(DĐDN) – Xung quanh vụ công an quận Bình Thạnh bắt quả tang tiệm vàng Hoàng Mai có hành vi thu đổi trái phép 100 USD rồi tiến hành niêm phong số tiền, vàng trị giá hàng chục tỷ đồng của tiệm vàng đã khiến dư luận băn khoăn về cách thực thi công vụ trong vụ này.
Nếu đúng hành vi mua bán ngoại tệ bị bắt quả tang là 100 USD thì muốn khám xét, tạm giữ tang vật còn lại là 15.000 USD và 559 lượng vàng, trong trường hợp này, phải có lệnh khám xét của Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an Quận Bình Thạnh được Viện kiểm sát phê chuẩn
Đành rằng hành vi của chủ tiệm vàng Hoàng Mai là vi phạm quy định về kinh doanh ngoại tệ hiện hành nhưng cách thực thi pháp luật của cơ quan chức năng cũng bộc lộ những dấu hiệu bất thường.
Lời người trong cuộc
Chiều 27/4, anh Dương Công Kiên – người tạm thời quản lý tiệm vàng Hoàng Mai – cho biết, hiện bà Nguyễn Thị Thanh Mai – GĐ Cty xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai – đang nằm viện. Theo anh Kiên, khoảng 13h ngày 24/4, có một thanh niên vào tiệm vàng hỏi có mua bán USD hay không. Sau đó, có hai người đi vào, một người xưng là đội phó CA đưa lệnh ra và cùng nhiều người mặc sắc phục CA ập vào căn nhà 7 tầng – đồng thời là tiệm vàng ở tầng trệt – tiến hành lục soát. Thấy quyết định khám xét do Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ban hành ngày 23/4 (trước khi sự việc diễn ra một ngày) nên anh Kiên, bà Mai phản đối.
Cũng theo anh Kiên, khi bà Mai trình “biên bản thỏa thuận kiêm hợp đồng” giữa bên A là bà Nguyễn Thị Thanh Mai và bên B là Cty TNHH MTV xuất – nhập khẩu vàng Hoàng Mai cũng do bà Mai làm GĐ với nội dung chứng minh số vàng, nữ trang, ngoại tệ và các tài sản chứa trong 3 tủ sắt đặt tại tầng trệt của tòa nhà số 384 là tài sản riêng của bà Mai, không liên quan đến Cty TNHH MTV xuất – nhập khẩu vàng Hoàng Mai (biên bản lập vào ngày 1/1/2013), nhưng lực lượng khám xét vẫn cho niêm phong các tủ sắt này.
Theo thông tin từ Cơ quan CA Q.Bình Thạnh, vào lúc 13h ngày 24/4, các trinh sát phát hiện tại tiệm vàng này có hành vi mua 100 USD của một nam thanh niên nên đã ập vào lập biên bản quả tang. Ngay chiều 24/4, CA quận thực hiện khám xét hành chính nơi kinh doanh của tiệm vàng này. Quá trình khám xét, CA phát hiện trong két sắt tại khu vực kinh doanh (tầng trệt nhà 384) có một lượng lớn USD, 2.300 baht và 100USD của thanh niên vừa bán cho tiệm vàng.
Trong lúc khám két sắt, CA phát hiện 559 miếng kim loại màu vàng có in hình rồng, đóng dấu SJC không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. CA đã niêm phong số vàng gồm 559 miếng, giao cho bà Mai quản lý, chỉ mang đi số ngoại tệ gồm 14.620 USD, 2.300 baht Thái Lan cùng hệ thống camera an ninh để điều tra.
Và những băn khoăn
Về “quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” được ký ngày 23/4 (trước một ngày khi vụ việc diễn ra) được ông Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế – CA Quận 3 giải thích rằng, đó là sai sót của bộ phận thư ký hành chính.
Tuy nhiên, việc khám xét nhà (cơ sở kinh doanh) bằng một quyết định ký trước khi có hành vi vi phạm là không ổn. Dù công an nại lý do của việc trên là do sơ suất khi đánh máy, tuy nhiên, một quyết định hành chính không thể chấp nhận giải thích đơn giản như vậy.
Việc khám xét cơ sở kinh doanh bằng một quyết định ký trước khi có hành vi vi phạm là không ổn. Dù công an nại lý do của việc trên là do sơ suất khi đánh máy. |
Dư luận cũng đang rất tò mò về chân dung người đến giao dịch 100 USD với tiệm vàng Hoàng Mai. Có thực sự đã diễn ra sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vừa có một giao dịch ngoại tệ vi phạm trị giá 100 USD và ngay lập tức có một lực lượng hùng hậu ập vào bắt quả tang rồi niêm phong luôn số tài sản giá trị gấp trăm nghìn lần như vậy?
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, nếu thực sự có giao dịch mua bán 100 USD giữa tiệm vàng này và khách hàng thì Hoàng Mai đã vi phạm luật khi không được cấp phép thu đổi ngoại tệ mà vẫn thực hiện. Việc xử phạt sẽ áp dụng theo Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Nếu vụ việc chỉ liên quan đến buôn bán ngoại tệ thì theo quy định, công an chỉ được niêm phong và tịch thu số ngoại tệ liên quan (tang chứng) và không được niêm phong vàng, trừ trường hợp bắt quả tang giao dịch vàng miếng hoặc có chứng cứ chứng minh tiệm vàng Hoàng Mai vi phạm như biên nhận của khách hàng hoặc người nào đó của tiệm cung cấp… Tuy nhiên, nếu không có những bằng chứng nói trên, cơ quan chức năng không thể kết luận DN buôn bán vàng miếng trái phép. Bởi theo ông Minh, khi chưa có Nghị định 24, người dân mua bán vàng miếng thường không lấy hoá đơn, chứng từ. Nhiều người dân còn nắm giữ lượng lớn vàng từ xa xưa để lại nên khó biết rõ nguồn gốc. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, nhà nước không cấm người dân giữvàng miếng. Nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được nguồn gốc số vàng đó là do vi phạm pháp luật mà có (hoặc đó là vàng giả…) thì không được quyền niêm phong, dù số vàng đó có hoá đơn chứng từ hay không.
Rõ ràng, Hoàng Mai không hoàn toàn oan ức, vì công an đã phát hiện những dấu hiệu kinh doanh ngoại tệ trái phép. Nhưng sẽ là vi hiến nếu chỉ vì 100 USD giao dịch trái phép mà xồng xộc vào khám xét, niêm phong vàng của DN, thu giữ tài sản cá nhân. Đó là đã đi quá phận sự của mình, theo cách hình sự hóa các vi phạm hành chính, khiến người kinh doanh khốn đốn.
Được biết, nữ giám đốc tiệm vàng Hoàng Mai đã phải nhập viện do lo sự nghiệp có nguy cơ phá sản. Hơn cả, DN đã gửi thông báo lên Cục thuế thành phố tạm ngưng kinh doanh đến hết năm 2014 vì “tinh thần hoảng loạn” cũng nói lên nhiều điều. Nhưng dường như, đó mới chỉ là những hệ lụy đầu tiên.
Khám xét trái luật ? Theo khoản 2 điều 124 và khoản 2 điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh không có thẩm quyền ký quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là địa điểm kinh doanh. Trong quyết định khám xét của chủ tịch UBND Q Bình Thạnh ký ngày 23-4, được ghi là “khám xét nơi ở”, nhưng tại điều 2 của quyết định ghi: “toàn bộ phạm vi nhà”, bao gồm cả khu vực kinh doanh. Trên thực tế, Công an Q Bình Thạnh đã tập trung khám xét khu vực kinh doanh. Thêm vào đó, Công an Q Bình Thạnh trả lời là do sai sót khi ghi ngày ra quyết định khám xét chứ không có việc ra quyết định trước khi phát hiện hành vi vi phạm. Nhưng trong quyết định của chủ tịch UBND Q Bình Thạnh ký ngày 23/4, nội dung ghi rõ: “Xét đề nghị của Công an Q Bình Thạnh tại Công văn số 246/CAQ (KT-CV) ngày 22/4”, như vậy làm sao nói sai sót do ghi nhầm ngày được? Bởi lẽ dựa trên cơ sở nào để ngày 22/4 công an Q Bình Thạnh đề nghị UBND Q Bình Thạnh khám xét tiệm vàng Hoàng Mai? Hơn nữa, Công an Q Bình Thạnh chỉ phát hiện nghi vấn tiệm vàng Hoàng Mai mua bán 100 USD. Vì vậy ngay khi Công an Q Bình Thạnh khám xét, tìm ra tờ tiền mệnh giá 100 USD đó thì xem như đã thực hiện xong nội dung quyết định, có thể dừng việc khám xét chứ không thể tiếp tục khám xét tới két sắt, hộc tủ. Trong trường hợp Công an Q Bình Thạnh phát hiện tiệm vàng Hoàng Mai có dấu hiệu vi phạm khác, cơ quan này phải xin lệnh khám khác chứ không thể tùy tiện khám xét vượt quá nội dung quyết định đã ban hành. Việc tiếp tục khám xét, thu giữ tài sản cá nhân khác trong hộc tủ, két sắt là có dấu hiệu lạm dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hay nói khác hơn là lạm quyền. Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính. Tại thời điểm khám xét, cơ quan chức năng chỉ xác định được tờ 100 USD là tang vật, còn số vàng, ngoại tệ khác không có mua bán, giao dịch nên không thể cho rằng bà Mai có dấu hiệu vi phạm, tạm giữ để xác minh. |
Đẩy DN vào chỗ rủi ro LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI Chỉ từ 100 USD để lấy cớ khám xét một cửa hàng kinh doanh vàng có giấy phép hoạt động dưới dạng Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai là vô lý. Mặc dù, số ngoại tệ cơ quan chức năng khám xét trong nhà bà Mai và thu giữ gần 15.000 USD, nhưng nếu cứ ai giữ ngoại tệ mà bị hành xử như vậy thi cũng khó có thể chấp nhận. Ở đây có thể nói rằng, các cơ quan chức năng đã “nâng cao quan điểm” để đẩy người dân vào những vi phạm mà mình không thể hình dung ra. Chuyển từ khám xét cửa hàng thành khám nhà để thu giữ và kê biên 559 lượng vàng cùng nhiều tài sản giá trị khác là đã làm quá vấn đề. Kể cả DN này không có chức năng được kinh doanh vàng miếng và ngoại tệ thì cũng khó có thể quy chụp kinh doanh trái phép để niêm phong hay thu giữ tài sản gia đình. Quản lý chặt ngoại tệ và vàng đúng là một chức năng quan trọng của các cơ quan như công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương. Nhưng cách hành xử như vậy của các cơ quan này đã đi quá xa. Từ một việc làm tích cực họ đã tự biến mình thành tiêu cực. Thậm chí họ sẽ tự đẩy xa vụ việc để người dân có thể suy diễn thành việc làm trên có những động cơ khác. Từ vụ việc trên có thể thấy, cơ quan quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng cần có những quy định cụ thể và chi tiết hơn. Thế nào là vi phạm? cách thức xử lý vị phạm ra sao… tất cả đều cần có hướng dẫn. Vụ việc trên đã khiến không chỉ DN mà ngay cả người dân cũng cảm thấy độ rủi ro trong việc giữ và lưu hành vàng, ngoại tệ. Nếu đúng hành vi mua bán ngoại tệ bị bắt quả tang là 100 USD thì muốn khám xét, tạm giữ tang vật còn lại là 15.000 USD và 559 lượng vàng, trong trường hợp này, phải có lệnh khám xét của Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an Quận Bình Thạnh được Viện kiểm sát phê chuẩn. Nếu đoàn kiểm tra hành chính thông thường thì phải lập biên bản xử lý (thậm chí chủ tịch UBND Quận cũng không có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngoại tệ, vàng theo Nghị định 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là để giúp người dân và DN cảm thấy có được sự an toàn. Đẩy người dân và DN vào chỗ hoang mang và rủi ro khi giữ vàng và ngoại tệ là chưa hoàn thành trách nhiệm. |
Nhóm phóng viên
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 30-4-2014:
http://dddn.com.vn/phap-luat/vu-viec-tai-tiem-vang-hoang-mai-tp-hcm-dau-hieu-lam-quyen-20140429015653137.htm
(510/2.256)