513. Tòa án làm khó báo chí

(TT) – Thông tư số 01/2014 về nội quy phiên tòa của chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định các phóng viên muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.

v2miwrCc.jpg
Tại phiên tòa xử vụ chống người thi hành công vụ ở Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 26-4, phóng viên có thẻ nhà báo nhưng không có giấy giới thiệu vẫn không được vào tòa – Ảnh: T.L.

Quy định trên đây đã vấp phải phản ứng của dư luận vì theo nghị định số 51/2002/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí), nhà báo tham dự phiên tòa chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến:

* Ông Nguyễn Sơn (phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao):

Chính Hội Nhà báo đề xuất

Khi lấy ý kiến về dự thảo thông tư 01/2014 nói trên, Tòa án nhân dân tối cao đã được sự thống nhất của Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin – truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan công an.

Thông tư 01 và nghị định 51 của Chính phủ đều do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, không thể nói cái nào có hiệu lực cao hơn.

Xuất phát từ tình trạng có người đến tham dự tòa nhưng không đưa tin, Hội Nhà báo và các cơ quan quản lý báo chí đã đề xuất quy định nêu trên. Chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến và có sự đồng thuận từ các cơ quan liên quan. Phóng viên tác nghiệp tại tòa phải có giấy giới thiệu để chứng minh mình ở cơ quan, tổ chức nào.

* Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ (phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN):

Đấy là quy định cần thiết

Nhà báo phải có thẻ nhà báo để chứng tỏ được phép hành nghề và có giấy giới thiệu của cơ quan để chứng tỏ nhà báo được cơ quan phân công, cử đến đưa tin sự kiện. Đấy là sự cần thiết khi đưa tin ở một lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến tính mạng và xã hội. Mặt khác, tòa án là nơi nghiêm minh, cho nên khi nhà báo vào đưa tin phải có sự tiến cử nhất định.

Vì tính chất nói trên nên sự chặt chẽ hơn trong công tác thông tin báo chí là cần thiết. Sau khi thông tư về nội quy phiên tòa được ban hành thì tôi chưa nhận được ý kiến gì khác.

* Ông Trần Đông Chu (kiểm sát viên cao cấp, Viện phúc thẩm, Viện KSND tối cao tại TP.HCM):

Báo chí phải chứng minh mình đang tác nghiệp

Tôi thấy có rất nhiều người không hề là phóng viên nhưng cũng đến làm công việc như một nhà báo, gây lộn xộn phiên tòa. Theo tôi, tuy việc phải xuất trình cả thẻ và giấy giới thiệu có chút phiền phức nhưng thông tư 01/2014 không hề cản trở nhà báo tác nghiệp. Báo chí được tự do tác nghiệp và báo chí phải chứng minh mình đang thực hiện nhiệm vụ, chỉ đơn giản như vậy thôi. Còn với những phiên tòa có quá nhiều người tham gia tố tụng thì báo chí không được tham gia tại phòng xử cũng là lẽ thường bởi phải dành chỗ cho những người tham gia tố tụng.

* Thẩm phán Vũ Phi Long (phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM):

Chỉ là hợp thức hóa

Thật ra, việc yêu cầu nhà báo xuất trình thẻ hay giấy giới thiệu đã được thực hiện từ lâu, nhất là những phiên tòa thu hút sự chú ý của dư luận, chỉ có điều bây giờ mới hợp thức hóa bằng thông tư thôi. Vì trước đây hay bây giờ báo chí muốn tham gia phiên tòa vẫn phải báo với chủ tọa, đồng thời mọi người tham dự phiên tòa đều phải tuân thủ sự điều khiển của thẩm phán chủ tọa nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm tại chốn pháp đình.

* TS Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp):

Thông tư “lố” hơn nghị định

Khoản 1, điều 8 nghị định 51/2002 của Chính phủ quy định khi đến làm việc với các cơ quan, tổ chức, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Khoản 3, điều 8 nghị định 51 quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai… theo quy định của pháp luật. Hàm ý của “theo quy định của pháp luật” này là sẽ có hướng dẫn cụ thể. Cần lưu ý, điều 8 của nghị định là kết hợp của khoản 3 và khoản 1 không được tách rời.

Thông tư 01/2014 của Tòa án nhân dân tối cao về nội quy phiên tòa chính là “theo quy định của pháp luật”. Theo tôi, tòa án có quyền yêu cầu. Tuy nhiên, tôi thấy băn khoăn ở quy định vừa phải có thẻ nhà báo, vừa phải có giấy giới thiệu. Thông tư 01 đưa ra các loại giấy tờ vượt ra khỏi quy định tại khoản 1, điều 8 nghị định 51/2002. Thẻ nhà báo đã chứng minh đầy đủ tư cách pháp lý và điều kiện để nhà báo được tham gia phiên tòa thì cần gì quy định thêm giấy giới thiệu? Rõ ràng quy định tại thông tư này “lố” hơn nghị định của Chính phủ.

Nội dung quy định tại điều 8 nghị định 51/2002 là cái chuẩn mà khi ban hành thông tư, Tòa án nhân dân tối cao phải đảm bảo các quy định phù hợp. Việc yêu cầu nhà báo phải có giấy giới thiệu khi tham dự tòa là thêm thủ tục, chưa phù hợp với quy định tại nghị định 51.

* Ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Thông tư không thể trái nghị định

Về nguyên tắc thì văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn phải tuân thủ theo văn bản có giá trị cao hơn. Cụ thể ở đây là thông tư phải theo tinh thần của nghị định đã được ban hành trước đó, không được có nội dung trái với nghị định.

Luật báo chí đã quy định rõ là các tổ chức, cá nhân phải tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là gốc của vấn đề. Đã nói tạo điều kiện thì không được gây khó khăn. Luật quy định như vậy thì nghị định hay thông tư đều phải theo tinh thần này.

Thẻ nhà báo là thẻ hành nghề của nhà báo, khi đã có thẻ hành nghề rồi thì không cần thêm các loại giấy tờ khác. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận một thực tế, có những hoạt động diễn ra trong không gian nhất định, không thể nào tất cả các cơ quan báo chí đều cử phóng viên tham dự, cho nên bên cạnh thẻ nhà báo thì cũng cần có thêm thẻ tham gia hoạt động đó để duy trì số lượng nhà báo phù hợp với diện tích không gian. Ví dụ như nhà báo đến tường thuật kỳ họp Quốc hội cần có thẻ ra vào hội trường. Đó có thể hiểu là không phải hạn chế quyền của báo chí mà do điều kiện thực tế. Tương tự như vậy, có thể trong hoạt động của các bộ ngành, ví dụ với hoạt động của ngành tòa án, của cơ quan điều tra thì báo chí được tham dự đưa tin như thế nào, đưa tin đến đâu… chắc các ngành này sẽ có yêu cầu dựa trên tình hình thực tế. Vấn đề là yêu cầu đó phải phù hợp với quy định pháp luật.

Tôi chỉ mới nghe phản ảnh, chưa có điều kiện tiếp cận trực tiếp thông tư và nghị định nêu trên. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các văn bản này, để nếu cần thì sẽ trao đổi trực tiếp với chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

* Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Nhà báo bị hạn chế hơn công dân bình thường!

Theo tôi, nếu làm đúng như thông tư thì quá tốt cho nhà báo khi tác nghiệp tại những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ và giấy giới thiệu thì sẽ được tham dự phiên tòa. Nhưng thực tế trong thời gian qua là nhiều phiên tòa rất hạn chế báo chí tham gia. Đã gây khó dễ như vậy mà nhà báo lại còn không được vào phòng xét xử, không được chụp ảnh, không được quay phim thì còn gì là tác nghiệp báo chí nữa!

Ngược lại, đối với những phiên tòa công khai thì việc yêu cầu nhà báo vừa phải có thẻ nhà báo vừa phải có giấy giới thiệu là một cách đòi hỏi quá đáng. Giấy giới thiệu là để dành cho những người chưa có thẻ nhà báo. Còn nhà báo có thẻ rồi thì đương nhiên được tác nghiệp bởi việc đưa tin có Luật báo chí điều chỉnh.

Ở những phiên tòa công khai, tất cả mọi người đều được tham dự, quy định nhà báo phải xuất trình thẻ và giấy giới thiệu, còn công dân khác được tự do ghi chép, lẳng lặng ghi âm thì về lý có được không? Nếu công dân được thực hiện việc ghi chép và được tham gia tòa mà báo chí không được tham gia thì có phải nhà báo không được bằng công dân không?

Có thẻ nhà báo nhưng không được tác nghiệp

Điều 4 thông tư 01/2014 quy định: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án”.

Không chỉ khi thông tư 01/2014 có hiệu lực thì báo chí mới bị xét giấy tờ, nhiều tòa đã “làm khó” từ trước đó. Tại phiên xét xử vụ chống người thi hành công vụ tại Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 26-4, lực lượng công an yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu mới cho vào tòa. Khi các phóng viên phản ứng, cho rằng giấy giới thiệu đã đủ chứng minh tư cách của phóng viên, lực lượng công an mới cho phóng viên vào tòa. Hai phóng viên báo Đời Sống & Pháp Luật xuất trình giấy giới thiệu và thẻ nhà báo nhưng lực lượng công an chỉ cho một người vào với lý do trong giấy giới thiệu chỉ ghi tên một người.

Trong tháng 6-2013, phóng viên báo Tuổi Trẻ đến dự một phiên tòa dân sự ở Đồng Nai. Trong khi chờ nghị án, phóng viên có trò chuyện với đương sự thì được thư ký nhắc nhở và yêu cầu phóng viên phải xin phép thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Thậm chí sau khi nói chuyện với phóng viên xong, thư ký tòa còn gọi người đến xét máy ảnh của phóng viên.

Cũng trong năm 2013, phóng viên đến dự một phiên tòa cấp quận tại TP.HCM liên quan đến việc một người dân kiện một cơ quan hành chính của thành phố. Phóng viên đã đề nghị được ghi âm toàn bộ nội dung phiên tòa, nhưng vị thẩm phán không đồng ý mà bảo phóng viên chỉ được tham dự với tư cách người bình thường!

T.L. – H.C.

16-6: Ngày đầu tiên thông tư 01/2014 có hiệu lực

Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM làm theo thông tư

* Tại TAND TP Hà Nội, các phóng viên vẫn vào tòa tác nghiệp bình thường, không cần xuất trình thẻ nhà báo hay giấy giới thiệu. Đây là các phóng viên thường ngày có mặt tại tòa, đã quen mặt với lực lượng bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.

* Tại trại tạm giam tỉnh Quảng Ninh, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án Nguyễn Thị Bích Ngọc và đồng phạm mua bán, vận chuyển hơn 4.400 bánh heroin, các phóng viên chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu (không cần thẻ nhà báo) là được vào dự phiên tòa.

* TAND TP.HCM đã treo bảng nội quy phiên tòa mới để mọi người dân có thể đọc được. Tuy nhiên các phóng viên được tham gia phiên tòa bình thường mà không bị thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo hay giấy giới thiệu.

Theo một thẩm phán của tòa này thì phần lớn các thẩm phán xét xử cũng như thư ký của tòa đã “quen mặt” những phóng viên thường xuyên đến dự tòa nên không cần thiết yêu cầu các phóng viên xuất trình thẻ.

* Trong khi đó, ở tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, khi các phóng viên định vào dự phiên tòa (khi phiên tòa đang diễn ra) thì ngay lập tức bị các bảo vệ nhắc nhở và chỉ tấm biển ghi nội quy phiên tòa mới được treo lên. Theo các bảo vệ này, quy định nhà báo muốn tham gia phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo kèm giấy giới thiệu cho thư ký phiên tòa trước khi phiên tòa diễn ra 15 phút. Bảo vệ này cũng giải thích nếu các nhà báo không thực hiện đúng nội quy thì không được chụp hình hay tác nghiệp tại phiên tòa, còn việc nghe xét xử diễn ra bình thường như các công dân khác.

HÀ CHÂU – TÂM LỤA

V.V.THÀNH – TÂM LỤA – Q.THANH – HÀ CHÂU

——————

Tuổi trẻ (Chính trị – Xã hội) 17-6-2014:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/613237/toa-an-lam-kho-bao-chi.html

(268/2.485)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,232