùng Bắc

———————————————–

Lao Động (Pháp luật) 21-01-2014:

http://laodong.com.vn/phap-luat/huyen-nhu-va-vietinbank-tuy-hai-ma-mot-175091.bld/phap-luat/huyen-nhu-va-vietinbank-tuy-hai-ma-mot-175091.bld

(929/1.045)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,769