502. Nợ xấu, nợ mất vốn tăng mạnh: Bắt đúng bệnh mới bốc được thuốc

(CAND) – Theo các số liệu công bố, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có dấu hiệu giảm, nhưng nợ mất vốn lại tăng mạnh. Đáng nghi ngại là các số liệu về nợ xấu luôn không đồng nhất, thậm chí quá cách biệt, khiến cho bức tranh nợ xấu đang bị nhìn nhận theo nhiều hướng không đúng bản chất..

Theo công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV và cả năm 2013 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (mã BID-HOSE), tính đến 31/12/2013, BIDV cho vay khách hàng đạt 391.036 tỷ đồng, và huy động từ khách hàng 339.135 tỷ đồng, tăng gần 12%; tỷ lệ nợ xấu là 1,86%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đến cuối năm 2013 là 2.833 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.

Cũng theo công bố, tổng tài sản của BIDV đạt 548.511 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của BIDV trong quý IV tăng 10,3% lên 3.764 tỷ đồng và cả năm 2013 đạt 11.846 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2012.

Không phải chỉ mỗi BIDV, báo cáo tài chính quý IV/2013 và lũy kế cả năm 2013 của nhiều ngân hàng (NH) cũng cho thấy nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang có dấu hiệu tăng, dù tỷ lệ nợ xấu theo công bố được cho là đã giảm. Có thể điểm danh một nhà băng “nổi tiếng” với tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhì thị trường như Navibank cho thấy so với cuối năm 2012, nợ có khả năng mất vốn của NH này tăng tới 19,5% (lên 438,3 tỷ đồng, dù báo cáo thể hiện là nợ xấu đã giảm từ mức gần 9% (quý III/2013) xuống còn hơn 6% (đến hết quý IV/2013).

Nhiều ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu giảm.

Cũng có mức cải thiện nợ xấu khá ấn tượng, SHB cho biết tỷ lệ nợ xấu từ mức gần 9% (đầu năm 2013) xuống còn 4,06% (cuối năm 2013), vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của SHB lại tăng tới 22%, ước khoảng 2.525 tỷ đồng. Riêng tại ACB, nợ xấu của NH này tăng nhẹ. Song trong khi nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm, thì nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi, từ 1.150 tỷ đồng lên 2.123 tỷ đồng.

Điều đáng nói, tình trạng này không phải chỉ xảy ra ở các NH nhỏ, mà ngay cả các ông lớn như Vietcombank, BIDV hay Eximbank, Sacombank… cũng được công bố nợ xấu giảm, nhưng nợ mất vốn tăng mạnh. “Khủng” nhất phải kể đến Vietcombank, nợ có khả năng mất vốn của NH này lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số của năm 2012. Trong khi đó, nợ nhóm 5 của Eximbank tăng 35,4%, lên 1.073,8 tỷ đồng; của Sacombank tăng 13,5%, chiếm 92,1% tổng nợ xấu của NH… Trao đổi với Báo CAND, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nợ nhóm 5 là nợ hầu như không có khả năng thu hồi. Việc nợ nhóm 5 có dấu hiệu tăng, cho thấy chất lượng các khoản nợ xấu đang ngày càng xấu đi.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tháng 10-2013, nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam ở mức 4,7% và đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu này đã tiếp tục giảm về 3,79%. Tuy nhiên, tại báo cáo triển vọng về hệ thống NH 2014 do Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới công bố, tỷ lệ những tài sản chất lượng “có vấn đề” (nợ xấu) của Việt Nam không phải là 4,7% mà cao hơn nhiều.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, thì hiện nay, số liệu nợ xấu của các NH chưa được phản ánh chính xác. Ông Đức cũng lo ngại con số nợ xấu không chính xác dẫn tới tâm lý “đủng đỉnh”, yên tâm rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, tài sản bảo đảm phục hồi, doanh nghiệp có thể trả được nợ.

Cùng chung quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng: Nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các NH sẽ biết được điểm xuất phát thực tế của mình ở đâu, từ đó mới có cơ sở để tìm ra thuận lợi, khó khăn mà đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện giải pháp cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất. Còn việc che giấu nợ xấu, chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của NH, để có giải pháp áp dụng phù hợp, mà còn sẽ làm kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ cho NH.

Một vấn đề được quan tâm là từ tháng 6/2014, NHNN sẽ chính thức áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Theo lộ trình, NHNN phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD đến năm 2020, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về vốn và dịch vụ NH cho phát triển kinh tế – xã hội

Lệ Thúy – Huyền Thanh

———————————-

Công an Nhân dân 20-02-2014:

http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2014/2/223124.cand

(76/984)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,216