trương thanh đức, võ văn quang, nguyễn tiến lập

Từ trái qua phải: Ông Trương Thanh Đức, ông Võ Văn Quang và ông Nguyễn Tiến Lập

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, ông Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, ông Võ Văn Quang – Chuyên gia thương hiệu về vấn đề này.

*Ông Trương Thanh Đức: Đừng bắt các ngân hàng của Nhà nước phải “vác cọc cho rêu”

Bản thân NHTM của Nhà nước có khi cũng không lo nổi thân mình, thì đừng nên bắt họ phải “vác cọc cho rêu”. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì càng không nên “nhảy” vào làm việc đó, trừ trường hợp không có cách gì khác để cứu NHTM khỏi “cái chết”.

Nếu NHNN là người quản lý, thanh tra, giám sát, cấp phép cho hoạt động của NHTM, nhưng lại phải biểu quyết trong mọi hoạt động của NHTM, thì sẽ không còn mang tính độc lập, khách quan. Việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đó nếu không dẫn đến tiêu cực, thiếu công bằng, thì cũng trở thành lực cản của sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường ngân hàng.

Do vậy, giao trách nhiệm cho SCIC – cơ quan chuyên trách quản lý vốn đầu tư, có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, có năng lực về quản lý hiệu quả đầu tư thì còn tốt hơn là giao cho NHTM hoặc NHNN. Toàn bộ câu chuyện xử lý sở hữu cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN hãy trả về cho thị trường. Can thiệp phi thị trường chỉ có thể thu được một chút lợi ích trước mắt, đo đếm được, nhưng sẽ làm méo mó thị trường, gây hại to lớn, lâu dài, khó chữa, không lường hết được.

* Ông Võ Văn Quang: Mở rộng phạm vi hoạt động của SCIC

Điều không rõ ở đây là khái niệm “NHTM của Nhà nước”. Các NHTM của Nhà nước đã cổ phần hóa thì không thể đại diện vốn nhà nước tại một NHTM khác, vì về bản chất khi đã cổ phần hóa thì NHTM nhà nước không còn là 100% thuộc Nhà nước.

Do đó, vốn nhà nước phải được sở hữu bởi một công ty một thành viên 100% nhà nước như SCIC. Cho dù chức năng hoạt động và năng lực quản lý đầu tư của SCIC có thể hạn chế, nhưng đó là cơ chế hợp lý với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.

Như vậy xem ra có thể mở rộng phạm vi hoạt động của SCIC hoặc mở thêm những công ty tương tự SCIC cho lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời cần có cơ chế minh bạch cho đại biểu quốc hội giám sát hoạt động của các công ty quản lý vốn nhà nước và báo cáo kiểm toán định kỳ ra Ủy ban Tài chính của Quốc hội, vì theo nguyên tắc việc giám sát tài chính ngân sách là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tôi cũng không ủng hộ việc NHNN trực tiếp đứng ra quản lý kinh doanh vốn nhà nước tại các NHTM. Bởi NHNN hoạt động theo một quy chế riêng của quản lý nhà nước, trong khi một nhà kinh doanh thì đòi hỏi phải hoạt động theo Luật Kinh doanh và liên thông với những nguyên lý của kinh tế thị trường của thế giới hội nhập.

Vì vậy khi đề cử một nhà chính trị như một thể nhân đứng tên quản lý vốn nhà nước trong một doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là điều có phần không minh bạch nhiều hơn, so với việc cử một pháp nhân là một công ty quản lý vốn nhà nước như SCIC.

* Ông Nguyễn Tiến Lập: NHNN, NHTM hay SCIC đều không thích hợp

Nếu Chính phủ không có ý định duy trì sở hữu nhà nước tại các định chế tài chính và ngân hàng có liên quan thì hãy quyết tâm bán phần vốn của Nhà nước cho các bên thứ ba bằng bất cứ giá nào, để thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước. Còn nếu chỉ là để xử lý tình trạng “đầu tư ngoài ngành” và “sở hữu chéo” thì cần nhanh chóng chuyển giao (chứ không phải bán) các phần vốn này cho một cơ quan, tổ chức của Chính phủ chỉ định để nắm giữ tập trung toàn bộ quyền sở hữu các phần vốn này.

Tôi không nghĩ rằng các phương án NHNN, NHTM của Nhà nước hay SCIC là người thích hợp với tư cách trở thành chủ sở hữu mới của các phần vốn nói trên. Bởi, một khi làm thế sẽ lại tạo ra các hệ lụy mới như: Các ngân hàng lại sở hữu lẫn nhau, NHNN lại đi kinh doanh tài chính, tiền tệ hay SCIC lại đi kinh doanh trong lĩnh vực mà mình không có kinh nghiệm…

Trước mắt, nếu việc bán đó chưa có lợi về mặt tài chính thì Chính phủ hãy chỉ định một tổ chức bất kỳ nào đó làm “người được ủy nhiệm nắm giữ sở hữu” (trustee) để nhận chuyển giao ngay các phần vốn đó cho một thời hạn nhất định trong khi chờ bán ở giai đoạn tiếp theo. Tổ chức được ủy nhiệm này, khi đó phải hành động tuân theo các chỉ đạo của chủ sở hữu nhà nước. Có nghĩa là chính Nhà nước sẽ nắm lại quyền kiểm soát để chủ động xử lý các khoản đầu tư này.

Cơ quan phù hợp nhất là Bộ Tài chính bởi đó là cơ quan quản lý ngân sách và tài sản nhà nước, không thể là NHNN bởi vì đó là cơ quan kiểm soát tiền tệ cần đóng vai trò độc lập và trung lập./.