(ĐT) – Trong diễn biến phiên xử án đầu tuần trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp các luận điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự. Huỳnh Thị Huyền Như đã đánh vào lòng tham của các ngân hàng, công ty và cá nhân để đưa họ vào bẫy “siêu lãi suất”.
Luật sư: VietinBank không chịu trách nhiệm
Trước đó, trong phiên tòa diễn ra cuối tuần trước, LS. Nguyễn Thị Bắc, người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định, VietinBank hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong vụ án Huyền Như lừa chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
Huỳnh Thị Huyền Như đã đánh vào lòng tham của các ngân hàng, công ty và cá nhân để đưa họ vào bẫy “siêu lãi suất”. Ảnh: H.T |
Nguyễn Thị Bắc cho rằng, vì muốn có tiền bằng mọi cách để trả nợ những khoản vay lãi suất cao mà Như đã đánh vào lòng tham của các ngân hàng, công ty và các cá nhân để đưa họ vào cái bẫy “siêu lãi suất”, nhằm chiếm đoạt tiền của những đơn vị này, chứ không phải muốn “đặt bẫy” cho VietinBank.
“Bị cáo Như đã giả danh, lợi dụng danh nghĩa của VietinBank và dùng các thủ đoạn gian dối làm con dấu, chữ ký giả, cũng như những sơ hở, sai phạm của các tổ chức, cá nhân này để lừa số tiền khổng lồ. Như vậy, cáo trạng truy tố bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người đúng tội. Các tổ chức, cá nhân bị Như lừa có quyền đòi bị cáo phải bồi thường”, LS. Bắc nêu quan điểm.
Phản biện với những quan điểm mà các luật sư khác trong các phiên xử trước đó cho rằng, VietinBank đã chậm phát hiện những sai phạm của Như, LS. Nguyễn Thị Bắc khẳng định, VietinBank đã chủ động và nhanh chóng báo cơ quan điều tra ngay khi phát hiện hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như.
Theo LS. Bắc, VietinBank Chi nhánh Điện Biên Phủ được thành lập từ tháng 5/2010 và chính thức đi vào hoạt động tháng 7/2010. Đến tháng 9/2011, VietinBank phát hiện ra những mối quan hệ làm ăn mờ ám của Như với các công ty, cá nhân, nên đã báo với cơ quan điều tra xử lý. Thủ đoạn phạm tội của Như rất tinh vi, giao dịch của các công ty và cá nhân với bị cáo bị che giấu một cách kín kẽ. Trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, VietinBank đã được các đơn vị Kiểm toán nhà nước, Thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện kiểm toán và thanh tra, nhưng vẫn không phát hiện ra.
“VietinBank hoàn toàn không chịu trách nhiệm với những giao dịch bất hợp pháp của các ngân hàng, công ty và cá nhân với bị cáo Như trong vụ án này”, vị luật sư trên khẳng định.
Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm tranh luận, LS. Trương Thanh Đức bảo vệ cho NaviBank (bị Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng) cho rằng, trên website của VietinBank hiện vẫn khẳng định tiền trong tài khoản của khách hàng được VietinBank quản lý và bảo mật. Trong khi đó, đại diện VietinBank lại trả lời trước tòa là trong các bộ luật, văn bản dưới luật không có điều khoản nào quy định về trách nhiệm quản lý tài khoản tiền gửi, số dư trên các tài khoản của khách hàng tại ngân hàng.
Theo LS. Đức, tài khoản của khách hàng bị mất ở khâu nào, thì sẽ tương ứng với trách nhiệm liên quan của khách hàng hay ngân hàng ở khâu đó. Nếu khách hàng không ký lệnh rút tiền hay thanh toán, cũng không ký hợp đồng cầm cố tiền gửi…, thì đương nhiên không có lỗi trong việc tiền cứ tự nhiên “biến mất” khỏi tài khoản của mình.
Ngoài ra, luật sư cũng bác bỏ quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng, việc khách hàng không đến phòng giao dịch để thực hiện các thủ tục với ngân hàng là sai, nhằm miễn trách nhiệm của VietinBank trong vụ việc này. Theo các luật sư, ngày nay, với những ứng dụng về công nghệ trong hệ thống quản lý ngân hàng và đảm bảo sự tiện ích cho khách hàng, không nhất thiết phải đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch mới được coi là hợp pháp. Khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện các lệnh gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền bên ngoài ngân hàng thông qua hệ thống Internet banking.
Viện Kiểm sát: Các bị cáo đã làm không đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước
Trong phiên xử đầu tuần này, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đã có phần đối đáp về các ý kiến bào chữa của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự.
Vị đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, một số bị cáo đã phạm vào tội “vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong các tổ chức tín dụng”. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, các bị cáo đã làm không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy chế cho vay, bỏ qua các bước trong lập hồ sơ cho vay, như không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh, không có chữ ký của người cho vay, người bảo lãnh… Nếu các bị cáo làm đúng thủ tục, quy trình, quy định, thì đã không gây ra hậu quả như cáo trạng quy kết.
Trước đó, các luật sư cho rằng, cáo trạng không nêu VietinBank là bị hại và VietinBank cũng không nhận mình là bị hại trong vụ án này nên cần xem xét lại tội danh truy tố. VietinBank không thiệt hại nên các bị cáo là nhân viên của VietinBank không phạm tội.
Về vấn đề này này, đại diện Viện Kiểm sát đã không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư. Viện Kiểm sát cho rằng, trách nhiệm của VietinBank là đã sơ hở nên dễ dàng tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo. Hành vi này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nên Viện Kiểm sát đã kiến nghị với cơ quan trung ương xem xét xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm của một số cán bộ VietinBank Chi nhánh TP.HCM.
Đối với phần phần bào chữa của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Viện Kiểm sát cho rằng, trong các hợp đồng giao dịch giữa ACB với VietinBank thông qua Huyền Như là hợp đồng thật đối với ACB, nhưng là giả với VietinBank. VietinBank không có chính sách nào tạo điều kiện thuận lợi như nhân viên ACB không cần đến giao dịch tại VietinBank, không có lãi suất cao…
Viện Kiểm sát quy trách nhiệm cho ACB khi giao trách nhiệm cho 19 nhân viên làm trái pháp luật. Khi tiền chuyển vào tài khoản của các nhân viên ACB, thì các nhân viên ACB phải có trách nhiệm quản lý những tài khoản trên.
Mặt khác, ACB cũng phải yêu cầu nhân viên bàn giao lại những tài khoản này cho ngân hàng, nhưng ACB đã không làm như vậy, mà đã phó thác toàn bộ số tiền cho Như. Như vậy, ACB cũng chưa thực hiện đúng quy trình dẫn đến việc bị Như lợi dụng.
Viện Kiểm sát cũng cho rằng, Navibank vi phạm pháp luật về vượt trần lãi suất. Lãnh đạo Navibank đã thừa nhận sai phạm và sai phạm này đã khởi nguồn cho những sai phạm kế tiếp dẫn đến bị Huyền Như lừa. Navibank cho rằng, không bị Như lừa, không vi phạm quy định về tiền gửi. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát khẳng định Navibank đã trao quyền định đoạt tài sản của mình cho các bị cáo trong vụ án.
Navibank cho rằng, mình không được bảo vệ khi gửi tiền cho VietinBank, nhưng Viện Kiểm sát khẳng định, không có chứng cứ xác nhận Navibank giao tiền cho VietinBank. Huyền Như đã đánh vào lòng tham nên dễ dàng lừa đảo số tiền lớn.
“Đến thời điểm này, chưa có một trường hợp khách hàng nào, không riêng gì của VietinBank mà bất cứ ngân hàng nào, báo rằng bị mất tiền khi họ đến gửi tại ngân hàng. Còn ở đây, gửi tiền tiết kiệm mà không gửi số tiết kiệm, giao dịch qua trung gian…, nên mới dẫn đến hậu quả như hôm nay. Mọi hành vi giao dịch với bất kỳ ngân hàng nào, dù là VietinBank hay bất cứ ngân hàng thương mại cổ phần nào đều được pháp luật bảo vệ nếu họ tuân thủ các quy định”, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định.
Tú Ân
—————————————————–
Đầu tư (Pháp luật đầu tư) 22-01-2014:
http://baodautu.vn/xet-xu-sieu-lua-huyen-nhu-cau-chuyen-long-tham-va-trach-nhiem.html
(285/1.595)