500. Ngân hàng nhỏ: Tại sao không?

(DĐDN) – Theo Đề án tái cơ cấu ngân hàng, thời gian tới sẽ có khoảng 15-17 thương hiệu ngân hàng biến mất khỏi thị trường, chỉ trong năm 2014 sẽ có khoảng 7 ngân hàng nhỏ bị sáp nhập. Như vậy, số lượng các ngân hàng nhỏ sẽ ngày một ít trong khi số lượng DNNVV, các DN mới khởi nghiệp… vẫn chiếm ưu thế  DN trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường lại không có ngân hàng nhỏ để phục vụ các DN nhỏ.

Cần phân khúc ngân hàng nhỏ

Ông Saseendran Puthoor–  Chuyên gia tài chính Cty Alliance Mineral Vietnam

Trên thực tế ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới, bên cạnh sự phát triển của các ngân hàng lớn vẫn có một số lượng lớn các ngân hàng nhỏ hoạt động phục vụ cho nhu cầu của các DNNVV. Các ngân hàng nhỏ này hoạt động chủ yếu ở một nhóm đối tượng nhỏ và ở một khu vực nhất định, thậm chí ở ngay trong khu vực trụ sở của ngân hàng. Kinh nghiệm cho thấy, các ngân hàng nhỏ thường “biết thân, biết phận” chỉ hoạt động ở một khu vực nhất định, ít có tham vọng mở rộng và luôn trung thành với đối  tượng đã hoạch định ngay từ đầu. Chính vì những điều này mà trong khi các ngân hàng lớn gặp rất nhiều khó khăn trong cơn bão khủng hoảng thì các ngân hàng nhỏ thường vẫn “vững tay chèo”. Đôi khi sự bền vững của họ còn cao hơn các ngân hàng lớn.

Chẳng hạn ở Nhật Bản, một nền kinh tế lớn của thế giới, bên cạnh các ngân hàng lớn vẫn tồn tại hàng trăm ngân hàng nhỏ để phục vụ các DNNVV, thậm chí có cả một số ngân hàng trực tuyến, đáng chú  ý nhất là Seven Bank, gần đây đã trở nên phổ biến và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng thông qua internet và một mạng lưới các máy ATM…

Hay như ở Ấn Độ, chúng tôi cũng có  nhiều ngân hàng nhỏ để phục vụ nhu cầu vay của các DNNVV. Năm ngoái Chính phủ còn thành lập ngân hàng dành riêng cho phụ nữ.

Sáp nhập ngân hàng yếu kém là điều cần làm, nhưng đó cũng chỉ là một trong những giải pháp trong tái cơ cấukhu vực tài chính chứ không phải là một giải pháp duy nhất, thậm chí ngân hàng không kể lớn hay nhỏ, nếu hoạt động yếu kém, không hiệu quả có thể cho rút khỏi thị trường. Điều quan trọng là thị trường vẫn cần có các phân khúc ngân hàng nhỏ để phù hợp với nhu cầu cũng như phục vụ tốt nhất những đối tượng DN nhỏ, DN mới khởi nghiệp

Không phụ thuộc vào quy mô lớn hay bé

TS Lê Xuân Nghĩa: Ngân hàng không thể tùy tiện vác tiền gửi của dân đi

TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI)

Hiện nay đang tồn tại một thực tế, các ngân hàng lớn thường “ôm” DN lớn, cố gắng mở rộng thị phần và luôn chèn ép, đẩy những DN, ngân hàng nhỏ ra bên lề cuộc chơi.

Ở các nước, mô hình các Cty đầu tư, quỹ phòng vệ… đã ra đời để cho các DN nhỏ vay. Những tổ chức tài chính phi ngân hàng này được tham gia “cửa sổ” chiết khấu vốn giá rẻ ở ngân hàng trung ương mà không cần tài sản thế chấp.

Còn ở VN, các DN nhỏ, DN khởi nghiệp… đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế, tạo ra nhiều cái mới về kinh doanh, thậm chí là người quyết định nền kinh tế sẽ đi về đâu lại thường không có nhà tài trợ. Đây là một câu hỏi lớn!

Có thể thấy, các ngân hàng lớn ở VN đều có thành tích nghèo nàn trong việc tài trợ cho DN khởi nghiệp. Họ còn thiếu khả năng tưởng tượng và tầm nhìn trong việc nắm bắt các cơ hội mới. Có thể vì các quy định ngặt nghèo của luật pháp và tâm lý an toàn đã cản trở họ đến với DN nhỏ, DN khởi nghiệp. Phải chăng làn sóng sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn là để vốn tự có cao hơn, việc chống đỡ rủi ro tốt hơn, an toàn cho hệ thống hơn? Hoặc áp dụng các chuẩn mực về quản trị hiện đại, cạnh tranh thành công hơn…?

Nếu nhìn ra thế giới, ngay như ở  Mỹ có hàng nghìn ngân hàng mà quy mô vốn còn nhỏ hơn cả chục lần so với ngân hàng nhỏ nhất VN. Vốn tự có của những ngân hàng này thường chỉ 15 – 20 triệu USD (300 – 400 tỷ đồng), trong khi vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng VN thường là 3 nghìn tỷ đồng. Nếu lấy an toàn vốn, tiêu chí quản trị ngân hàng làm trọng thì không cứ phải vốn điều lệ càng lớn thì càng an toàn. Hiện nay đang có một xu hướng của các ngân hàng là “too big too fail” (lớn để khỏi chết), nhưng nên nhớ tồn tại hay không tồn tại không phụ thuộc vào quy mô lớn hay bé.

Bóp chết ngân hàng nhỏ là sai lầm lớn

LS Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng VN

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có nhiều tập đoàn lớn nhưng họ vẫn chú ý phát triển DNVVN. Ngân hàng cũng vậy, họ có nhiều ngân hàng rất lớn nhưng cũng đã tạo hành lang pháp lý cho hệ thống các ngân hàng nhỏ, thậm chí nhỏ li ti được tham gia thị trường tiền tệ.

Tại VN, thời gian gần đây, nhiều chủ trương mang tính cưỡng ép các ngân hàng yếu sáp nhập lại với nhau thành một “mớ ngân hàng”, bóp chết các ngân hàng nhỏ là sai lầm lớn. Hoạt động này chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các ngân hàng mới. Khi nguồn lực được tập trung vào một số ngân hàng lớn, thị trường tiền tệ trở nên bế tắc. DNVVN chiếm tới khoảng 97% liên tục kêu thiếu vốn và không thể tiếp cận được vốn của các ngân hàng.

Cầu của các DNVVN về vốn lúc nào cũng thiếu. Các ngân hàng nhỏ hoàn toàn có thể khỏa lấp nhu cầu này. Ngân hàng nhỏ có thể hoạt động như những DNVVN. Họ có thể hình thành rồi phát triển hoặc mất đi theo quy luật phát triển tự nhiên của thị trường. Nhà nước chỉ cần xây dựng những công cụ giám sát, hướng dẫn họ hoạt động… Sự thành lập rồi mất đi của một vài ngân hàng dạng như vậy sẽ không ảnh hưởng đến thị trường. Ngược lại, sự có mặt của khu vực này sẽ làm khơi thông thị trường vốn. Với quy mô nhỏ, tính chất hoạt động cũng như sự kiểm soát ở phạm vi hẹp sẽ phù hợp về mặt quy mô. Ví dụ như mô hình quỹ tín dụng. Họ chỉ cho vay những khoản nhỏ ở phạm vi phường xã hoặc lớn hơn là quận huyện. Và họ kiểm soát được những khoản vay đó. Ngân hàng nhỏ cũng vậy, những DNVVN trong cùng một lĩnh vực ở những địa bàn hẹp, có khoản vay không lớn là những mục tiêu hoàn toàn có thể đáp ứng và kiểm soát.

Nhìn ở góc độ cạnh tranh, ngân hàng nhỏ cũng sẽ mang đến một không khí cạnh tranh đúng với tính chất của thị trường.

Vốn quá nhỏ dẫn tới hệ thống ngân hàng không an toàn

Ông Nguyễn Đồng Tiến, nguyên Phó Thống đốc NHNN nghỉ hưu từ ngày 1/12

Ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc NHNN

Hàng loạt ngân hàng nhỏ công bố sẽ sáp nhập vào các ngân hàng lớn: Mekong bank vào MaritimeBank, DaiABank vào HDBank, PhuongNamBank và Sacombank, hay Phương Tây sáp nhập vào PVFC thành (PVcomBank), HBB nhập vào SHB. Còn PG Bank hợp vàoVietinbank theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”. Đặc biệt, riêng GP Bank sẽ là ngân hàng đầu tiên của VN được bán lại 100% vốn cho nhà ĐTNN. Trong tuyên bố định hướng trở thành tập đoàn tài chính – ngân hàng mới đây, ngân hàng Quân Đội (MB) cũng hé lộ kế hoạch “săn lùng” ngân hàng nhỏ để nhận sáp nhập…

Hiện trên thị trường còn khoảng 12 ngân hàng có vốn điều lệ tối thiểu theo quy định là 3.000 tỷ đồng. Theo tôi, không nên tồn tại các ngân hàng nhỏ vì chiểu theo tỷ lệ an toàn vốn (CAR), vốn quá nhỏ dẫn tới hệ thống ngân hàng không an toàn.

Do sáp nhập hoặc hợp nhất ngân hàng thuộc diện thông tin nhạy cảm, các kế hoạch thường được trù tính kỹ và trình NHNN xét duyệt, cho chủ trương trước khi có đề án chi tiết.

Hệ thống NH được coi là trái tim, là mạch máu của nền kinh tế. Một nền kinh tế không thể khoẻ mạnh nếu hệ thống tim mạch có vấn đề. Với một NH thương mại, khi lâm nguy, kèm theo đó là số phận của hàng chục ngàn người dân gửi tiền, là hàng ngàn hợp đồng tín dụng, là hàng trăm cổ đông và các mối quan hệ với đối tác. Do vậy, các cuộc sáp nhập NH bé vào NH lớn theo tôi là cần thiết, sẽ giúp lành mạnh hóa năng lực tài chính cho các ngân hàng, mạnh hơn về vốn, giảm thiểu rủi ro sở hữu chéo, các dòng tiền được giám sát minh bạch hơn.

Nếu lấy an toàn vốn, tiêu chí quản trị ngân hàng làm trọng thì không cứ phải vốn điều lệ càng lớn thì càng an toàn.

Tuấn Anh, Bá Tú, P.Hà thực hiện

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính) 15-5-2014:

http://dddn.com.vn/toa-dam/ngan-hang-nho-tai-sao-khong-20140513110621950.htm

(402/1.683)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,232