(NNVN) – Trong phần tranh luận với VKS sáng 21/1, các luật sư tiếp tục đưa quan điểm không đồng tình với các lập luận trong phần đối đáp VKS đưa ra và cho rằng, các nội dung chỉ lặp lại các vấn đề đã được nêu trong bản luận tội, tuy có chi tiết hơn, nhưng không đầy đủ, không toàn diện.
Phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huyền Như ngày 21/1
Luật sư Lưu Văn Tám, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, nhiều vấn đề, nội dung được luật sư và đại diện của các ngân hàng đưa ra trước đó vẫn chưa được VKS đề cập trong phần đối đáp. Nhiều nội dung VKS đưa ra hầu như không theo kịp diễn biến phiên tòa, không cập nhật các tình tiết mới phát sinh tại tòa, những vấn đề mà theo luật sư, “có thể làm thay đổi bản chất của vụ án”.
“Đại diện ACB đã nhiều lần đề nghị tòa triệu tập lãnh đạo Vietinbank và 19 nhân viên để đối đáp tại tòa nhưng không được chấp nhận. Trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện Vietinbank tìm mọi cách chứng minh tiền gửi, tiền vay của ACB không được chuyển vào Vietinbank và khăng khăng cho rằng Huyền Như đã chiếm đoạt toàn bộ số 718,908 tỉ đồng trong tài khoản của ACB. Cho dù Vietinbank cố tình che giấu thì sự thật vẫn là sự thật, khi cấp trên đang tìm mọi cách “giấu đầu” thì cấp dưới đang để “hở đuôi”, luật sư Tám nói.
Liên quan đến lập luận của VKS cho rằng hợp đồng với Vietinbank là giả, luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền lợi cho Navibank, cho rằng, chỉ có phần vượt trần lãi suất mới là hợp đồng thật với Navibank, giả với Vietinbank. Còn phần tiền gốc và lãi suất 14%/năm là thật hoàn toàn với cả hai bên. Các hợp đồng gửi tiền thật, con dấu, chữ ký thật của Vietinbank thì VKS cho là giả, mà Vietinbank chuyển mất tiền của khách hàng thì VKS cho là thật. Các luật sư cho rằng việc đổ lỗi cho khách hàng không giữ thẻ tiết kiệm từ phía đại diện Vietinbank là phủi bỏ trách nhiệm với khách hàng. Về việc giao dịch ngoài trụ sở với Vietinbank, luật sư Đức nói: không có quy định nào bắt buộc, tất cả các khách hàng đều có quyền giao dịch ở bất cứ nơi đâu.
Tương tự, trong phần đối đáp, luật sư Đặng Ngọc Châu, bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn là Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, cho rằng, hợp đồng giữa hai công ty Bảo hiểm Toàn cầu và Saigonbank Berjaya (SBBS) với Vietinbank là hợp đồng thật và chứng từ thật, hợp pháp, tiền đã vào tài khoản Vietinbank. Công ty Bảo hiểm Toàn cầu không hề nhận bất kỳ một khoản chênh lệch nào của Huyền Như. Luật sư Châu còn cho biết, Phó giám đốc Vietinbank – ông Trương Minh Hoàng, đã có văn bản xác nhận trách nhiệm với công ty Bảo hiểm Toàn cầu. “Lỗi lớn nhất của công ty quá tin tưởng vào uy tín của Vietinbank chứ không tin vào Huyền Như”, luật sư Châu đối đáp.
PHÚC LẬP
————————————
Nông nghiệp Việt Nam (Pháp luật) 22-01-2014:
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/25/25/120476/cac-luat-su-khong-dong-tinh-voi-lap-luan-cua-vks.aspx
(156/593)