(TP) – Trong ngày xét xử hôm qua (21/1), các luật sư đã phản bác lại quan điểm của đại diện cơ quan công tố, tiếp tục xoáy vào trách nhiệm của Vietinbank.
Thay vì chỉ trích vào bị cáo chủ chốt Huyền Như, các luật sư đang hướng trách nhiệm về phía Vietinbank
Luật sư Vũ Viết Vạn Xuân, bảo vệ quyền lợi cho Cty An Lộc đã phản biện lại quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát (VKS). Ông Xuân nói, các hợp đồng mà An Lộc ký với Vietinbank đều có giá trị pháp lý.
Luật sư này nêu giả thiết, nếu hợp đồng ký đúng trình tự mà tiền chưa chuyển vào tài khoản thì hợp đồng chưa có hiệu lực. Chỉ khi nào An Lộc chuyển tiền vào Vietinbank thì khi đó hợp đồng mới có hiệu lực.
“Nói khách hàng phải chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình là lý luận hết sức khiên cưỡng. Do đó, công tố viên cho rằng chúng tôi có lỗi là hoàn toàn không có cơ sở”, luật sư Xuân nói.
Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ cho Navibank đã đề nghị tranh luận với cả VKS và Vietinbank. Theo ông Đức, nói khách hàng chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình là quan điểm vô cùng sai trái và vô lý. Ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý cả tiền và số dư của khách hàng.
Về lập luận của công tố viên cho rằng, Navibank ký hợp đồng ở ngoài trụ sở Vietinbank và hợp đồng vượt trần lãi suất là nguyên nhân chính dẫn đến mất mát của Navibank, ông Đức viện dẫn nội dung trên trang web của Vietinbank sáng 21/1 với 15 sản phẩm tiền gửi các loại dành cho khách hàng cá nhân, như tiền gửi thanh toán, tiết kiệm không kỳ hạn thông thường,… khách hàng đều được hưởng một trong các lợi ích là: “Được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà (nếu có nhu cầu)”.
Luật sư Đức trích nguồn từ website của Vietinbank, tại thời điểm sáng 16/1/2014, giới thiệu lợi ích đầu tiên trong số 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản là: “Tiền trên tài khoản của quý khách sẽ được Vietinbank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”.
Nhưng sau đó, đoạn này đã được sửa như sau: “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”. Tức là đã thay từ “quý khách” bằng “doanh nghiệp” và bỏ hai từ “quản lý” và “chính xác”.
Từ vấn đề này, luật sư Đức nói, việc thay đổi từ ngữ nói trên, có nghĩa Vietinbank khẳng định chính thức rằng, từ nay trở đi, Vietinbank không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng và Vietinbank không bảo đảm sự chính xác tài khoản của khách hàng.
Tuy nhiên, theo luật sư, “rất may, trước khi có sự thay đổi này, thông tin nói trên của Vietinbank trên website đã được phổ biến rộng rãi trên facebook” và ông Đức cũng đã cẩn thận chụp lưu lại được màn hình làm bằng chứng.
Huyền Như chiếm đoạt bao nhiêu tiền?
Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ bị cáo Nguyễn Thị Lành nói, trong quá trình xét xử, luật sư từng kiến nghị triệu tập lãnh đạo của ACB như bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá để làm sáng tỏ các tình tiết liên quan trong vụ án nhưng vẫn chưa thấy tòa trả lời. Trong quá trình xét hỏi, cơ quan công tố có nhiều hạn chế đối với luật sư khi không cho trực tiếp đối đáp với Vietinbank…
“Nếu tất cả 18 câu hỏi mà tôi đặt ra không được đại diện Vietinbank trả lời và tình tiết mới về tài khoản của ông Phạm Công Hoàng (nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank) không được làm rõ, tôi có thể đặt câu hỏi liệu Vietinbank đang che giấu hành vi chiếm đoạt tiền của ACB?”, ông Tám đặt vấn đề.
Cáo trạng khẳng định, Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB toàn bộ số tiền gửi là 718,908 tỷ đồng. Trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện Vietinbank đã cố gắng chứng minh tiền gửi – tiền vay của ACB không chuyển vào Vietinbank; cho rằng Huyền Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền 718 tỷ đồng trong tài khoản của ACB và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào trong số 18 câu hỏi luật sư đặt ra cho Vietinbank.
Song, theo luật sư Tám, việc xác nhận còn hơn 900 triệu đồng trong tài khoản Vietinbank của ông Phạm Công Hoàng chính là bằng chứng xác định Huyền Như đã không chiếm đoạt tiền gửi của ACB mà là chiếm đoạt tiền vay của Vietinbank bằng các hợp đồng vay giả.
Sau đó, Vietinbank mới trích tiền gửi của ACB để thu nợ, bù đắp số tiền mà Như đã chiếm đoạt, thậm chí giá trị tài sản bảo đảm (tiền gửi) cao hơn giá trị khoản vay 1 tỷ đồng (tài sản bảo đảm là tiền gửi trị giá 26 tỷ đồng; khoản vay 25 tỷ đồng – PV). Nhưng, khi trích thu để bù đắp cho số tiền bị chiếm đoạt, Vietinbank đã thu luôn cả gần 50 triệu đồng lãi tiền vay, nên số tiền thừa còn lại mới chỉ còn 950,17 triệu đồng.
Luật sư Tám cho rằng, giấy xác nhận này chính là chứng cứ không thể bác bỏ để thấy rằng kết luận của cơ quan điều tra, VKS về số tiền bị chiếm đoạt cho đến thời điểm này là không chính xác. VKS cho rằng Huyền Như đã chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng của ACB.
Trong khi đó, người quản lý tiền là Vietinbank lại có xác nhận là chỉ riêng một khách hàng đã còn 950,17 triệu đồng. Chưa tính 16 người còn lại thì đó là những số tiền không nhỏ, tại sao VKS không đưa vào kết luận của mình? Vậy thực tế, Huyền Như đang bị oan trong phần quy kết thiệt hại, vì nếu theo tỷ lệ tiền vay bằng 95% tiền bảo đảm, số tiền Huyền Như chiếm đoạt không phải là con số 718 tỷ, mà thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên điều này chưa được VKS làm rõ…
Hôm nay (22/1) phiên tòa tiếp tục làm việc.
Theo các luật sư, quan điểm cho rằng khách hàng phải chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình là rất vô lý. Ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý cả tiền và số dư của khách hàng.
Hữu Vinh
————————————————–
Tiền phong (Pháp luật) 22-01-2014:
http://www.tienphong.vn/phap-luat/luat-su-phan-phao-vien-kiem-sat-vu-huyen-nhu-lua-dao-673276.tpo
(354/1.151)