(TBTCVN) – Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của công luận, các chuyên gia kinh tế khẳng định, trong mọi trường hợp không nên đưa vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại ngân hàng thương mại (NHTM) về Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Phóng viên TBTCVN tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, ông Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, ông Võ Văn Quang – Chuyên gia thương hiệu về vấn đề này.
* Ông Nguyễn Tiến Lập: Bộ Tài chính tiếp quản là giải pháp lành mạnh hóa sở hữu ngân hàng
Trong mọi trường hợp không nên đưa sở hữu các phần vốn của DNNN tại các NHTM về Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phương án đưa các phần vốn đó về Bộ Tài chính hay SCIC chỉ là câu chuyện chiến thuật. Bởi, về lâu dài, các phần vốn đó cần tiếp tục được “thoái” (tức tư nhân hóa) để rút bỏ vai trò cổ đông của nhà nước.
Phương án Bộ Tài chính tiếp quản vốn đầu tư của các DNNN tại các NHTM và công ty tài chính vừa là giải pháp làm lành mạnh hóa sở hữu ngân hàng, vừa nhằm tái cơ cấu chức năng của DNNN. Đó chính là giải pháp nhà nước lấy lại quyền kiểm soát vốn đầu tư tại các doanh nghiệp của mình một cách trực tiếp với tư cách là người chủ sở hữu.
Ở các nước, nếu có một cơ quan chuyên trách và tập trung quản lý các DNNN, thì cơ quan đó sẽ làm nhiệm vụ này.
Vấn đề sở hữu chéo với các hệ quả tiêu cực của nó có thể xử lý được, bởi trước đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu thao túng các ngân hàng và biến nó thành sân sau của mình thay vì là định chế tài chính của toàn xã hội.
Khi Bộ Tài chính nắm quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các ngân hàng thì đó chỉ còn là vấn đề sở hữu nhà nước mà không phải là sở hữu chéo, và đương nhiên khi đó, nhà nước phải đóng vai “cổ đông” và hành xử theo các nguyên tắc thị trường. Còn nợ xấu của các ngân hàng lại là vấn đề hoàn toàn khác và cần được xử lý bằng một cơ chế khác./.
*Ông Trương Thanh Đức: Giao cho SCIC là hợp lý nhất
Nếu giao cho NHTM nhà nước quản lý cổ phần của DNNN, thì lại làm phức tạp thêm vấn đề sở hữu chéo và lại bắt doanh nghiệp làm việc không phải của mình. Nếu giao cho NHNN thì lại nảy sinh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, nên khó minh bạch được số liệu về nợ xấu ngân hàng. Do đó, chỉ có sức ép luật lệ, thanh tra, kiểm tra từ những cơ quan thanh tra, giám sát bên ngoài thì mới có thể ra được con số thật.
Hiện nay Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn chưa được giao đúng thẩm quyền của một doanh nghiệp kinh doanh vốn nhà nước.
Hạn chế của SCIC chủ yếu là do cơ chế. Trong khi Chính phủ không thể giao cơ chế mạnh cho SCIC, bởi nếu giao quá mạnh dễ nảy sinh vấn đề khác, nhưng không giao cơ chế mạnh thì SCIC sẽ không thể làm được vì quyền và trách nhiệm đi đôi với nhau.
Vì thế, chúng ta đều biết là nếu SCIC tiếp quản về mà không được trao thêm quyền thì chỉ có gánh thêm trách nhiệm và không thấy quyền lợi. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, vì mục tiêu cải cách và sự đổi mới của cả nền kinh tế, thì SCIC tiếp quản phần vốn của DNNN tại NHTM là đúng đắn và hợp lý nhất./.
* Ông Võ Văn Quang: Nợ xấu sẽ giảm tỷ lệ nghịch với sự gia tăng vai trò của SCIC
Nếu việc tiếp quản vốn của DNNN tại các NHTM về SCIC thì dòng vốn đó sẽ được quản lý và sử dụng minh bạch hơn và chúng ta cũng đỡ phải xứ lý “nội bộ” như từ trước đến nay. Nợ xấu chắc chắn sẽ giảm theo tỷ lệ nghịch với sự gia tăng vai trò của SCIC.
Nếu SCIC tiếp quản vốn tại NHTM để xử lý, trong khi đó hệ thống các tổ chức tín dụng thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, thì cần có sự tham gia một cách công tâm, sự giám sát chéo, của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các chuyên gia, các tổ chức quốc tế (như WB) cùng giám sát chéo và tham vấn.
Chúng ta cũng có thể tham khảo mô hình công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước ở các nước lân cận như Singapore, Đài Loan, Malaysia… mà điển hình là Tập đoàn Temasek của Singapore./.
Hà Anh
——————
Thời báo Tài chính (Chính trị) 19-05-2014:
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su-chinh-tri/2014-05-19/nha-nuoc-lay-lai-quyen-kiem-soat-von-dau-tu-9805.aspx
(253/935)