50. Nhiều quy định còn thiếu cụ thể, rất khó áp dụng.

(ANVI) – Góp ý vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi):

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã có nhiều điểm cụ thể và chi tiết hơn Bộ luật hiện hành. Ví dụ, trong Tội cố ý gây thương tích (Điều 106) , đã xác định rõ tội phạm và mỗi khung hình phạt tương ứng với từng mức độ thương tích. Hoặc đã quy định rõ việc xâm phạm đến một mức giá trị tài sản nhất định (từ 500.000 đồng trở lên) mới phạm Tội cướp giật (Điều 135) là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nếu không quy định mức tối thiểu, thì bất kể người nào cướp giật một vài nghìn đồng cũng có thể bị truy tố và xét xử. Rõ ràng, hành vi rất ít nguy hiểm đó hoàn toàn không cần thiết phải xử lý về mặt hình sự, mà chỉ cần xử phạt hành chính là được. Tuy nhiên, nếu có những tình tiết khác về nhân thân, về hậu quả thể hiện việc cướp giật số tiền dưới 500.000 đồng cũng là nguy hiểm đáng kể, thì theo quy định của Dự thảo vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng bên cạnh đó, Dự thảo vẫn còn nhiều quy định quá chung chung. Ví dụ, rất nhiều điều khoản có quy định nhưng không xác định thế nào là hậu quả hoặc thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, chắc chắn lại phải trông chờ và phụ thuộc vào nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể những vấn đề trên. Đối với các tình tiết tăng nặng, thì có thể quy định một cách chung chung như vậy được, nhưng đối với các tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt cụ thể, thì cần phải quy định rõ trong từng Điều hoặc từng Chương của Bộ luật. Tương tự, đối với các Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cần quy định cụ thể giá trị hàng hoá, vật phạm pháp hoặc thu lợi bất chính thế nào là lớn, rất lớn đặc biệt lớn,… Có như vậy mới bảo đảm giá trị pháp lý tối cao của Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm và hình phạt. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng: Một hành bị coi là có tội hay không có tội lại không phải do Bộ luật Hình sự và cơ quan lập pháp là Quốc hội ấn định, mà lại do các cơ quan tư pháp và hành pháp quyết định.

Dự thảo cũng còn một số quy định thiếu rõ ràng. Ví dụ, Điều 48 quy định: “Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó ít nhất có hai tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 47…” Nếu quy định, trong nhiềuhai… thì chữ nhiều ở đây hoàn toàn có thể bị hiểu là phải có từ 3 tình tiết trở lên. Trong các điều khoản cụ thể của Dự thảo, có rất nhiều quy định phạm tội nhiều lần, phạm tội đối với nhiều người, làm chết nhiều người,… Vậy nhiều là bao nhiêu? Nếu hiểu theo chữ nghĩa thông thường, số lượng từ hai trở lên được coi là nhiều, thì tại sao không quy định rõ hai lần, nhiều người,… trở lên. Trong khi đó, Điều 20 đã quy định rõ: “Đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Như vậy, trong trường hợp này, thì nhiều người lại được chỉ rõ là hai người trở lên.

Thay vì quy định tình tiết giảm nhẹ là người già phạm tội (Điều 47) và tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người già (Điều 49), thì nên quy định rõ người từ bao nhiêu tuổi trở lên (chẳng hạn từ 60 tuổi trở lên), vì nước ta đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó xác định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi, nhưng lại chưa có quy định của pháp luật xác định thế nào là người già.

Một số quy định khác cũng nặng về nguyên tắc chung, rất khó cho việc áp dụng sau này. Ví dụ, việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, theo Điều 53 và trong trường hợp phạm tội chưa đạt, theo Điều 54, ít nhất phải quy định cụ thể định lượng hình phạt tối đa. Hoặc hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên, theo Điều 76, cũng cần phân biệt rõ hơn độ tuổi và mức hình phạt tương ứng so với người thành niên.

Nhiều khung hình phạt còn quá rộng

Dự thảo đã phân chia 2 loại tội phạm theo Bộ luật hiện hành thành 4 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 8) là điều rất cần thiết để có chính sách xử lý thích hợp. Nhưng khi quy định các tội cụ thể, thì Dự thảo lại để khung hình phạt quá rộng, dễ dẫn đến tình trạng khó hiểu và áp dụng tuỳ tiện. Ví dụ, Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165), Tội vi phạm quy định về cho vay tín dụng (Điều 183), Tội chứa mại dâm (Điều 248),… có một khung hình phạt từ 1 đến 7 năm, tức là từ khoảng đầu của loại tội ít nghiêm trọng cho đến mức cao nhất của loại tội nghiêm trọng. Nhiều tội phạm về chức vụ và tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng,… có một khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, tức là chỉ một khung hình phạt nhưng lại chứa đựng mức hình phạt của 3 loại tội phạm, có thể là loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ; xâm phạm sở hữu,… có khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù; các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội hiếp dâm; các tội về môi trường,… có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù hoặc từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Thậm chí, Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trong về an ninh quốc gia (Điều 228), Tội chống loài người (Điều 337),… có khung hình phạt kéo dài từ 10 năm tù cho đến tử hình.

Theo tôi, cần phải quy định khung hình phạt ngắn hơn, để bảo đảm việc áp dụng dễ dàng, chính xác và thống nhất trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Không nên quy định một khung hình phạt lại kéo dài từ khoảng đầu của loại tội phạm này cho đến khoảng cuối của loại tội phạm khác. Càng không thể chấp nhận một khung hình phạt lại bao trùm tới 3 loại tội phạm, bắt đầu từ loại tội ít nghiêm trọng cho đến loại tội rất nghiêm trọng. Ví dụ, nếu khởi điểm của khung hình phạt là 3 năm tù thì mức tối đa không nên quá 7 năm. Tội cướp tài sản, có giá trị từ 50 đến 200 triệu đồng theo khoản 2, Điều 132, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm là quá rộng, hoàn toàn có thể chia thành 2, thậm chí thành 3 khung hình phạt nhỏ hơn. Vì vậy, đề nghị cần thu hẹp khoảng cách khung hình phạt trong hầu hết các điều, nhất là những điều khoản có mức hình phạt thấp, càng cần sự phân biệt chi tiết, vì một người bị kết án xê dịch trong khoảng 15 đến 20 năm thì chỉ chênh lệnh mức độ 33%, nhưng nếu sai lệch trong khoảng 1 đến 5 năm thì sai biệt sẽ lên tới 500%. Đặc biệt, khung hình phạt có mức tù chung thân hoặc tử hình, cần quy định riêng biệt hoặc cùng lắm ở trong cùng một khung với mức tối thiểu là 18-20 năm tù, chứ không thể gộp chung với mức 10-15 năm tù.

Cần nâng mức tù có thời hạn và bỏ hình phạt tù chung thân

Dự thảo đã tăng lên mức tối đa khi tổng hợp hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm. Nhưng điều này mới chỉ khắc phục được một phần bất hợp lý của mức hình phạt tối đa là 20 năm trong Bộ luật hiện hành. Để bảo đảm sự công bằng và hợp lý hơn, cần bỏ việc khống chế tối đa mức tổng hợp hình phạt tù có thời hạn hoặc có khống chế thì cần nâng lên khoảng 100 năm. Đồng thời với việc này là bỏ hình phạt tù chung thân và chuyển sang mức hình phạt tù khoảng 40-50 năm. Đâu là lẽ công bằng khi một người phạm nhiều tội, phải chịu phạt đúng 30 năm tù so với một người phải chịu phạt nhiều tội lên tới 40-50 năm tù, nhưng tổng hợp lại cũng chỉ còn 30 năm? Con số cuối cùng ấy sẽ đánh giá tội trạng của ai cao hơn hay chỉ là ngang phân? Nếu không khống chế mức tối đa, thì tên lừa đảo Nguyễn Văn Mười Hai trước đây phạm 3 tội liền, đã phải ngồi tù 45 năm chứ không phải chỉ có 20 năm. Và điều quan trọng ở đây là số năm tù không phải là bất di bất dịch. Khi thi hành án, họ có thể được giảm một phần ba, một nửa hoặc 2/3 mức án, thậm chí còn nhiều hơn nữa, tuỳ theo những điều kiện luật định. Sau khi được miễn giảm một nửa mức án, thì người chịu 30 năm tù phải ở tù 15 năm, còn người chịu 100 năm tù vẫn phải ở tù 50 năm. Nếu quy định mức tối đa chỉ có 30 năm tù thì dễ đánh đồng các loại tội phạm khác nhau. Kẻ xấu hơn, kẻ ác hơn, có nhiều tội lỗi hơn không đáng được hưởng lợi như vậy.

Về nguyên tắc, hình phạt tù chung thân là không có thời hạn. Nhưng Dự thảo có nhiều quy định về miễn giảm hình phạt trong khi xét xử và thi hành án cho thấy, hình phạt tù chung thân thực chất cũng chỉ được tính bằng khoảng 36 năm. Vậy tại sao lại không quy đổi ra một mức cụ thể? Cón nếu như không tính đến yếu tố miễn giảm hình phạt thì lại càng bất công hơn. Ví dụ, có 2 người cùng bị phạt tù chung thân, một người 20 tuổi sẽ phải ngồi tù 50 năm mới bằng thời điểm bắt đầu chấp hành hình phạt của người 70 tuổi?

Và, một người đã bị phạt tù tối đa là 30 năm hoặc chung thân rồi, thì trong tù họ tha hồ phạm các tội nhẹ vì sẽ không thể cộng thêm vào quá 30 năm tù (trừ trường hợp đã thụ hình được một thời gian đáng kể). Như vậy liệu có dẫn đến tâm lý “vô tư” phạm các tội trốn khỏi nơi giam giữ, làm nhục người khác, gây thương tích nhẹ,… trong khi bị giam giữ? Bỏ hình phạt tù chung thân và tăng hình phạt tù có thời hạn lên, sẽ giải quyết được các bất hợp lý trên.

Cần bổ sung một số quy định liên quan đến hình phạt

Thực tế xét xử cho thấy, người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng và nhiều tình tiết định khung hình phạt thì sẽ bị xử nặng hơn. Nhưng điều này lại chưa được Bộ luật quy định rõ để làm cơ sở pháp lý cho việc quyết định hình phạt. Vì vậy, cần bổ sung quy định về vấn đề này trong chương VI về quyết định hình phạt.

Đặc biệt, để bảo đảm nguyên tắc công bằng trong áp dụng pháp luật, cần có quy định chuyển sang khung hình phạt nặng hơn nếu có nhiều tình tiết định khung. Một số tội về ma tuý trong Bộ luật hiện hành đã quy định, nếu có nhiều tình tiết định khung này thì chuyển sang khung hình phạt khác nặng hơn. Nhưng như vậy sẽ xảy ra tình huống, nếu có 2 tình tiết định khung 1 sẽ phải chuyển thành khung 2 và tiếp theo, chỉ cần thêm 1 tình tiết định khung 2 nữa thì lại chuyển thành khung 3,… Vì vậy Dự thảo này đã bỏ quy định có phần không hợp lý trên. Nhưng bỏ đi hoàn toàn thì lại là rất không hợp lý, nhất là đối với trường hợp có từ 3 tình tiết định khung trở lên. Do vậy, cần quy định trường hợp có từ 3 tình tiết định khung, thậm chí chi tiết hơn là từ 5, 7 tình tiết định khung trở lên thì chuyển sang khung hình phạt nặng hơn. Nếu không có khung hình phạt nặng hơn thì phải xử sát hoặc bằng mức cao nhất của khung hình phạt. Ví dụ, khoản 2, Điều 132 về Tội cướp tài sản, có tới 7 tình tiết định khung. Nếu như không có quy định việc chuyển sang khung hình phạt ở khoản 3 thì có thể xảy ra trường hợp, một người chỉ bị xử phạt tối đa là 15 năm cho dù phạm tội cướp với cả 7 tình tiết định khung như sau: Có tổ chức;có tính chất chuyên nghiệp; sử dụng vũ khí hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11 đến 30%; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng; và tái phạm nguy hiểm.

Điều 30, Dự thảo quy định về phạt tiền không hề hạn chế phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung chỉ được kèm theo loại hình phạt chính nào. Nhưng rất nhiều điều luật lại chỉ quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền kèm theo hình phạt chính là phạt tù, mà không quy định phạt tiền khi hình phạt chính là trục xuất, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và tử hình. Ví dụ, một người phạm Tội kinh doanh trái phép theo Điều 160, nếu bị phạt tù từ từ 3 tháng đến 2 năm, thì có thể bị phạt bổ sung mức tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, nhưng nếu bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm thì lại không bị phạt tiền. Rõ ràng, các quy định về hình phạt tiền bổ sung đó là không thoả đáng, không hợp lý và cần phải được xem xét lại.

Một số tình tiết định tội và định khung khung hình phạt trong dự thảo còn chưa hợp lý. Ví dụ, theo Điều 137, trộm cắp 500.000 đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm, nhưng theo Điều 142, thì huỷ hoại tài sản có giá trị như trên lại bị phạt tù nặng hơn khá nhiều, đó là từ 1 năm đến 5 năm.

Một số quy định khác cần được xem xét

Điều 24, Dự thảo quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hoà bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh,… ở hai chương XI, XXIV là cần thiết. Nhưng Điều 58 lại quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với hai lại tội trên là điều bất hợp lý. Người phạm tội vi phạm đến đâu thì xử đến đó, nếu họ không trốn tránh, không chống đối pháp luật thì không có bất cứ lý do gì mà không áp dụng thời hiệu có lợi cho họ.

Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội” trong khoản 2, Điều 153 quy định về tội sản xuất hàng cấm là quá rộng, nên thay tổ chức xã hội bằng tổ chức chính trị – xã hội thì tính chất mới tương đương với cơ quan Nhà nước. Còn hiện nay có hàng nghìn tổ chức xã hội mà lợi dụng nó cũng chẳng khác nào lợi dụng các tổ chức kinh tế thông thường mà thôi.

Kết cấu nội dung một số Điều cũng cần được xem lại. Ví dụ, từ tên điều cho đến hai khoản trong Điều 147 về Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn, đều quy định hai hành vi hoàn toàn riêng biệt, không có lý do gì lại để gộp chung vào một điều.

Ngoài ra, còn một số khái niệm trong Dự thảo cũng chưa chính xác. Ví dụ, Điều 126 quy định Tội buộc người lao động thôi việc trái pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 1994, người lao động chỉ có thể bị sa thải trái pháp luật, chứ không chịu hình thức buộc thôi việc. Ngược lại, chỉ có cán bộ, công chức theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (không phải là người lao động) mới có thể bị buộc thôi việc trái pháp luật. Như vậy, tội này đã đặt ra một tình huống pháp lý không bao giờ xảy ra.

 

 Luật sư Trương Thanh Đức

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam

HP 4-1999

 

 

 

Hội nghị Hội Luật gia Hải Phòng ngày 1-4-1999:

 

Góp ý vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

 

Về thời hiệu thi hành bản án:

Điều 24, Dự thảo quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hoà bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh,… ở hai chương 11 và 14 là cần thiết. Nhưng Điều 58 lại quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với hai lại tội trên là điều bất hợp lý. Người phạm tội vi phạm đến đâu thì xử đến đó, nếu sau khi đã bị Toà án kết án, họ không cố tình trốn tránh, không phạm tội mới, mà là do lỗi của các cơ quan pháp luật không bắt họ chấp hành hình phạt, thì cần áp dụng thời hiệu thi hành bản án có lợi cho họ.

Về hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung:

Rất nhiều điều luật chỉ quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền kèm theo hình phạt chính là phạt tù, mà không quy định phạt tiền khi hình phạt chính là trục xuất, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và tử hình. Ví dụ, một người phạm Tội kinh doanh trái phép theo Điều 160, nếu bị phạt tù từ từ 3 tháng đến 2 năm, thì có thể bị phạt bổ sung mức tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, nhưng nếu bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm thì lại không bị phạt tiền. Rõ ràng, các quy định về hình phạt tiền bổ sung đó là không thoả đáng, không hợp lý và cần phải được xem xét lại.

Về khái niệm người già trong Dự thảo:

Thay vì quy định tình tiết giảm nhẹ là người già phạm tội trong Điều 47 và tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người già trong Điều 49, thì nên quy định rõ là người từ bao nhiêu tuổi trở lên (chẳng hạn từ 60 tuổi trở lên), vì nước ta đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó xác định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi, nhưng lại chưa có quy định nào của pháp luật xác định thế nào là người già.

Về mức hình phạt tù tối đa:

Bộ luật hiện hành quy định mức hình phạt tối đa là 20 năm, Dự thảo đã tăng mức tối đa khi tổng hợp hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm nhằm khắc phục một phần bất hợp lý đối với những người phạm nhiều tội. Nhưng để bảo đảm sự công bằng và hợp lý hơn, cần bỏ việc khống chế tối đa mức tổng hợp hình phạt tù có thời hạn hoặc có khống chế thì cần nâng lên cao hơn nữa. Sẽ không công bằng khi một người bị phạt tổng cộng 30 năm tù và một người bị phạt tổng cộng lên tới 50-70 năm tù, nhưng khi tổng hợp lại thì cả hai cũng chỉ chịu một mức bằng nhau là 30 năm. Kẻ bị phạt ở mức cao hơn rõ ràng là kẻ xấu hơn, kẻ ác hơn, có nhiều tội lỗi hơn thì không đáng được hưởng lợi như vậy.

Về hình phạt tù chung thân:

Về nguyên tắc, hình phạt tù chung thân là tù không thời hạn, nhưng bằng các quy định miễn, giảm hình phạt thì cho thấy, đó cũng là một loại hình phạt tù có thời hạn. Vì vậy, để bảo đảm công bằng hơn, cần bỏ hình phạt tù chung thân và quy đổi ra một mức cụ thể hình phạt tù khoảng 40 năm chẳng hạn. Về lý thuyết, nếu không xét đến chính sách miễn, giảm thì cùng bị phạt tù chung thân, người này sẽ bị ngồi tù 20-30 năm, người kia sẽ bị ngồi tù 50-70 năm, không tuỳ thuộc mức độ phạm tội mà lại tuỳ theo độ tuổi của họ.


Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,773