509. Lãi suất chậm thi hành án thấp, khuyến khích việc chây ỳ?

(ĐTCK) – Một trong những nguyên nhân khiến quá trình thi hành án dân sự thời gian qua bị kéo dài, trong khi tỷ lệ thành công thấp, gây thiệt hại không chỉ cho người được thi hành án, mà còn là vấn đề “đau đầu” của không ít cơ quan thi hành án, đó chính là quy định về mức lãi suất chậm thi hành án.

Áp dụng lãi suất chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản hiện tại không đủ sức răn đe

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này không quy định cụ thể về lãi phát sinh do chậm thi hành án, tuy nhiên, đây là một nghĩa vụ dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005: Mức lãi suất chậm thi hành án được áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

Hiện lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm, mức lãi suất này được áp dụng từ năm 2010. Trong hơn 3 năm qua, lãi suất tiết kiệm thực có thời điểm lên tới 19 – 20%/năm, lãi suất cho vay càng cao hơn nữa, chưa kể đến lãi suất vay mượn khác. Do đó, việc quy định lãi chậm thi hành án vẫn là 9%/năm khiến tình trạng chậm thi hành án ngày càng phổ biến và trầm trọng. Đặc biệt, quy định này vô hình trung khiến phần thiệt bị đẩy sang phía người được thi hành án, mặc dù lỗi phát sinh từ người phải thi hành án.

Tại Hội thảo “Luật Thi hành án – góc nhìn từ doanh nghiệp” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự (Dự thảo 4), luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đánh giá, quy định về lãi chậm thi hành án hiện tại là không hợp lý, “khuyến khích” việc chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ theo bản án, coi thường pháp luật.

“Đây là một trong những quy định quan trọng nhất để đảm bảo nguyên tắc công bằng và khả năng thi hành án dân sự”, luật sư Đức nói và cho rằng, cần phải có quan điểm xử lý rõ ràng, cụ thể, với một mức độ hợp lý, nhằm thúc đẩy nhanh việc thi hành án, tránh gây thiệt hại cho người được thi hành án.

Trước đó, tại Dự thảo lần 2, quy định về lãi chậm thi hành án đã được bổ sung vào khoản 32 Điều 1, nhưng trong bản Dự thảo lần 4, quy định này đã không được đưa vào. Điều này cũng có nghĩa, lãi suất chậm thi hành án sẽ được áp dụng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật thừa nhận, áp dụng lãi suất chậm thi hành án theo lãi suất cơ bản hiện tại không đủ sức răn đe, vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải sửa đổi.

Theo ông Thủy, có 2 hướng xử lý, thứ nhất là tòa án phải tuyên rõ áp dụng mức lãi suất nào và bằng bao nhiêu trong trường hợp chậm thi hành án. Thứ hai là nếu hợp đồng có thỏa thuận lãi suất thì tòa án áp mức lãi suất theo hợp đồng, nếu không thỏa thuận thì tòa án áp lãi suất cơ bản.

“Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu và cân nhắc, có thể quy định theo hướng mức lãi suất 0,05%/ngày, tương đương 18%/năm, để tăng tính răn đe, đồng thời cũng quy định rõ: hoặc tòa không tuyên mức lãi suất, hoặc tòa phải tuyên theo mức lãi suất này cho thống nhất, tránh sự chồng chéo. Trong trường hợp có thỏa thuận thì áp dụng theo lãi suất thỏa thuận”, ông Thủy nói.

Đồng tình với hướng đề xuất của Ban soạn thảo Dự thảo Luật, nhưng luật sư Đức cho rằng, quy định như vậy vẫn còn có bất cập. Theo ông Đức, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vào khoảng 12%/năm, quy định mức lãi suất chậm thi hành án 18%/năm, cao gấp 1,5 lần, là tương đối hợp lý. Nhưng giả sử trong những năm tới, lãi suất cho vay nhảy vọt lên 22 – 23%/năm, thì mức 18%/năm lại là không hợp lý. Vì vậy, ông Đức kiến nghị, cần có quy định mở hơn, trong trường hợp cần thiết, Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ sẽ công bố áp dụng mức lãi suất mới, để đảm bảo cho Luật không bị hạn chế khi có hiệu lực và áp dụng trong thực tiễn.

“Pháp luật cần tạo ra hành lang pháp lý để duy trì các giao dịch dân sự phát triển có lợi cho xã hội, đồng thời cũng cần có chế tài cho các hành vi bội tín”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Huyền Vy

——————————-

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 12-3-2014:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/lai-suat-cham-thi-hanh-an-thap-khuyen-khich-viec-chay-y-90939.html

(343/921)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,221