(MTG) – Bảo vệ quyền lợi cho công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, luật sư Đặng Ngọc Châu khẳng định: “Nếu không phải làm cho VietinBank, có 10 Huyền Như cũng chẳng lừa được chúng tôi”.
Cũng trong phần tranh tụng sáng 21.1 giữa luật sư với Viện Kiểm sát, các luật sư cũng tỏ ra không đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát khi bác mọi ý kiến của các luật sư bào chữa.
VietinBank nên đổi slogan
Sau khi bị Viện Kiểm sát bác ý kiến, luật sư Đặng Ngọc Châu đã phát biểu: “Các cá nhân và lãnh đạo Công ty Toàn Cầu đều không nhận được bất cứ quyền lợi nào từ Huyền Như. Cũng không có chứng cứ nào chứng minh công ty Toàn Cầu đã nhận phần chênh lệch (phần này Huyền Như đã khai tại tòa là không nhớ rõ -PV).
Lỗi lớn nhất của công ty là quá tin tưởng vào uy tín, chất lượng và sự trung thực của VietinBank. Đừng nói 1 Huyền Như, có 10 Huyền Như đi nữa nếu không làm cho VietinBank cũng không lừa được chúng tôi, vì ở thời điểm đó có nhiều ngân hàng vẫn huy động tiền với lãi suất cao”.
Cũng trong phần tranh tụng, câu slogan “Nâng giá trị cuộc sống” của ngân hàng VietinBank đã được luật sư bảo về quyền lợi cho công ty An Lộc kiến nghị đổi lại thành “Nâng cảnh giác cuộc sống” khi VietinBank vẫn kiên quyết phủ nhận mọi trách nhiệm của mình trong vụ án.
Trở lại phần tranh tụng của mình, luật sư Vạn Xuân trình bày trước tòa: “Về quan điểm của Viện Kiểm sát khi cho rằng người phạm tội (tức Huyền Như – PV) phải có trách nhiệm với các bị hại chứ không phải VietinBank, tôi khẳng định các hợp đồng mà An Lộc ký với VietinBank đều có giá trị pháp lý. Nếu hợp đồng ký đúng trình tự mà tiền chưa chuyển vào tài khoản thì hợp đồng đó đã có hiệu lực chưa? Rõ ràng là chưa, chỉ khi nào An Lộc chuyển tiền vào Vietinbank thì khi đó hợp đồng mới có hiệu lực”, luật sư đưa ra giả thiết.
Để làm rõ hơn vấn đề này, luật sư đưa ra ví dụ khách hàng đến ngân hàng rút tiền nhưng chẳng may về đến nhà thì bị trộm mất. Trường hợp này, khách hàng có báo công an và nói ngân hàng đang quản lý số tiền trên thì ngân hàng có chịu hay không?”, vị luật sư chất vấn.
Như vậy trong trường hợp này, khi tiền đã vào hệ thống ngân hàng, thì đương nhiên ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý. “Nói khách hàng phải chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình là lý luận hết sức khiên cưỡng. Do đó, Viện Kiểm sát cho rằng chúng tôi có lỗi là hoàn toàn không có cơ sở”, luật sư khẳng định.
Khách hàng phải tự quản lý tài khoản của mình?
Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức, cho rằng, nói khách hàng chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình là quan điểm vô cùng sai trái và vô lý. Ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý cả tiền và số dư của khách hàng.
Đối đáp với quan điểm của Viện Kiểm sát khi cho rằng Navibank ký hợp đồng ở ngoài trụ sở VietinBank và hợp đồng vượt trần lãi suất là nguyên nhân chính dẫn đến mất mát của Navibank.
Luật sư Đức đã viện dẫn nội dung trên trang web của VietinBank sáng 21.1 với 15 sản phẩm tiền gửi các loại dành cho khách hàng cá nhân, như tiền gửi thanh toán, tiết kiệm không kỳ hạn thông thường… khách hàng đều được hưởng một trong các lợi ích là: “Được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà (nếu có nhu cầu)”.
Trước đó, hôm 16.1, luật sư Đức cũng đã từng lấy nguồn từ trang web của VietinBank để làm tư liệu bào chữa. Luật sư nói: “Trong một mục trên trang web của VietinBank tại thời điểm sáng ngày 16.1.2014 giới thiệu lợi ích đầu tiên trong sô 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản là: “Tiền trên tài khoản của Quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”.
Xin thông báo rằng, sau đó, đoạn này đã được sửa như sau: “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”. Tức là đã thay từ “quý khách” bằng “doanh nghiệp” và bỏ 2 từ “quản lý” và “chính xác”. Điều đó có nghĩa là VietinBank khẳng định chính thức rằng, từ nay trở đi, VietinBank không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng và VietinBank không bảo đảm sự chính xác tài khoản của khách hàng? Rất may là hình ảnh trang web này trước khi bị sửa đã được phổ biến rộng rãi trên Facebook và tôi cũng đã cẩn thận chụp lưu lại được màn hình làm bằng chứng”.
Về việc Viện Kiểm sát cho rằng, nếu Navibank tin tưởng vào bị cáo Như có căn cứ thì đã không xảy ra hậu quả và đã khắc phục được hậu quả. Luật sư Đức cho rằng Như là cán bộ ở Vietinbank, được khen thưởng nhiều lần nhờ thành tích đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng của mình. Do đó, tin vào Như là tin vào VietinBank.
Với những hợp đồng mà Viện Kiểm sát cho rằng là hợp giả với VietinBank, luật sư Đức đã khẳng định: “Đây là việc đánh tráo khái niệm, chỉ có phần vượt trần lãi suất mới là hợp đồng thật với Navibank, giả với VietinBank, còn phần tiền gửi gốc và lãi suất 14%/năm là thật 100% với cả hai bên Navibank và VietinBank.
Cũng trong sáng nay, luật sư Quỳnh Thi (chịu trách nhiệm bào chữa cho Huyền Như) cũng cho rằng, chính sơ hở trong việc quản lý cán bộ của VietinBank đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Các hợp đồng gửi tiền nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật của Vietinbank thì Viện kiểm sát cho rằng là hợp đồng giả, còn các lệnh chi có nội dung giả, chữ ký giả, con dấu giả mà VietinBank làm cơ sở chuyển mất tiền của khách hàng, thì Viện Kiểm sát cho là thật. Vì vậy Viện Kiểm sát đã không tranh luận về các lệnh chi, chứng từ quyết định việc số tiền bị chiếm đoat, chỉ vì tôi gọi đó là lệnh chi giả, còn Viện Kiểm sát gọi là giả lệnh chi, tức lệnh chi bị Huyền Như làm giả, nhưng Viện Kiểm sát cho rằng đối với VietinBank là thật”, luật sư chất vấn.
Cũng trong sáng nay, luật sư Quỳnh Thi (chịu trách nhiệm bào chữa cho Huyền Như) cũng cho rằng, chính sơ hở trong việc quản lý cán bộ của VietinBank đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Với bị cáo Hoàng Hương Giang, trong vai trò giúp Như chiếm đoạt số tiền 20 tỉ đồng, luật sư cũng yêu cầu Viện Kiểm sát xem xét lại vấn đề này.
Với các bị cáo bị Như đưa vào tròng, các luật sư cũng cho rằng, mức án cho các bị cáo trong vai trò giúp Như là quá nặng vì đa số đều còn quá trẻ và bị Như lợi dụng. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Chí cũng đứng trước tòa đề nghị Viện Kiểm sát xem xét lại mức án với những bị cáo này để các bị cáo cơ hội chuộc lỗi, làm lại từ đầu.
Riêng luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thị Lành cho biết, từng kiến nghị hội đồng xét xử triệu tập lãnh đạo của Ngân hàng ACB như bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá để làm sáng tỏ các tình tiết liên quan trong vụ án nhưng vẫn chưa thấy tòa trả lời.
Giang Nam
———————————————
Một thế giới (Kinh tế) 21-01-2014:
http://motthegioi.vn/tieu-diem/vietinbank-nen-doi-slogan-thanh-nang-canh-giac-cuoc-song-40522.html
(484/1.289)