516. Nguyễn Đức Kiên kêu oan và mong được xử sớm!

(PL&XH) – 8g15 sáng 16-4, TAND TP Hà Nội đã khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm.

Sau gần 30 phút mất điện, các PV mới tiếp tục theo dõi được phiên xử qua truyền hình trực tiếp nhưng sau đó, phiên tòa gây sự chú ý đặc biệt của dư luận này vẫn phải tạm nghỉ vài lần nữa vì sự cố mất điện.

Bầu Kiên kêu oan!

Theo chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính, ngày 15-4 bị cáo Trần Xuân Giá xin vắng mặt ngày 16-4, từ ngày 17-4 sẽ tham dự. Tuy nhiên, tại phiên tòa, LS Lưu Tiến Dũng, bào chữa cho Trần Xuân Giá, xuất trình đơn xin hoãn phiên tòa với chữ ký của bị cáo này vì lý do huyết áp tăng rất cao và đề nghị HĐXX căn cứ Điều 187 Bộ luật TTHS tuyên bố hoãn phiên tòa. Xung quanh vấn đề này, các LS có ý kiến khác nhau, trong đó, LS bảo vệ quyền lợi của ngân hàng ACB cho rằng, ông Trần Xuân Giá bị bệnh, việc này đã được các cơ quan chức năng kiểm tra xác nhận. Do ông Giá là cựu Chủ tịch ngân hàng ACB nên có rất nhiều câu hỏi cần đặt ra với bị cáo này và đề nghị HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.

Trong phiên buổi sáng, đại diện VKS đề nghị tiếp tục xét xử, vì phiên tòa diễn ra nhiều ngày, trong khi bị cáo Giá có thể tham dự những ngày sau. Sau đó, HĐXX cử cán bộ đi xác minh tình trạng sức khỏe của bị cáo Giá tại BV và tiếp tục phần khai mạc.

Trình bày quan điểm sau ý kiến trái chiều của các LS và đại diện VKS, Nguyễn Đức Kiên cho biết, trong 20 tháng qua, đã có nhiều đơn, nhiều lần trả lời các bản cung, đều khẳng định mình bị oan, không phạm tội. Do đó, bầu Kiên mong “tòa xử sớm để công khai cho người dân, dư luận biết, nhất là việc tôi không liên quan đến hành vi chiếm đoạt của Huỳnh Thị Huyền Như”.

Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Phòng ĐKKD thuộc Sở KH-ĐT TP HCM và TP Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự tòa vì các cơ quan này đã có ý kiến về việc cấp phép hoạt động kinh doanh cho các Cty. Đồng thời, mời đại diện của Văn phòng Chính phủ tham dự, triệu tập thêm ông Trần Mộng Hùng, ông Đỗ Duy Toàn… với tư cách nhân chứng. Cho rằng bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt không liên quan đến 3 tội danh khác của Kiên, nên bị cáo này đề nghị tòa tiếp tục xử 3 tội danh này trước.

Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị các LS kiến nghị HĐXX, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an không áp dụng biện pháp cùm chân bị cáo này trong quá trình dẫn giải. Theo bị cáo Kiên,  ngày 15-4, bị cáo này đã từ chối mặc đồng phục do trại cấp khi ra tòa vì cho rằng không có qui định nào bắt buộc phải mặc.

Nguyễn Đức Kiên cho rằng mình bị oan.     Ảnh: Hải Lý

Tư cách tham gia tố tụng chưa chính xác?

Một số LS bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên đề nghị thay đổi tư cách tham gia tố tụng của Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát vì Cty này khẳng định đã nhận lại toàn bộ số cổ phần, không còn thiệt hại, nên đề nghị HĐXX làm rõ. Đồng thời, đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ngân hàng Công thương (Viettinbank) là nguyên đơn dân sự, Huỳnh Thị Huyền Như là bị can hay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (QLVNVLQ) vì trong hồ sơ vụ án gọi là bị can, còn giấy triệu tập là người có QLVNVLQ? LS Vũ Xuân Nam còn đề nghị triệu tập đại diện các cơ quan liên quan đến việc ban hành qui định về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, mời đại diện liên ngành nội chính dự tòa. Đồng thời, LS Nam đề nghị VKS xem xét việc trong hồ sơ vụ án có 1 số chứng cứ từ hồ sơ của vụ Huỳnh Thị Huyền Như chuyển sang, có những tài liệu được xác lập trước khi khởi tố vụ bầu Kiên, nên không rõ là chứng cứ của vụ nào?

Bác đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của LS Nam, LS Phạm Thế Hùng, bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cho rằng điều này là không hợp lý, bởi kết luận điều tra, và cáo trạng đều khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của ngân hàng ACB.

Băn khoăn trước đây ngân hàng ACB được xác định là người có QLVNVLQ, nhưng khi triệu tập tham gia phiên tòa lại là nguyên đơn dân sự, LS Trương Thanh Đức không rõ ngân hàng ACB dự tòa với tư cách gì? Cùng quan điểm với LS Nam, LS Đức đề nghị xác định Vietinbank là nguyên đơn, đề nghị Vietinbank phải trả lại khoản tiền gần 719 tỷ đồng đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Cũng theo LS Đức, ngân hàng ACB đã liên tục có văn bản đề nghị được cung cấp tài liệu vụ án nhưng không được cung cấp.

Liên quan đến việc làm rõ tội danh Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, có LS đề nghị tòa triệu tập người ký Công văn số 350 ngày 17-2-2012 của Ngân hàng Nhà nước dự tòa, vì công văn này là cơ sở để CQĐT xác định các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái.

Khung cảnh làm thủ tục vào tòa sáng ngày 16-4.

Phiên tòa bị hoãn

Trước đề nghị của LS xin hoãn phiên tòa, chờ bản án có hiệu lực trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính giải thích, đây là hai vụ án độc lập, tuy nhiên có liên quan đến 719 tỷ đồng, nay tòa đã triệu tập Huyền Như ra tòa và sẽ cho đối chất, làm rõ rồi kết luận. Với đề nghị triệu tập những người liên quan của bị cáo Kiên, HĐXX cho rằng không cần thiết. Về việc xác định tư cách của ngân hàng ACB, HĐXX cũng cho rằng trong quá trình điều tra, ACB tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự. Sau đó, trong quá trình xét xử, tòa sẽ xác định rõ tư cách là nguyên đơn dân sự hay người có QLVNVLQ. Theo ông Chính, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết phải triệu tập ai, tòa sẽ triệu tập thêm.

14g chiều cùng ngày, HĐXX đã công bố kết quả xác minh tình trạng sức khỏe của bị cáo Trần Xuân Giá tại BV hữu nghị Việt Xô. Theo các bác sĩ, sức khỏe của bị cáo này vẫn tiếp tục phải điều trị, chưa thể tham dự phiên tòa. Căn cứ đơn xin hoãn và xác minh thực tế, đại diện VKS cho rằng bị cáo Giá vắng mặt có lý do chính đáng, đề nghị hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, căn cứ vào qui định của Bộ luật TTHS, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa vì bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng.

LS Đỗ Ngọc Quang, VPLS Lô-giơ-bai, bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Công thương Vietinbank cho rằng, theo Bộ luật TTHS thì thời hạn hoãn phiên tòa vì bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng là 30 ngày. Sau thời gian này, nếu ông Giá vẫn ốm thì phiên tòa vẫn được mở và xét xử bình thường. LS Quang cũng nhận định, căng thẳng nhất của phiên tòa này là ngân hàng ACB đòi Vietinbank trả khoản tiền gần 719 tỷ đồng. Với tư cách người bảo vệ cho Vietinbank, LS Quang phủ nhận đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank, phủ nhận quan điểm cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm trả cho ngân hàng ACB khoản tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt.

Theo đại diện của Vietinbank, pháp nhân khi tham gia vào bất kỳ quan hệ nào đều phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không thể trực tiếp tham gia mọi giao dịch, và họ có thể ủy quyền. Trong các vụ án, đa số các pháp nhân đều cử người đại diện theo ủy quyền tham gia và việc tham gia phiên tòa của ngân hàng Công thương Vietinbank cũng được thông qua người đại diện theo ủy quyền.
Tại phiên khai mạc, một số LS và đại diện theo ủy quyền của ngân hàng ACB đã đề nghị tòa án triệu tập thêm một số cá nhân có chức danh trong Vietinbank. Với việc đề nghị này, người đề nghị đã “đề xuất” HĐXX phải xác định tư cách tham gia tố tụng một cách trái pháp luật. Đề nghị triệu tập họ ra tòa theo chức danh của họ, chức danh do pháp nhân  trao cho họ, thì vô hình trung đang xem họ là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, điều này lại trùng lặp với tư cách ra tòa của chính pháp nhân Vietinbank, mà người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân Vietinbank đã hiển nhiên có trọng trách này.


Hải Lý

————————————–

Pháp luật & Xã hội (Pháp luật) 17-4-2014:

http://phapluatxahoi.vn/2014041711054390p1002c1019/nguyen-duc-kien-keu-oan-va-mong-duoc-xu-som.htm

(106/1.672)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,227