SCIC

Dù là NHNN hay SCIC tiếp quản vốn tại NHTM thì sau đó đều phải bán ra thị trường.

Nhưng xem ra đây lại chính là lý do khiến nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng kỳ vọng việc tiếp quản này sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Kỳ vọng SCIC

Mặc dù con số về nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn “bùng nhùng” nhưng các chuyên gia ngân hàng vẫn khẳng định việc kiểm soát nợ xấu cực kỳ dễ, vì nợ xấu có tiêu chí và nguyên tắc để phân loại.

Do đó, họ cho rằng SCIC có thể kiểm soát và nắm rõ được con số nợ xấu và sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Và càng ở trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của những con số nợ xấu, sở hữu chéo, thì sự kỳ vọng vào SCIC lại càng trở lên mạnh mẽ.

Vì sao? Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, với vai trò là nhà đầu tư kinh doanh vốn nhà nước thì SCIC sẽ chỉ hành động đúng nguyên tắc và áp dụng theo những tiêu chí chuẩn mực trong kinh doanh để thực hiện vai trò của mình tại các NHTM. Nhờ sự minh bạch và bài bản của SCIC thì nợ xấu và sở hữu chéo sẽ được đưa ra ánh sáng.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Chúng ta không phải lo SCIC không kiểm soát, không nắm rõ được con số nợ xấu và sở hữu chéo”.

Một số chuyên gia ngân hàng nói, nếu vì nợ xấu và sở hữu chéo mà việc tiếp quản vốn của DNNN tại các NHTM phải đưa về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay NHTM có cổ phần nhà nước thì vô hình chung chúng ta lại trở lại câu chuyện cũ của cách đây 20-30 năm, bộ chủ quản là “tốt nhất”.

Bộ chủ quản vừa là nhà quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, vừa là người kiểm tra, giám sát, đồng thời lại kiêm luôn việc đánh giá, nhìn nhận hiệu lực, hiệu quả. Như vậy đồng nghĩa với việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vậy thì, khả năng không vô tư, không khách quan là điều dễ xảy ra.

Đưa lên “bàn cân”

Thực tế cho thấy, với thẩm quyền mà SCIC được giao hiện nay chưa thể đủ mạnh để làm được việc mà các chuyên gia tài chính, ngân hàng đang kỳ vọng là thông qua việc tiếp quản vốn của DNNN tại NHTM sẽ đưa được nợ xấu và sở hữu chéo ra ánh sáng. Các chuyên gia tài chính, ngân hàng hoàn toàn có thể nắm rõ được điều đó.

Phải chăng, họ – những chuyên gia ngân hàng lại là các nhà đầu tư đang mong muốn SCIC tiếp quản vốn tại NHTM để sau đó khi SCIC bán ra thị trường thì họ mua được. Nếu giả định này đúng thì rất nguy hiểm đến sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, người nắm bắt rõ nhất và phải có trách nhiệm về chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, không ai khác là NHNN.

Khi hệ thống ngân hàng đang thực hiện đề án tái cơ cấu, trong đó có nội dung chống sở hữu chéo, thì việc sắp xếp lại các ngân hàng sẽ biết rõ vốn của ngân hàng đó là vốn thực hay vốn ảo, ngân hàng nào đang sở hữu ngân hàng nào. Và nếu NHNN thực sự muốn xử lý nhanh sở hữu chéo, công khai sớm con số nợ xấu thực sự thì sẽ rất thuận. Bởi NHNN là bộ chủ quản, nắm rõ đặc tính của nghề nghiệp, của con người thì việc quản lý và công bố thông tin rất dễ.

NHNN hay SCIC tiếp quản phần vốn của DNNN tại các NHTM thì sau đó đều phải bán ra thị trường. Nếu là SCIC tiếp quản, chắc chắn SCIC sẽ điều phối được việc bán số lượng bao nhiêu, vào thời điểm nào là hợp lý, bởi họ sẽ là doanh nghiệp của nhà nước, có chức năng đầu tư và quản lý vốn nhà nước theo đúng mục tiêu và định hướng của nhà nước.

Tóm lại, dù cơ quan nào là người tiếp quản vốn của DNNN tại các NHTM thì mục tiêu lớn nhất và cần làm nhanh nhất có thể là vì sự ổn định và lành mạnh của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như cả nền kinh tế, mà thời gian thì không thể chờ đợi sự dàn xếp lợi ích của bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào./.