(TBTCVN) – Câu chuyện trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng trong các giao dịch đang là chủ đề nóng thời gian gần đây, đặc biệt với đại án “Huyền Như”.
Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa án hôm 16/4/2014, với tư cách là người có liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Có nhiều ý kiến cho rằng Vietinbank đã “phủi tay” với người gửi tiền, chối bỏ nghĩa vụ thanh toán, gây mất niềm tin không chỉ của chính ngân hàng mình mà của cả các ngân hàng nói chung.
Tiền vào ngân hàng, trách nhiệm thuộc về ai ?
Trước khi vụ án này gây chú ý của dư luận, có lẽ câu chuyện trách nhiệm của ngân hàng khi nhận tiền gửi của khách hàng ít khi được đặt ra. Vì khi người gửi tiền đã cầm sổ tiết kiệm, tiền đã vào tài khoản, thì ngân hàng đương nhiên đã thay mặt khách hàng giữ tiền.
Theo quan điểm của một số luật sư, một khi tiền gửi đã vào ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Dù lãi suất cao, nhưng nếu Huyền Như không phải là trưởng phòng giao dịch, phó phòng quản lý rủi ro của 1 trong 5 ngân hàng thương mại nhà nước lớn thì cũng không dại gì mà các khách hàng này gửi tiền (trong đó có nhiều ngân hàng cũng là nạn nhân).
Bà Lê Minh Nhân, một luật sư kỳ cựu trong ngành cho rằng, trong vụ Huyền Như, không thể phủ nhận trách nhiệm của Vietinbank đối với tiền gửi của khách hàng. Tiền gửi vẫn nằm ở Vietinbank bởi vì khách hàng không ký lệnh chuyển đi. Huyền Như đã giả mạo các giấy tờ để lấy tiền đi, và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro của Vietinbank dù rất dày đặc đã không làm đúng trách nhiệm của mình, để cho nhân viên của mình chiếm đoạt tài sản đó.
“Đây không phải là lừa đảo mà là tham ô tài sản, hai tội này hoàn toàn khác nhau. Trong vụ này, đã có sự chuyển đổi ngoạn mục từ tham ô sang lừa đảo. Một khi đã sang lừa đảo, thì Vietinbank sẽ không có trách nhiệm phải trả số tiền này”, vị luật sư này cho biết.
Cũng có những ý kiến cho rằng về nguyên tắc, một khi đã giao dịch thì người gửi tiền có trách nhiệm phải xác nhận tư cách người giao dịch với mình cũng như ngân hàng phải xác nhận tư cách người vay tiền. Tuy nhiên trên thực tế điều này là bất khả thi bởi người dân khó lòng tiếp xúc với các thông tin nội bộ, cơ chế uỷ quyền của ngân hàng.
Hơn nữa, ngân hàng không phải là một doanh nghiệp thông thường mà là một tổ chức đặc biệt, hoạt động dựa trên việc xây dựng niềm tin với khách hàng. Người dân tin tưởng mới gửi tiền vào ngân hàng. Và đó là lý do các ngân hàng thương mại lớn thường có mức lãi suất thấp hơn nhưng vẫn thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Mất niềm tin quan trọng hơn mất tiền
Không chỉ có người dân mới bức xúc trong câu chuyện này. Một cán bộ đã 20 năm công tác tại một ngân hàng thương mại nhà nước chia sẻ: “Chưa bao giờ thấy tủi hổ cho ngành ngân hàng như thế, vì quản trị hệ thống kém làm mất niềm tin của người dân với ngân hàng. Việc đặt ra vấn đề kiểm tra lại, xác minh lại mọi quy trình là kéo lùi lịch sử, kéo lùi sự phát triển, làm mất thể diện của ngành ngân hàng đã xây dựng mấy chục năm qua”.
Một cán bộ ngân hàng cho rằng, khi đi huy động vốn cho ngân hàng, cán bộ ngân hàng phải thuyết phục, phải đảm bảo bằng mọi cách để khách hàng tin tưởng và gửi tiền. Đối với những khách hàng VIP, ngân hàng còn có nhiều dịch vụ cộng thêm như giao tiền, trả tiền tận nơi, xe ngân hàng, cán bộ ngân hàng đến làm việc tại nơi yêu cầu, giấy tờ đã chuẩn bị trước. Thế nhưng khi vấn đề xảy ra thì ngân hàng từ chối trách nhiệm với người gửi tiền, thậm chí coi giao dịch tại nhà là không có hiệu lực. Như vậy là chính ngân hàng đang tự hại mình bởi cán bộ ngân hàng sẽ rất khó khăn khi huy động vốn, khó thuyết phục được khách hàng. “Bảo vệ quyền lợi khách hàng thì mới bảo vệ được chính uy tín ngân hàng. Nếu cứ cố gắng bao biện cho một vài hành vi, một vài trường hợp thì chúng ta sẽ mất hết”, vị cán bộ ngân hàng chia sẻ.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, phủi tay với trách nhiệm, ngân hàng có thể giữ được tiền bạc nhưng đã mất niềm tin của khác hàng. Mất tiền bạc không nguy hiểm bằng mất niềm tin, bởi ngân hàng sống bằng niềm tin của khách hàng. Những vụ việc về bảo lãnh, tiền gửi vừa qua đã làm ảnh hưởng uy tín của ngành ngân hàng. Sự khủng hoảng niềm tin không chỉ giữa khách hàng với ngân hàng mà ngay cả giữa các ngân hàng với nhau.
Một điều đáng chú ý là trong những sự việc nóng bỏng vừa qua, vai trò của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý ngành ngân hàng dường như khá mờ nhạt. Nhớ lại gần hai năm trước, đã xảy ra câu chuyện bán khống chứng khoán làm khách hàng mất tiền, kiện cáo. Các công ty chứng khoán khi bị phát hiện liền sa thải nhân viên thực hiện bán khống, coi như hết trách nhiệm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi đó lập tức tuyên bố, sẽ rút giấy phép nếu các công ty để xảy ra bán khống mà không chịu trách nhiệm. Nhờ đó, trật tự trên thị trường đã được lập lại, các công ty có trách nhiệm hơn trong việc quản lý nhân viên, quản lý hoạt động của mình.
Giờ đây, câu chuyện với ngành ngân hàng cũng xảy ra tương tự khi nhân viên ngân hàng làm sai, ngân hàng từ chối trách nhiệm. Thiết nghĩ, để lấy lại niềm tin với người dân, với thị trường thì ngành ngân hàng cũng nên tham chiếu cách làm trong việc xử lý việc bán khống chứng khoán như trên./.
Hoàng Yến
——————
Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 30-4-2014:
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2014-04-29/ngan-hang-cheo-chong-giua-con-khung-hoang-niem-tin-9396.aspx
(289/1.139)