Việc viết hoa tên gọi các tổ chức
(NN&ĐS) – Qua theo dõi các bài viết có liên quan đến việc viết hoa tên các tổ chức, thì thấy có ba quan điểm chủ yếu như sau:
– Hạn chế tối đa việc viết hoa;
– Mở rộng tối đa việc viết hoa;
– Viết hoa tất cả các từ và cụm từ.
Chúng tôi thấy cần tham gia thêm đối với ba quan điểm viết hoa nói trên. Việc viết hoa tất cả những chữ chỉ tên người, tên địa lý (địa danh) đã được thống nhất cao độ, nên sẽ không cần đề cập đến trong bài viết này.
1- Hạn chế tối đa việc viết hoa:
Nói chính xác hơn, đây là tinh thần chung của nhóm quan điểm hạn chế tối đa việc viết hoa[1]. Một số người cho rằng, trong tên gọi các tổ chức, chỉ nên viết hoa các từ chỉ chức năng vì nó là thành tố quan trọng, mang “tính riêng”; còn các chữ đầu tên là yếu tố thuộc phạm trù danh từ chung (như bộ, trường, uỷ ban, công ty,…) nên không cần viết hoa[2]. Ví dụ: bộ Tư pháp, hội Ngôn ngữ học Việt Nam, tổng công ty Than Việt Nam,… Tuy nhiên theo quan điểm này, thì thật khó có thể phân biệt được các từ kiểm sát, thẩm phán, nhân dân, sinh hoạt,… có phải là thành tố quan trọng cần phải viết hoa hay không trong số các tên gọi sau: viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao, uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, tạp chí Sinh hoạt lí luận,… Cũng thật khó xác định rằng uỷ ban nhân dân thành phố mang “tính chung” hay “tính riêng”? Và tại sao, cùng một từ nhân dân với vai trò tương tự nhau, nhưng trong tên tổ chức này thì được viết hoa còn tổ chức khác thì lại không? Như vậy, cách viết hoa theo quan điểm này sẽ vô cùng phức tạp và thiếu cơ cở để đạt tới một sự thống nhất.
Cũng gần với quan điểm này, là trường phái cho rằng, không nên viết hoa chữ đầu tiên, mà chỉ cần viết hoa các “thành tố danh hiệu giữ chức năng khu biệt tên riêng”. Ví dụ: công ty ắc quy Tia Sáng, đoàn cải lương Chuông Vàng, truờng đại học dân lập Thăng Long… Quan điểm này làm cho nhiều tổ chức sẽ không được viết hoa vì không có thành tố chỉ danh hiệu. Ví dụ: bộ kế hoạch và đầu tư, ban tư tưởng – văn hoá trung ương, viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương,…
Một quan điểm khác lại đề nghị chỉ viết hoa chữ đầu tiên chỉ loại hình tổ chức và chữ đầu khi đề cập đến phần tên của tổ chức đó. Ví dụ: Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Uỷ ban Phòng chống lụt bão trung ương, Trường Đại học tài chính – kế toán Hà Nội,… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp lại rất khó có thể phân biệt được đâu là từ chỉ “loại hình tổ chức” để xác định từ sẽ được viết hoa tiếp theo. Chẳng hạn, có người cho rằng, cả cụm từ trường đại học thực ra mới là một loại hình tổ chức. Hoặc trong tên gọi Nhà xuất bản chính trị quốc gia thì nhà hay nhà xuất bản mới là “loại hình tổ chức” để viết hoa chữ xuất hay chữ chính? Hoặc trong tên gọi: Ban chấp hành trung ương đảng, thì ban hay ban chấp hành mới là khái niệm chỉ “loại hình tổ chức”, để viết hoa chữ chấp hay chữ trung?
Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng, tên gọi của các tổ chức không nên viết hoa bất cứ một thành tố nào, tất nhiên là trừ các chữ chỉ tên người và địa danh. Ví dụ: tổng cục bưu điện, trường viết văn Nguyễn Du, công ty cao su sao vàng Hà Nội,… Như vậy cũng có nghĩa là tên các tổ chức sẽ không được viết hoa?
Đó là những cách viết hoa không mấy hợp lý, thậm chí đôi khi còn hết sức vô lý.
Tuy nhiên, ý kiến chủ đạo trong số các quan điểm hạn chế tối đa việc viết hoa là: chỉ viết hoa chữ đầu tiên trong tên gọi của các tổ chức. Ví dụ: Bộ khoa học, công nghệ và môi trường, Trường đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,… Quan điểm này đã được chính thức thể hiện trong hai Quy định của Uỷ ban KHXH và Bộ Giáo dục vào năm 1980 và 1984. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những quan điểm thiếu hợp lý, cho nên nó đã không được xã hội chấp nhận.
Có ý kiến cho rằng: Việc chỉ viết hoa chữ đầu trong tên gọi các tổ chức là hợp lý nhất nhưng có vướng mắc là “lúc đầu có thể còn chưa quen với một số người”[3]. Tuy nhiên, vấn đề không phải là hoàn toàn như vậy. Thực ra, đó là cách viết hoa “truyền thống”, đã được phổ biến từ trước đó rất lâu mà các Quy định của Uỷ ban KHXH và Bộ Giáo dục chỉ làm một việc là “nhắc lại” quan niệm cũ. Ví dụ, trong năm 1966, có nhiều Nghị định của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập một số trường đại học, có viết các tên riêng như sau: Trường đại học xây dựng, Trường đại học quân y, Trường đại học mỏ và địa chất,… (Công báo năm 1966).
Bên cạnh việc chấp nhận một quan điểm cũ là: chỉ viết hoa chữ đầu tiên trong tên gọi các tổ chức, các Quy định trên lại phủ nhận một quan điểm cũ khác là: chỉ viết hoa họ, tên người và chỉ viết hoa chữ đầu chỉ các địa danh. Các quy định trên đã hoàn toàn theo quan điểm mới về viết hoa tên người và địa danh[4].
Từ đầu những năm 1970 trở về trước, các văn kiện của Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đều ghi địa danh là: Việt-nam, Hà-nội, Sài-gòn, Trung-quốc,… Riêng tên người, thì từ năm 1966 đã thấy xuất hiện ba cách viết khác nhau. Văn bản của Quốc hội thì viết: Lê-Duẩn, Tôn-đức-Thắng, Phạm-văn-Đồng, Võ-nguyên-Giáp, Tôn-quang-Phiệt, Nguyễn tấn Gi-Trọng,… Văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì viết: Đặng việt Châu, Đoàn trọng Truyến,… Còn văn bản của Hội đồng Chính phủ thì lại viết: Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Cơ Thạch, Phạm Huy Thông,… (Công báo năm 1966).
Theo tôi, “Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt”, ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục có khá nhiều điểm bất hợp lý làm cho người ta không chấp nhận, trong đó ít nhất có hai điểm chính là cách viết hoa và viết chữ “i”. Nếu chỉ viết hoa chữ đầu tiên, thì trong trường hợp tên của một tổ chức này lại là sự ghép nối với tên gọi của một tổ chức khác sẽ phải viết thế nào? Nếu viết hoa chữ đầu tiên thì sẽ viết như sau: Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ tài chính, Ngân hàng công thương Việt Nam,.. Theo nguyên tắc này, các chữ đảng, bộ và ngân hàng sẽ không được viết hoa trong tên gọi các tổ chức sau: Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Văn phòng bộ tài chính, Chi nhánh ngân hàng công thương Hải Phòng,… Viết hoa như vậy thì liệu có thiếu đi một sự thống nhất và tôn trọng cần thiết?
Còn quy định viết chữ “i” ở cuối chữ nhằm hợp lý hoá, thống nhất chính tả đã xảy ra trên thực tế như thế nào? Khi hầu hết các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều viết khác sách vở của ngành Giáo dục thì đâu là “chuẩn”? Trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 có tới 650 lần xuất hiện từ công ty, trong đó viết “y” chứ không phải là “i” theo như quy định của Bộ Giáo dục. Luật Công ty năm 1990 cũng như các đạo luật khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Vậy thì đương nhiên là tên các tổ chức đó xuất hiện trên hàng ngàn, hàng vạn biển hiệu, văn bản, báo viết, báo hình,… hằng ngày thật khó có thể chấp nhận cách viết công ti thay cho công ty được? Trong Luật Giáo dục năm 1998, bên cạnh một số ít chữ “i” được viết ở cuối chữ như: bác sĩ, sĩ quan, thạc sĩ, tiến sĩ,… thì lại có tới 115 lần xuất hiện các tình huống sử dụng chữ “y”, đó là: đăng ký, định kỳ, hợp lý, kỳ họp, kỳ thi, kỷ luật, kỹ năng, kỹ sư, kỹ thuật, ký kết, lý lịch, lý luận, lý thuyết, lý tưởng, mỹ thuật, nguyên lý, quản lý, tâm sinh lý, thẩm mỹ, tỷ lệ, xử lý. Trong khi các đạo luật khác đều viết “y” trong các trường hợp trên, thì liệu các cuốn sách giáo khoa lại viết “i” có là “phạm” luật? Đấy là chưa kể đến việc nhiều cá nhân và tổ chức không chấp nhận việc tên của họ đang là “i ngắn” lại cứ bị người khác “bắt” đổi thành thành “y dài” cho đúng với quy định ở đâu đó mà họ cũng chẳng hề biết (?!)
Đối với trường hợp trên, xin được nhắc lại kết quả khảo sát của tác giả Nguyễn Thị Trung Thành về cách viết chữ “i” ở cuối âm tiết đối với học sinh trung học cơ sở là: “100% học sinh không tuân theo quy định này”. Tác giả cũng đã đề nghị: “Những quy định đã ban hành, sau một thời gian, nếu xét thấy không đi vào đời sống xã hội, không phù hợp với thực tế hoặc không được cộng đồng thừa nhận và thực hiện thì cần ra quyết định bãi bỏ. Có làm như vậy mới trách được những lúng túng không cần thiết cho người sử dụng”[5] (Chính bài viết được in trong tập sách đã có 5 lần chữ qui được sửa bằng tay thành chữ quy. Đó là một lỗi in ấn cũng như viết tay rất phổ biến hiện nay, nhưng lại hầu như không xảy ra trước khi có Quyết định 240).
2- Mở rộng tối đa việc viết hoa:
Ngược lại hoàn toàn với quan điểm trên là ý kiến cho rằng, cần viết hoa tất cả các chữ thuộc về tên gọi của các tổ chức. Đây là một quan điểm chỉ mới xuất hiện trong mấy năm nay. Có lẽ một trong những căn cứ mà những người theo quan điểm này dựa vào là các định nghĩa trong từ điển “tên riêng” là “Tên gọi của từng cá nhân, cá thể, phân biệt với những cá nhân, cá thể khác cùng loại”[6] Nếu như trước kia tên gọi cá nhân chỉ được viết hoa họ và tên (không viết hoa các chữ đệm), tên các địa danh chỉ được viết hoa chữ đầu, thì hiện nay đều đã được viết hoa toàn bộ. Tương tự như vậy, tại sao lại không viết hoa tất cả các chữ thuộc tên gọi của từng cá thể là các tổ chức? Ví dụ: Văn Phòng Quốc Hội, Viện Nghiên Cứu Nhà Nước Và Pháp Luật, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam,…
Có quan điểm cho rằng, việc mở rộng viết hoa “làm cho việc viết hoa khó thống nhất, tốn công sức, đôi khi lại còn gây nên những hiểu lầm không đáng có; nói chung là gây khó khăn không nhỏ cho việc sử dụng tiếng nói và chữ viết.” Và khi tên một cơ quan quá dài “mà mọi chữ đều viết hoa thì sẽ thật bất tiện, tốn công sức và cũng chẳng đẹp chút nào.”[7] Tuy nhiên nhận định trên cũng không có cơ sở chắc chắn. Khác với chữ viết nói chung, việc có tiện lợi, tốn công và đẹp hay không đối với viết hoa chỉ là những yếu tố rất thứ yếu, không phải là những lý do chính để phủ nhận quan điểm “mở rộng viết hoa”. Còn việc một quy tắc có được thực hiện thống nhất hay không thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngay chính quy định được xem như đơn giản nhất và “tránh được những rắc rối không cần thiết”, đó là chỉ viết hoa một chữ đầu đối với tên gọi của các tổ chức, mặc dù đã tồn tại gần 20 năm qua nhưng rõ ràng chẳng mang lại sự thống nhất nào đáng kể.
Cũng không nên vì quan điểm hạn chế viết hoa mà phủ nhận quan điểm mở rộng viết hoa thông qua việc so sánh viết hoa tiếng Việt với những ngôn ngữ không tồn tại khái niệm viết hoa như tiếng Hán chẳng hạn. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ thông dụng nhất trên Thế giới hiện nay và có cùng nguồn gốc chữ Latinh với tiếng Việt, cũng viết hoa tất cả các từ (có loại trừ một số từ như: và, hoặc,…) trong tên gọi các tổ chức. Nếu so sánh với cách viết hoa trong tiếng Anh, thì tiếng Việt không nên giảm đi, mà cần phải viết hoa nhiều hơn. Chẳng hạn, trong một số trường hợp, thay vì sử dụng quán từ “the” để nhắc lại một danh từ đã được xác định trong tiếng Anh, thì tiếng Việt có thể dùng cách viết hoa để giúp cho việc xác định, phân biệt và đề cao những đối tượng đang được đề cập với những khái niệm chung chung khác. Rất nên viết hoa từ Tạp chí trong đoạn văn sau: “Ngôn ngữ và Đời sống là Tạp chí của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Đó là một Tạp chí chuyên ngành rất hấp dẫn độc giả. Chúng ta tin tưởng rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc đọc và viết bài cho Tạp chí”.
Nếu chấp nhận việc viết hoa tất cả các chữ, thì cũng thật khó bác bỏ quan điểm đi xa hơn nữa là phải viết hoa tất cả các chữ cái (các con chữ). Tức là khi đó, luôn luôn phải viết hoa tên các tổ chức theo một kiểu duy nhất là: VIẾT TOÀN BỘ CHỮ IN HOA 100%.
Tuy nhiên, cũng như các ngôn ngữ khác, vấn đề quan trọng và cơ bản nhất của tiếng Việt là từ, chứ không phải là chữ. Ngoài việc viết hoa toàn bộ tên người, địa danh và danh hiệu mà đại đa số các quan điểm đều thống nhất, thì chỉ nên xem xét đến việc viết hoa các từ, chứ không viết hoa các chữ đối với những thành tố còn lại trong tên gọi các tổ chức. Như vậy các từ được viết hoa nhiều hay ít là phụ thuộc vào số lượng các thành tố tạo thành tên gọi của các tổ chức.
3- Viết hoa tất cả các từ và cụm từ:
Quan điểm này được đa số chấp nhận và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, trong đó có Tạp chí NN & ĐS. Ví dụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bảo tàng Văn hoá Dân tộc, Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Giảng Võ, Khoa Pháp luật Kinh tế – Trường Đại học Luật Hà Nội,… Về cơ bản, “Quy định về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ”, ban hành kèm theo Quyết định số 09/1998/QĐ-VPCP ngày 25-11-1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng được thể hiện theo quan điểm này.
Việc viết hoa cụm từ được đặt ra trong trường hợp các từ tuy có ý nghĩa độc lập nhưng lại gắn kết với nhau để tạo thành một khái niệm mới mà tách rời ra thì chúng sẽ không còn hoặc khó xác định ý nghĩa quen thuộc trong tên gọi của các tổ chức. Ví dụ: kế hoạch hoá trong Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá Gia đình, nước giải khát trong Tổng Công ty Rượu – Bia – Nước giải khát, kiến trúc sư trong Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sắt tráng men trong Nhà máy Sắt tráng men – Nhôm Hải Phòng, câu lạc bộ trong Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp, xếp dỡ trong Xí Nghiệp Xếp dỡ Hoàng Diệu,…
Viết hoa tất cả các từ và cụm từ sẽ tránh được những vấn đề chưa hợp lý của hai quan điểm trên. Việc viết hoa các từ sẽ dễ dàng tạo ra một sự thống nhất do được dựa trên cơ sở những từ vựng chuẩn trong các cuốn từ điển. Viết hoa tất cả các từ cũng không cần quan tâm đến vị trí, tính chất, ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tố trong tên gọi các tổ chức. Nó bảo đảm một sự thống nhất trong tất cả các tình huống sử dụng, kể cả khi cần chèn thêm, lược bớt, viết tắt hoặc có sự thay đổi tên người, địa danh, danh hiệu cấu thành tên gọi. Ví dụ: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong thực tế có thể được viết rút gọn thành Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa hoặc Trường Bách khoa, thì các từ Đại học và Bách khoa vẫn luôn luôn được viết hoa. Khi viết tên các bộ phận của Trường như: Thư viện Trường Đại học Bách khoa hoặc Khoa Chế tạo Máy Trường Đại học Bách khoa thì chữ Trường cũng luôn được viết hoa, chứ không bị thay đổi theo các quan điểm hạn chế viết hoa nói trên.
Tuy nhiên, theo quan điểm này cũng cần có sự hạn chế viết hoa một số từ thuộc các yếu tố phụ đóng vai trò liên từ, danh từ chỉ số nhiều,… trong tên gọi như: và, hoặc, các, tại, những, trong, ngoài,… Ví dụ: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Hội những Người chơi tem, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần các Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Việt Nam tại Thành phố Hải Phòng. Để bảo đảm sự thống nhất trong cách viết hoa thì cần phải có sự nghiên cứu, trao đổi thêm về vấn đề này. Có điều, những từ như vậy chiếm tỉ lệ rất ít trong tên gọi các tổ chức và dù có bị viết hoa không thống nhất thì cũng không ảnh hưởng gì đáng kể đến nguyên tắc viết hoa theo quan điểm này.
Bên cạnh đó, quan điểm viết hoa này cũng đặt ra một yêu cầu mở rộng viết hoa đối với tất cả các chữ trong từ hoặc cụm từ chỉ danh hiệu. Có thể nói, yếu tố chỉ danh hiệu đóng vai trò như là “tên riêng” của tên riêng. Theo số liệu khảo sát thực tế của tác giả Đặng Ngọc Lệ, thì có 121/132 tên riêng có thành tố danh hiệu được viết hoa và viết hoa tất cả các chữ.
Việc viết hoa các thành tố chỉ danh hiệu sẽ có một ý nghĩa quan trọng để bảo đảm được sự thống nhất trong việc viết hoa tên người và các địa danh. Vì tên người thì vô cùng phong phú, trừ một số dạng quen thuộc hoặc tên các danh nhân, anh hùng hào kiệt, không phải lúc nào cũng phân biệt được tên người trong tên gọi của tổ chức. Ai có thể khẳng định các chữ Hương Lan, Bảo Tín, Huy Hoàng, Phúc Hưng, Phong Phú,… trong Khách sạn Hương Lan, Cửa hàng Kim hoàn Bảo Tín, Công ty TNHH Huy Hoàng, Công ty TNHH Phúc Hưng, Nhà máy Dệt Phong Phú,… có phải là tên người hay không để chỉ viết hoa một chữ hay cả hai chữ?
Tương tự như trên, tên chỉ địa danh cũng có nhiều loại, từ tên châu lục, tên nước, tên tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã, phường, xã, thôn, xóm,… cho đến tên sông, suối, núi, đồi, cầu, cống, ao, hồ, hải đảo,… ở trong nước cũng như ngoài nước. Khi các địa danh đó được “hoá thân” vào tên gọi của các tổ chức thì nhiều khi rất khó phân biệt, nhất là đối với các địa danh không gần gũi, quen thuộc hay nổi tiếng. Ví dụ: Tên Công ty TNHH Hải Châu, nếu ở Đà Nẵng thì nhiều người nghĩ rằng Hải Châu là tên một quận và sẽ được viết hoa toàn bộ, nhưng nếu ở Quảng Ninh hoặc ở Hà Nội như Công ty Bánh – Kẹo Hải Châu Hà Nội chẳng hạn, thì chắc chẳng liên quan gì đến địa danh đó. Vậy chẳng lẽ lại có hai cách viết hoa đối với cùng một từ Hải Châu? Hoặc tên các tổ chức sau: Cửa hàng Bách hoá Bờ Hồ, Công ty Thương mại Thanh Xuân (Hà Nội), Công ty Thuỷ nông Đa Độ, Công ty TNHH Thái Bình (Hải Phòng), Xí nghiệp Xếp dỡ Tân Cảng, Khu Công nghiệp Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh), Xí nghiệp Đường sắt Hải Hà (Hải Phòng – Hà Nội), Công ty Gas Đài Hải (Đài Loan – Hải Phòng),… nếu không viết hoa toàn bộ danh hiệu thì liệu có khẳng định được đó có phải là các địa danh hay không để mà viết hoa cho đúng nguyên tắc?
Trong những trường hợp trên, nếu cứ cho Bảo Tín, Huy Hoàng, Phúc Hưng, Phong Phú, Thái Bình, Thanh Xuân, Tân Tạo,… là thành tố chỉ danh hiệu của tổ chức đó, thì cứ việc viết hoa hết mà không cần biết đó là tên người, tên địa danh hay là tên gọi theo một yếu tố nào đó. Chỉ có như vậy thì mới bảo đảm cho một sự viết hoa thống nhất và mới thoát khỏi tính “cá nhân”, tính “địa phương” trong việc viết hoa tên các tổ chức.
[1] Xem bài “Về cách viết tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên sách báo” của tác giả Đặng Ngọc Lệ – Tạp chí Ngôn ngữ, số 2-1998.
[2] Việc viết hoa các từ hoặc các chữ được hiểu là viết hoa âm tiết đầu tiên của các từ hoặc các chữ.
[3] Xem bài “Về chuẩn chính tả và cách viết hoa đối với tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể,… trong tiếng Việt” – Nguyễn Trọng Khánh – Tạp chí NN & ĐS, số 8 (46) – 1999
[4] Xem bài “Xin góp ý kiến với bàn ‘Quy định tạm thời về viét hoa’“ của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân – Báo Lao Động số … ngày … -… -1999 (đề nghị Toà soạn tra cứu giúp).
[5] Xem bài “Về các lỗi thường gặp của học sinh trung học cơ sở qua các bài văn viết” – Nguyễn Thị Trung Thành – Tập Kỉ yếu “Ngữ học Trẻ ‘97”.
[6] Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên – Hà Nội 1992.
[7] Xem bài “Về chuẩn chính tả và cách viết hoa đối với tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể,… trong tiếng Việt” – Nguyễn Trọng Khánh – Tạp chí NN & ĐS, số 8 (46) – 1999.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
______
Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 12 (50) 12-1999