502. Nhiều cảm xúc trước “án lệ bầu Kiên”

(TBKTSG) – Vụ án bầu Kiên đang được đưa ra xét xử lại. Tâm trạng của những người làm trong lĩnh vực ngân hàng cũng buồn vui lẫn lộn. Họ tâm sự chưa khi nào họ cảm thấy nhiều thứ cảm xúc đến như vậy.

Nhiều cảm xúc trước “án lệ bầu Kiên”
Nếu không làm rõ khái niệm “kinh doanh trái phép”, vụ án bầu Kiên sẽ tạo ra một án lệ chưa từng có. Ảnh: Lan Nhi

Thế nào là “kinh doanh trái phép”?

Phó tổng giám đốc một ngân hàng gốc quốc doanh cho biết trong suốt ba tuần sau khi bầu Kiên bị bắt, ông và nhiều cộng sự phải ngồi lại trụ sở tới 9-10 giờ đêm để rà soát lại toàn bộ hồ sơ các giao dịch và ký bổ sung vào nhiều hồ sơ giao dịch trước đó.

Ông tâm sự: “Thời điểm đó rất căng thẳng, chúng tôi đôi lúc hoang mang không biết mình làm thế là đúng hay sai. Mặc dù trên giấy tờ là theo luật, nhưng luật của mình là luật hở, muốn bắt bẻ nhau theo luật tưởng khó nhưng hóa ra rất dễ”, ông nói.

Một tổng giám đốc khác cho biết các ngân hàng đều giật mình sau sự vụ này và không ai bảo ai, gần như tất cả các quy chuẩn, quy trình trong nội bộ đều được rà soát, điều chỉnh lại. “Chúng tôi hoang mang và tham vấn kỹ ý kiến luật sư về các tình huống tương tự hành vi của ông Kiên có thể xảy ra tại ngân hàng mình. Giới điều hành (ngân hàng) cũng thường gặp nhau để thảo luận, vì thấy tội “kinh doanh trái phép” mà ông Kiên bị cáo buộc rất mơ hồ, ai cũng có thể mắc phải, nếu luật không chi tiết thì việc xử như thế nào gần như tùy vào người vận dụng luật”.

Vị này cũng cho biết: “Cả một giai đoạn dài sau khi ông Kiên bị bắt, các ngân hàng không còn dám hoặc hạn chế tối đa cho vay góp vốn mua cổ phần cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp”. Chuyện ngân hàng A đưa tiền cho ngân hàng B rồi ngân hàng B dùng tiền đó mua trái phiếu của công ty C là công ty con của A hầu như không xảy ra nữa. Việc kiểm tra các công ty sân sau sử dụng vốn vay như thế nào cũng không còn lỏng lẻo như trước. Các ngân hàng tìm đến kênh an toàn tuyệt đối là mua trái phiếu chính phủ, làm dấy lên cơn sốt trái phiếu chính phủ.

Cho đến thời điểm hiện nay, hoạt động đầu tư của ngân hàng vẫn chưa trở lại như trước. Vốn huy động vẫn vào đều mà ngân hàng thì mỏi mắt tìm cơ hội đầu tư an toàn. Giám đốc phụ trách đầu tư của một ngân hàng nói: “Chúng tôi vẫn biết Luật Doanh nghiệp cho phép công ty và cá nhân được quyền mua cổ phiếu cổ phần và góp vốn thành lập công ty; về quản lý tài chính thì cũng được phép đầu tư nhiều nơi và không phải đăng ký kinh doanh, cũng không nhất thiết phải theo ngành nghề kinh doanh chính, nhưng rồi lại sợ sai chức năng nên đành thôi, thậm chí còn bàn với nhau bán bớt cổ phiếu mà ngân hàng đang nắm giữ”.

Sau thời điểm đó, phía cơ quan quản lý cũng có những động thái mới. Khoảng hai tuần sau khi bầu Kiên bị bắt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn gửi các tổ chức tín dụng để nhắc nhở, yêu cầu một số biện pháp giám sát các giao dịch và khuyến cáo NHNN sẽ có những biện pháp giám sát nghiêm khắc hơn.

Một số nội dung đó nay đã được đưa vào dự thảo thay thế Thông tư 13 sắp được ban hành với các quy định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại sẽ phải báo cáo với NHNN về những khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tạm ứng, hoạt động môi giới trái phiếu chính phủ ngay khi có phát sinh. Và nếu NHNN cảm thấy không ổn thì có thể kiểm tra, rà soát hồ sơ bất cứ lúc nào.

Luật sư Trương Thanh Đức tỏ ra lo ngại khi các hoạt động tài chính vốn rất phổ biến như dùng vốn nhàn rỗi mua cổ phần trên sàn chứng khoán, ủy thác đầu tư… bị chững lại. Nếu không làm rõ khái niệm “kinh doanh trái phép”, vụ án bầu Kiên sẽ tạo ra một án lệ rất xấu phủ lên hoạt động kinh doanh, đi ngược với mọi giáo trình về kinh doanh và kinh tế – tài chính.

Quan trọng là luật pháp và thực thi pháp luật

Tuy gây ra cú sốc tinh thần và phủ bóng lên thị trường một thời gian nhưng vụ án bầu Kiên, theo giới ngân hàng, cũng có yếu tố tích cực của nó. Vị tổng giám đốc ngân hàng nêu trên chia sẻ: “Sự chi phối tổ chức của các ông chủ và sức ép của họ lên ban điều hành giảm đi rõ rệt. Người làm thuê như chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn, ngủ ngon hơn. Rủi ro trước đây nhiều hơn, đến từ nhiều yếu tố pháp lý, cổ đông, thị trường… thì nay chỉ còn rủi ro thị trường là lớn nhất. Mặc dù kinh doanh trong thời điểm hiện nay cực kỳ khó khăn nhưng tinh thần của người làm ngân hàng lại nhẹ nhàng hơn, các quy định cũng rõ ràng hơn. Tôi cảm nhận mọi thứ đang tốt lên theo, một cách âm thầm”.

Người đứng đầu một ngân hàng nước ngoài cho biết ở các thị trường tài chính phát triển, gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần (nếu có) thường là bị phạt, trường hợp nặng có thể bị thu giấy phép hoạt động.

Ở nước ngoài, người ta cũng hay nói tới khái niệm “in the spirit of the laws” khi đề cập đến những trường hợp đi vòng để tránh luật nhưng thật ra là vi phạm “tinh thần của luật”. Ông này cho rằng người làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng phải luôn tự đặt câu hỏi cho mình, rằng nếu làm như vậy có vi phạm tinh thần của luật hay không?

Hiện giới ngân hàng đang băn khoăn trước hàng loạt câu hỏi: Vụ án bầu Kiên có tạo ra một tiền lệ xấu trong kinh doanh? Sở hữu chéo có hoàn toàn tiêu cực và liệu có thể dẹp bỏ sở hữu chéo không? Kinh doanh tài chính như thế nào để không bị vướng vào tội kinh doanh trái phép? Cần hiểu tinh thần của những quy định trong kinh doanh tài chính như thế nào?

Vị lãnh đạo ngân hàng nước ngoài cho rằng điểm quan trọng nhất là luật pháp và việc giám sát thi hành pháp luật trong thời gian tới sẽ như thế nào để giới kinh doanh tài chính không phải lo lắng. Nếu còn lo ngại, họ sẽ không làm gì nhiều, không tham gia vào nhiều quyết định, và như vậy, làm sao có thể xây dựng một ngành ngân hàng chuyên nghiệp đúng nghĩa? Còn nếu như pháp luật không nghiêm, thì sẽ có những biến tấu khác không mong muốn trên thị trường. Chính sách nhất thiết phải có những bước đi cụ thể.

Hồng Phúc

——————

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Kinh tế) 23-5-2014:

http://www.thesaigontimes.vn/115207/Nhieu-cam-xuc-truoc-%E2%80%9Can-le-bau-Kien%E2%80%9D.html

(81/1.288)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,232