(TBKD) – Thực trạng thi hành án dân sự (THADS) chưa đạt hiệu quả xuất phát từ nhiều nguyên nhân: bất cập trong quy định của pháp luật, nhận thức của người dân, trách nhiệm của cơ quan THA các cấp, cơ quan kiểm sát THA…… Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là sự tham gia của luật sư chưa đầy đủ, liên tục vào giai đoạn THA.
Thực tiễn khi tổ chức THA, các vấn đề tranh chấp dân sự thường diễn biến phức tạp qua nhiều giai đoạn, khi tổ chức THA thì đương sự không đồng tình, phản đối dẫn đến có những bản án kéo dài hàng chục năm, thậm chí cả đời không được thi hành gây bức xúc, mệt mỏi, mất lòng tin vào hệ thống pháp luật.
Khiếu nại có khi lại mắc họa!
Việc THA kém hiệu quả khiến doanh nghiệp (DN) mất niềm tin, tình trạng tìm đến “xã hội đen” với chi phí lớn để bảo đảm quyền lợi là không ít. Điều này gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây tâm lý lo lắng, thiếu an toàn cho DN.
Luật THADS năm 2008 có quy định về vai trò của luật sư, song quy định này rất mờ nhạt, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật THADS chưa quy định cụ thể về vấn đề này, khiến hoạt động của luật sư chưa được phát huy đầy đủ. Theo khảo sát lấy ý kiến, số đông luật sư rất ngại tham gia lĩnh vực THA, vì đây được ví là… khô, khó và khổ!
Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho rằng nhiều năm qua, do Luật THADS không quy định bao lâu sẽ thi hành bản án xong, Bộ Tư pháp cũng có rất nhiều quan tâm trong việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm của cấp dưới trong việc “dây dưa” trì hoãn kéo dài THA, nhưng không ít chấp hành viên nhũng nhiễu tiêu cực, tự cho mình quyền “muốn làm gì thì làm”, kêu đâu thì kêu, khiếu đâu thì khiếu…, dẫn đến bên được THA chán nản, mệt mỏi.
“Hơn nữa, trong tâm lý đang đi nhờ THA, nên khiếu nại có khi lại mắc họa, sợ bị trù dập, ngâm án”, ông Tiến nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thường, nguyên Cục trưởng Cục THADS Hà Nội cho biết, khuyết điểm lớn nhất của Luật THADS là nhiều thủ tục không có thời hạn xác định.
Ông Bùi Trường Sơn, Công ty Phục Hưng Holdings chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ có bản án của tòa là có thể đòi được tiền rồi. Thế mà vẫn gặp khó khăn khi THA. Vậy thì bản án của tòa còn có giá trị gì nữa?”.
Theo khảo sát nhanh thực tiễn hoạt động THADS của 15 DN (10 DN được THA, 5 DN phải THA) từ lĩnh vực phát sinh là khách hàng mua hàng không trả tiền, chủ đầu tư không thanh toán cho nhà thầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, luật sư: 10/15 DN có luật sư; thời gian: 13/15 DN mất thời gian trên 6 tháng; nhân lực: 7/15 DN mất hơn 25 ngày làm việc; chi phí: 11/15 DN có chi phí dưới 20%. Thái độ của chấp hành viên, cơ quan THA: hoàn toàn hài lòng là 5/15 DN; tạm hài lòng: 4/15 DN; không hài lòng: 3/15 DN; rất không hài lòng: 3/15 DN. Đặc biệt, có 1 DN tố cáo chấp hành viên vòi vĩnh.
Nếu gặp vụ việc tương tự: 3/10 DN sẽ không khởi kiện nữa; bên đối tác: 11/15 DN đối tác không thiện chí; xác minh tài sản: 7/15 DN gặp khó khăn; kê biên, bán tài sản: 6/15 DN gặp khó khăn; thủ tục THA: 6/15 DN thấy phức tạp; bản án: 7/15 DN thấy bản án khó thi hành.
Luật THADS đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả và có nhiều quy định về trình tự, thủ tục THADS rõ ràng, dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì Luật THADS đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc.
Bộc lộ những hạn chế, vướng mắc
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp), hoạt động THADS chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp, công đoạn cuối cùng của tố tụng theo như kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, vì vậy còn chưa thực sự tạo ra sự gắn kết giữa hoạt động xét xử và THADS. Tòa án chưa chịu trách nhiệm đến cùng trong việc thi hành các bản án, quyết định của mình, vẫn còn tình trạng án tuyên không rõ nhưng tòa án chưa kịp giải thích làm ảnh hưởng đến tiến độ THADS.
“Nhiều bản án, quyết định đã được thi hành nhưng lại bị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm gây khó khăn cho cơ quan THADS. Mặt khác, còn có sự chưa rõ ràng về thẩm quyền kiểm sát và thanh tra đối với quá trình tổ chức việc THADS”, ông Tuấn nói.
Vẫn theo Luật sư Tiền, riêng đối với các DN khi có tranh chấp phát sinh đều cố gắng tìm giải pháp thương lượng hòa giải, “cực chẳng đã” mới chọn con đường khởi kiện để đòi lại quyền lợi. Khi phải nghĩ đến khởi kiện ra tòa thì mục tiêu hiệu quả, thời gian, lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Thực tế, kinh nghiệm của các DN trong lĩnh vực THA chưa nhiều và không phải DN nào cũng có khả năng đánh giá được hết “góc khuất” của pháp luật.
“Có những DN đã nhận thức được việc cần phải đánh giá tính khả thi của THA trước khi khởi kiện, song lại đánh giá không chính xác “tưởng thằng có tóc hóa ra trọc đầu”. Bởi nhiều DN được bọc bởi lớp vỏ “tiềm năng” nhưng thực chất tài sản của DN đã bị thế chấp toàn bộ cho các khoản vay”, ông Tiền chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tú, Công ty Thẩm định giá Đông Nam cho rằng đối với tài sản THA, người mua sẽ rất ngại mua vì tâm lý “tài sản dính phốt”, sợ xui… Đặc biệt là bất động sản, bình thường đã là một tài sản có tính thanh khoản rất thấp, nếu có 2 tài sản như nhau, giá trị như nhau, tức là theo giá thị trường thì không ai bỏ cùng một khoản tiền ra mua tài sản THA thay vì tài sản bình thường.
Tài sản THA không chỉ khó khăn trên giấy tờ, mà còn khó khăn trong mua bán, giao nhận tài sản. “Có những tài sản tổ chức đấu giá mãi mới thành công, nhưng người đấu giá thắng rất khó khăn trong việc nhận nhà. Có trường hợp nhận nhà rồi nhưng sau đó người đấu giá thắng cũng không thể ở, vì xung quanh là họ hàng, người thân của chủ tài sản cũ, luôn gây khó dễ trong sinh hoạt”, ông Tú cho biết.
———————————
Tính lãi chậm trả theo luật thương mại là hợp lý
Bà Nguyễn Thị Hải Chi, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
————————————
Có ý kiến cho rằng cách tính lãi chậm trả theo Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng cho trường hợp thi hành phán quyết trọng tài, vì việc THA là nghĩa vụ dân sự, không phải là quan hệ hành vi thương mại. Tuy nhiên, ý – kiến khác lại cho rằng các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài là tranh chấp thương mại, vì vậy áp dụng cách tính lãi chậm trả theo quy định của Luật Thương mại là hợp lý nhằm hạn chế sự lạm dụng việc trì hoãn thi hành phán quyết trọng tài. Theo đó, thời gian chậm thi hành càng dài thì lãi chậm trả càng lớn, thông thường là bằng 150% lãi suất cho vay. Trong khi đó, nếu theo cách tính của Bộ Luật Dân sự thì bên chậm trả thi hành chỉ phải trả lãi theo lãi suất cơ bản của ngân hàng là không hợp lý.
Cần quy định điều kiện tạm thời phong tỏa tài khoản
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
————————————
Việc quy định cụ thể về thời gian cung cấp thông tin là hết sức cần thiết, tuy nhiên quy định trên chỉ phù hợp với trường hợp cung cấp thông tin về tài sản khó thay đổi, di dời như tài sản có đăng ký quyền sở hữu chứ không phù hợp với các tài sản dễ dàng thay đổi, di dời, không có đăng ký quyền sở hữu, đặc biệt đối với tài sản là tiền gửi, tài sản gửi tại các tổ chức tín dụng, vì 2 lý do. Thứ nhất, nếu luật này không quy định cụ thể, thì sẽ bị vướng mắc do xung đột với quy định tại khoản 2 và 3 Điều 14 về Bảo mật thông tin, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Thứ hai, việc chuyển tiền khỏi tài khoản theo phương thức chuyển tiền điện tử hiện nay chỉ tính bằng giây, do đó việc cung cấp thông tin tính bằng ngày thì quá dễ dàng, dẫn đến tình trạng tài sản được “tẩu tán” một cách hợp pháp. Chưa kể, dưới đó còn quy định trường hợp chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp.
Luật THADS chưa được thực hiện triệt để
Ts. Bùi Thị Huyền, Đại học Luật Hà Nội
————————————
Thực tiễn THADS cho thấy, một số quy định của Luật THADS vẫn chưa được thực hiện triệt để, số việc THA tồn đọng chuyển sang năm sau vẫn còn nhiều. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do còn có những bản án, quyết định của tòa án có sai sót, không rõ ràng hoặc không phù hợp với thực tế, có nơi cơ quan THA đề nghị tòa án giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm hoặc chưa được giải quyết. Ngoài ra, trên thực tế, việc cấp và chuyển giao bản án, quyết định của tòa án cho đương sự và cơ quan THADS thường không đúng hạn.
Việt Nguyễn
————————————
Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 27-02-2014:
http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/1274726/dien-dan/thi-hanh-an-dan-su-chua-dat-hieu-qua-kho-va-kho-.html
(242/1.842)