(DĐDN) – Sau nhiều năm theo kiện và tốn kém rất nhiều kinh phí, dưới tư cách chủ nợ, Cty CP Thép Vật tư Hà Nội đã thắng kiện đối với khách nợ là Cty CP đầu tư sản xuất xây dựng và thương mại 376. Tuy nhiên sau khi có bản án đến giai đoạn thi hành án (THA) Cty Thép gần như “chết đứng” khi con nợ không còn tài sản, mọi tài sản hiện có tại DN khách nợ đã bị thế chấp bảo đảm các khoản vay của ngân hàng.
Việc khởi kiện ra tòa có thời gian quá dài và tỉ lệ thành công quá ít đã khiến nhiều DN “nản”
(nguồn: Khảo sát của Ban Pháp chế VCCI)
Khốn khổ hơn là trường hợp Tập đoàn Bảo Sơn, sau ba năm theo kiện đòi nợ hơn 50 tỷ đồng cuối cùng tòa án cũng tuyên Bảo Sơn thắng kiện. Nhưng DN là con nợ thì hết đổi trụ sở đến thay tên DN. Cuối cùng thì các tài sản của DN cũng không còn vì đã đứng tên nhiều DN và cá nhân khác. Bảo Sơn đành bó tay vì cơ quan thi hành án “đầu hàng”.
Nhiều bản án chỉ nằm trên giấy
Theo báo cáo của Tổng cục THA dân sự, tỷ lệ THA dân sự thành công cao nhất là tỉnh Hưng Yên với 73%, Nam Định 71%. Nhưng những thành phố là trung tâm của cả nước như: TP HCM thì tỷ lệ THA thành công chỉ là 28%, Bắc Ninh 33%, Hà Nội 36%. Như vậy, hầu hết các DN và người dân đều bị “mừng hụt” vì tưởng thắng kiện là thoát khỏi cảnh “đáo tụng đình”. Nhưng giai đoạn THA mới lại gian nan và vất vả tốn phí hơn nhiều.
Chỉ cần nhìn vào tỷ lệ THA thành công cũng có thể thấy, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN vẫn chưa được bảo đảm một cách chắc chắn trước các cơ quan tư pháp. Để đòi được quyền lợi về tài sản, nhiều người dân và DN vẫn phải lựa chọn hình thức đòi nợ thuê, thậm chí xã hội đen. Từ thực tiễn hoạt động, LS Trần Xuân Tiền – trưởng VPLS Đồng đội cho biết, có DN đã thắng kiện vẫn phải dùng đến dịch vụ đòi nợ thuê.
Theo khảo sát nhanh của Ban Pháp chế VCCI tại một số DN, việc khởi kiện ra tòa cộng thời gian THA nhanh cũng mất khoảng 400 ngày. Chi phí từ 20 – 30% (phải nộp cho nhà nước và phí luật sư, chưa kể “tiền lót tay”). Tỷ lệ thành công từ 50 – 60%. Nếu dùng dịch vụ thu nợ thời gian tốn khoảng 60 – 90 ngày. Chi phí khoảng 20 – 30% (chỉ phải trả khi thu được nợ). Tỷ lệ thành công khoảng 70 – 80%. Còn dùng xã hội đen chỉ mất 15 – 30 ngày. Chi phí khoảng 40 – 70%. Nhưng tỷ lệ thành công lên tới 80 – 90%. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát đã khiến không ít người phải giật mình khi mà hiệu quả của việc nhờ “xã hội đen” đòi nợ trên thực tế cao hơn nhiều so với việc khởi kiện tại tòa án và THA.
Đồng tình, LS Tiền còn chỉ ra những điểm bất hợp lý của Luật THA dân sự hiện hành cũng như dự thảo đang sửa đổi là chưa ấn định được thời gian. Thời gian mà người dân và DN phải chờ đợi để được THA vẫn là “muôn thủa”. Mặc dù, lãnh đạo cơ quan tư pháp vẫn luôn khẳng định ngành THA cố gắng khắc phục tình trạng kéo dài, dây dưa. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản nào xác định thế nào thi hành án kéo dài hay dây dưa. Chính vì vậy, tính đến thời điểm này, hoạt động thi hành án vẫn chưa bị khởi kiện vụ nào về hành vi kéo dài, dây dưa.
Có hai dạng chủ yếu dẫn đến tình trạng không thể THA được, thứ nhất là cá nhân, tổ chức bị THA không còn khả năng THA, thứ hai là họ cố tình không chịu THA. LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) nhận xét, với dạng thứ hai cần phải có chế tài. Đúng là hiện nay, tình trạng hình sự hóa các vụ án dân sự đang ngày càng giảm. Tuy nhiên, nếu không xử lý nghiêm các đối tượng cố tình chây ỳ, dây dưa không chịu THA thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói riêng, tính pháp chế của pháp luật nói chung. Không chỉ luật sư, rất nhiều chuyên gia cũng đề xuất Ban soạn thảo Luật THA sửa đổi cần cho phép luật sư tham gia cả giai đoạn THA. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định, bên được THA có quyền khởi kiện cơ quan THA hoặc bên bị THA nếu cố tình chây ỳ, dây dưa không chịu THA.
Đến Luật Dân sự cũng làm khó
Khi niềm tin với công tác thi hành án bị lung lay thì DN sẽ tìm đến các công cụ đòi nợ khác như dịch vụ thu hồi nợ hợp pháp hoặc “xã hội đen”. |
Có một dạng bên bị THA cố tình chây ỳ vì sự hạn chế của pháp luật hiện hành. Đó là trường hợp Tòa án nhân dân Tối cao buộc phải hướng dẫn tòa án các cấp áp dụng mức lãi suất của bên bị THA theo Bộ Luật Dân sự là lãi suất cơ bản. Với mức lãi suất cơ bản này thì bên bị THA không “dại gì” mà trả vội cho bên được THA. Theo ông Nguyễn Thanh Thủy – Phó TCT Tổng cục THA dân sự, thành viên ban soạn thảo Luật THA sửa đổi, dự thảo Luật đã sửa theo hướng, “người phải thi hành án phải chịu thêm 0,05%/ngày trên tổng số tiền chưa THA theo bản án, quyết định”.
Tuy nhiên, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Cty Luật ANVI nhận xét, mức lãi suất như vậy tương đương 18%/năm chỉ đúng với giai đoạn hiện nay. Nếu thị trường tài chính biến động lãi suất huy động giảm xuống hoặc tăng lên thì lại phải điều chỉnh lãi suất hay sao? Chính vì vậy, ban soạn thảo nên để mức lãi suất này linh động hơn đó là giao cho nghị định hoặc thông tư hướng dẫn. (đúng lời là UBTV Quốc hội hoặc Chính phủ)
THA dân sự từ nhiều năm nay vẫn bị đánh giá là khâu yếu nhất trong hoạt động thực thi pháp luật. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đâu tư, kinh doanh nói riêng và tính pháp chế của bộ máy nhà nước nói chung. Theo các chuyên gia pháp luật, sửa Luật THA mới chỉ là tiền đề bước đầu, muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động THA cần phải thay đổi nhiều luật liên quan hay nói cách khác là thay đổi tư duy về pháp luật dân sự. Chưa nói đến mức quy tiền thành… tù như một số quốc gia thì việc công nhân nguyên tắc của nền kinh tế thị trường cũng phải được làm rõ. Tòa án cần phải có trách nhiệm hơn đối với những bản án không có khả năng THA. Còn đối tượng trây ỳ, dây dưa thì phải nghiêm trị. Đó là bên được THA có thể khởi kiện hoặc cơ quan nhà nước có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình chây ỳ, kéo dài, dây dưa trong THA.
Bá Minh
————————————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 16-3-2014:
http://dddn.com.vn/phap-luat/cong-ty-ngai-thi-hanh-an-2014031102592754.htm
(79/1.316)