517. Rộng đường cho doanh nghiệp “khai sinh”

(HQ) – Thủ tục thành lập DN hiện nay ở nước ta đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Tuy vậy, trước yêu cầu mới, việc “khai sinh” DN sẽ được sửa đổi theo hướng thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho DN nắm bắt cơ hội đầu tư và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Thời gian thành lập DN sẽ được rút ngắn đáng kể. Ảnh: ST

“Được kinh doanh những gì pháp luật không cấm”

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội: Để thành lập được DN cần phải hoàn thành 11 thủ tục và để xử lý 11 thủ tục này nhanh nhất cũng phải mất 3-4 ngày. Còn theo một tính toán của Ngân hàng Thế giới năm 2013, thủ tục khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 bước với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, xếp hạng 109/189 quốc gia và nền kinh tế. Thủ tục khởi sự ở nước ta được đánh giá khó khăn hơn nhiều so với một số nước xung quanh như: Malaysia (xếp hạng 16), Thái Lan (xếp hạng 91), Singapore (xếp hạng 1)…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chấp bút xây dựng dự thảo Luật DN (sửa đổi) với mục tiêu thời gian thành lập DN xuống còn 20 ngày, và nâng xếp hạng thủ tục khởi sự kinh doanh lên khoảng bậc 50. Theo đó, dự thảo Luật DN (sửa đổi) thay đổi theo hướng kết hợp đồng thời thủ tục đăng kí DN với các thủ tục về thuế, đăng kí lao động và bảo hiểm xã hội. Giấy chứng nhận đăng kí DN không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong hồ sơ đăng kí thành lập DN tự ghi, mã hóa là trách nhiệm của cơ quan nhà nước (nếu cần).

Ông Trần Kim Hào, Tổng biên tập Tạp chí Quản lí kinh tế cho rằng: Việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng kí DN về tinh thần của pháp luật nói chung là được, nhưng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lí do không quản lí được các hoạt động kinh doanh của DN. DN hoạt động lung tung, gây cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí Kinh tế Trung ương cho rằng: Việc không ghi ngành nghề kinh doanh về bản chất là chuyển sang tư duy DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng kí. Thay đổi trong dự thảo Luật giúp DN không phải đăng kí khi thay đổi ngành nghề kinh doanh, nhằm giảm rủi ro cho DN, cả về rủi ro kinh doanh và rủi ro quản lí Nhà nước. Đồng thời giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN, giúp họ nắm bắt nhanh nhất cơ hội kinh doanh.

Đồng tình với thay đổi này, ông Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật sư Leadco kiến nghị: “Để hiện thực hóa việc sửa đổi này, dự thảo Luật DN cần có quy định để Chính phủ ban hành chi tiết ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kèm mã số các ngành đó. Như vậy, theo về hệ thống mã ngành kinh tế như hiện nay, Chính phủ sẽ ban hành hệ thống mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hệ thống này sẽ được cập nhật, sửa đổi thường xuyên để phù hợp với môi trường kinh doanh trong từng giai đoạn cụ thể”.

Có “bùng nổ” số lượng DN?

Dự thảo Luật DN kỳ vọng tạo ra môi trường thông thoáng, cởi mở hơn cho DN khai sinh, nhưng có những quy định về thành lập DN vẫn gây e ngại. Chẳng hạn dự thảo (lần 3) Luật DN sửa đổi tách bạch việc đăng kí thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng kí thành lập DN như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định…

Cơ quan soạn thảo cho biết: Luật DN 2005 yêu cầu DN khi thành lập phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lí và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng kí thành lập DN. Thực tế thi hành Luật DN cho thấy quy định nói trên đã tỏ ra không hợp lí và không có hiệu lực quản lí Nhà nước, nhưng lại gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư và thành lập DN mới.

Luật sư Đinh Nhật Quang phân tích: Nếu thực hiện sửa đổi Luật DN theo hướng này, bất kì nhà đầu tư nào cũng sẽ được thỏa mãn ngay “cơn khát” thành lập DN. Một pháp nhân mới nhanh chóng ra đời và tiến hành nộp thuế môn bài ngay sau khi đăng kí hoàn tất. Cơ quan Nhà nước ghi nhận số lượng đăng kí DN tăng lên nhanh chóng, nhưng mọi việc có phải suôn sẻ hay không?  Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi nhà đầu tư đã phải bỏ chi phí soạn thảo hồ sơ và đăng kí thành lập DN, nộp thuế môn bài, nếu họ chưa hoặc không thỏa mãn được các điều kiện tiếp theo để kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì sao? Nhà đầu tư được làm thủ tục xóa tên DN một cách đơn giản hay làm thủ tục giải thể DN phức tạp và mất thời gian của nhà đầu tư?… Vì vậy Dự thảo Luật DN sửa đổi không nên tách bạch giữa thành lập DN và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Bởi các điều kiện kinh doanh sẽ là cái sàng lọc các nhà đầu tư, để loại bỏ các nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành công việc kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song những thay đổi cơ bản trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) hứa hẹn đưa DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Tôi không cho rằng, ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN là phiền hà, vì phiền hà hay nhiêu khê là do con người, cụ thể là do bộ máy công chức Nhà nước. Dù chúng ta bỏ tất cả yêu cầu về khai báo, đăng ký, giấy phép… mà  bộ máy công chức không thay đổi cách làm thì sẽ có hàng nghìn lí do gây khó dễ cho DN. Do đó, với đề xuất không ghi ngành nghề (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện) trong Giấy chứng nhận đăng ký DN, chúng ta không nên chuyển 180 độ, từ thái cực “không quản được thì cấm” sang thái cực “muốn làm gì cũng được”.

TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Dự thảo Luật DN sửa đổi đã tách bạch giữa thành lập DN và các giấy phép kinh doanh, áp dụng các thủ tục thành lập DN, mua cổ phần, góp vốn giống nhau giữa DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa hơn nữa hồ sơ thủ tục thành lập DN. Nếu được thông qua, các quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư khi thành lập DN, giảm phiền hà trong thành lập DN cho các nhà đầu tư nước ngoài – điều mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn phàn nàn. Đặc biệt là tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Dự thảo Luật DN sửa đổi quy định “DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”. Cần phải xem lại quy định này theo hướng mở rộng các trường hợp được phép giải thể DN. Cụ thể là được phép giải thể trong trường hợp không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nhưng được các chủ nợ đồng ý cho giải thể. Nếu không mở rộng cơ chế giải thể, thì sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng DN đã “chết nhưng không được chôn” vì rất khó thực hiện được việc phá sản theo Luật Phá sản. Luật Phá sản năm 1993 và năm 2004 cũng như Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) năm 2014 đều quy định một cách chặt chẽ điều kiện và thủ tục phá sản DN. Điều này là hợp lí với thực trạng của DN và môi trường pháp lí như hiện nay, để tránh bị lợi dụng phá sản để trục lợi, lừa đảo, gian lận.

L.B (ghi)

Lương Bằng

————————————–

Hải quan (Doanh nghiệp) 23-4-2014:

http://www.baohaiquan.vn/pages/rong-duong-cho-doanh-nghiep-khai-sinh.aspx

(189/1.600)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,227