487. Phiên xử Huyền Như: Thật giả lẫn lộn?

(IFN) – Nếu giải thích và phân tích theo logic thật thật giả giả như cách nói của đại diện VKS thì chỉ có Tề thiên Đại thánh tái thế mới có thể biến hóa được thật giả trong vụ hợp đồng tiền gửi này.

Thật giả lẫn lộn tù mù

Trên đây là ý kiến của luật sư Lưu Văn Tám, người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Á Châu (ACB) đưa ra trong buổi sáng ngày 21/1 khi đối đáp lại với lập luận của đại diện VKS.

Trước đó ông cho rằng những nội dung Ngân hàng ACB đưa ra đã không được đối đáp, mà đại diện VKS chỉ lặp lại nội dung của bản luận tội, trong khi cũng không bổ sung các tình tiết mới phát sinh (giấy xác nhận số dư tài khoản được VietinBank gửi cho ông Nguyễn Minh Hoàng – một trong 19 nhân viên, nhận ủy thác 26 tỷ đồng của ACB để gửi tiền tại VietinBank), dù những tình tiết này có thể thay đổi bản chất vụ án.

Bị cáo Huyền Như tại tòa ngày 21/1

Trước lập luận của đại diện VKS vào ngày 20/1 cho rằng các hợp đồng của nhân viên ACB ký với VietinBank có con dấu thật, chữ ký thật nhưng chỉ là thật với ACB, còn giả với VietinBank, luật sư Tám cho rằng: “Nói như cơ quan công tố chỉ có tiền thật, hợp đồng thật là của ACB do những người thật của ACB ký tên, khi ACB chuyển tiền vào VietinBank cũng là chuyển tiền thật. Còn ngược lại phía đối tác (VietinBank) ký thì lại cho là giả, và nếu đây là giả thì ông Hoàng, bà Hương (Phó giám đốc VietinBank, những người đã ký hợp đồng) cũng phải là giả và chữ ký này cùng con dấu của VietinBank chi nhánh TP.HCM cũng phải là giả”.

Tiếp tục phân tích luật sư Tám cho rằng, theo logic đó, thì số tiền 669 tỷ đồng (30 hợp đồng ACB chuyển vào cho VietinBank) là tiền thật khi trong túi của ACB, nhưng khi sang túi của VietinBank lại trở thành tiền giả.

Như vậy khoản tiền đó đã được biến chuyển một cách rất tự nhiên từ thật sang giả, từ giả sang thật và VietinBank đang từ có trách nhiệm đã chuyển thành vô can vì tiền trong tài khoản thật đã biến thành tiền giả.

“Nếu cứ giải thích và phân tích theo logic thật thật giả giả như cách nói của đại diện VKS tại phiên toà này thì chắc chỉ có Tề thiên Đại thánh tái thế mới có thể biến hóa được thật giả trong vụ hợp đồng tiền gửi này mà thôi” – vị luật sư ví von.

Có hay không có thẻ tiết kiệm đều mất tiền?

Trong phần bảo vệ quyền cho Ngân hàng Navibank, luật sư Trương Thanh Đức cũng tiếp tục phản bác lại các quan điểm của VKS. Theo ông thì: “Hợp đồng tiền gửi có nội dung thật, con dấu thật của VietinBank thì VKS lại cho là giả, còn lệnh chi có nội dung giả, con dấu giả mà VietinBank dùng làm cơ sở để chuyển và mất tiền thì VKS cho đó là thật, vì vậy VKS đã không tranh luận với tôi về lệnh chi, chứng từ”.

Ngày 21/1, các luật sư tiếp tục tranh luận gay gắt với đại diện VKS

Về lập luận của VKS cho rằng VietinBank không nhận tiền gửi của nhân viên Navibank, và không có chứng cứ cho thấy nhân viên Navibank đã giao tiền cho VietinBank, luật sư Đức cho biết: “Đến ngày hôm nay VietinBank vẫn yêu cầu khách hàng là nhân viên Navibank xác nhận số dư, xác nhận tài khoản”. 

Về lập luận “người gửi tiền không giữ thẻ tiết kiệm”, luật sư Đức khẳng định lập luận, “vì người gửi tiền không giữ thẻ tiết kiệm, không bảo vệ tài sản nên để Như chiếm đoạt” là sai về mặt pháp lý, trái với thực tế và bản chất sự việc.

Lý do ông đưa ra là các hợp đồng tiền gửi của nhân viên Navibank gửi tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè đều đã được tất toán. Hơn nữa, trong số 200 tỉ đồng (hiện đang bị chiếm đoạt) tiền gửi của Navibank tại VietinBank chỉ có 59,7 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi có kỳ hạn bị VietinBank chuyển trái phép thành tiền gửi tiết kiệm, rồi từ đó rút ra và mất tiền.

“Nhưng bây giờ VKS lại đổ lỗi cho rằng không giữ thẻ tiết kiệm thì mất tiền, thế nhưng còn ¾ số tiền (140,3 tỷ) nữa vẫn còn nguyên trạng trong tài khoản, không chuyển đổi thành hình thái tiết kiệm (không có thẻ tiết kiệm) cuối cùng vẫn mất sạch sẽ?”, luật sư Đức đặt câu hỏi.

Và ông cũng trả lời: “Nếu cáo trạng nói “vì không giữ thẻ nên mất tiền”, giả sử đúng là như vậy thì số tiền này (140,3 tỷ) vẫn phải còn nguyên vẹn”.

Vietinbank và câu chuyện gửi xe

Tiếp đến trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty chứng khoán Saigonbank- Berjaya (SBBS) cho rằng, nếu VKS kết luận Công ty này thiếu trách nhiệm nên đã để Huyền Như chiếm đoạt số tiền 210 tỷ đồng thì phải chỉ ra Công ty thiếu trách nhiệm ở chỗ nào.

“Có phải ngày nào chúng tôi cũng phải tới VietinBank để kiểm tra tài khoản hay không?” – luật sư Tâm đối đáp.

Ông cũng đưa ra lập luận rằng, trong giấy mở tài khoản VietinBank đã cam kết sẽ có giấy thông báo khi có biến động về số dư, nhưng trên thực tế SBBS không hề nhận được giấy này. “Nếu chúng tôi nhận được thì hành vi của Như đã bị phát hiện ngay ở lần chuyển đầu tiên” – luật sư Tâm Khẳng định.

Trước phần lập luận của VKS cho rằng Công ty phải có trách nhiệm quản lý tài sản, luật sư Tâm đã ví von đó như một câu chuyện gửi xe. Theo đó ông A có xe nhưng vì nhà chật nên muốn gửi chiếc xe này cho bố mẹ bà B giữ dùm, và ông sẽ trả tiền. Tuy nhiên sau đó bà B đã nói dối bố mẹ rằng mình lấy xe trả ông A nhưng thực chất là đem chiếc xe đi cầm để lấy tiền tiêu xài.

“Theo lập luận của VKS thì ông A phải quản lý chiếc xe của mình đã gửi tại nhà bà B?” – luật sư Tâm đặt câu hỏi.

Cũng trong phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng SBBS đã “tham lãi suất cao” mà gửi. Luật sư Tâm cho rằng “lòng tham không có ý nghĩa gì về quy trách nhiệm dân sự nên tôi không đối đáp”, nhưng sau đó ông cũng khẳng định rằng lập luận phải dựa trên logic, chứng cứ, luận cứ chứ không thể dựa vào “lòng tham”.

Nguyễn Cường

—————————————

Infonet (Vụ án) 21-01-2014):

http://infonet.vn/phien-xu-huyen-nhu-that-gia-lan-lon-post115526.info

(390/1.214)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,769