(TBKTSG) – Cấp đổi giấy phép là một trong những hành động cụ thể đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ làm để bịt lại những lỗ hổng về pháp lý, cơ chế cho các tổ chức tín dụng sau vụ án “bầu Kiên” và trước nguy cơ “phạm tội” kinh doanh trái phép.
hiếu theo quan điểm của cơ quan quản lý, những hoạt động nghiệp vụ không được ghi trong giấy phép và không có hướng dẫn của cơ quan quản lý thì tổ chức tín dụng không được làm. Ảnh: TƯỜNG NGUYÊN
Mới đây, NHNN đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15-12-2011 của Thống đốc NHNN quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng để lấy ý kiến đóng góp. Nhân dịp này, thử tìm hiểu hiện trạng về giấy phép của các ngân hàng.Chiếu theo quan điểm của cơ quan quản lý, những hoạt động nghiệp vụ không được ghi trong giấy phép và không có hướng dẫn của cơ quan quản lý thì tổ chức tín dụng không được làm. Ảnh: TƯỜNG NGUYÊN
Các ngân hàng đều đang…“kinh doanh trái phép”
“90% hoạt động ngân hàng hiện nay là kinh doanh trái phép. Từ mua bán trái phiếu doanh nghiệp, dịch vụ gửi, giữ tiền gửi đồ quý hiếm, ủy thác cho vay, chiết khấu chứng từ theo L/C của khách hàng xuất nhập khẩu… bởi nếu chiếu theo quan điểm của cơ quan quản lý ngành ngân hàng và cơ quan thi hành luật pháp được thể hiện qua vụ xử án “bầu Kiên” thì những hoạt động nghiệp vụ không được ghi trong giấy phép và không có hướng dẫn của cơ quan quản lý thì tổ chức tín dụng không được làm. Chiếu theo thực tế hiện hành, các ngân hàng đều đang kinh doanh trái phép tại hầu hết các hoạt động”, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.
Đơn cử như hoạt động thông thường nhất của các tổ chức tín dụng: huy động và cho vay vốn. Vì giấy phép cấp cho ngân hàng là giấy phép chung. Theo Luật Doanh nghiệp mới sửa đổi, các hoạt động cụ thể của ngân hàng cần được đăng ký lại theo danh mục hoạt động, tức đúng ra các ngân hàng đều phải đăng ký lại từng hoạt động nhưng chưa có ngân hàng nào thực hiện việc này, nếu bị bắt bẻ là hoạt động kinh doanh trái phép, ngân hàng cũng chịu.
Từ trước tới nay, theo tinh thần của Hiến pháp, theo thông lệ nhiều nước, các ngân hàng vẫn tự hiểu rằng cái gì luật không quy định thì doanh nghiệp (trong đó có tổ chức tín dụng) được làm. Nhưng tại vụ án bầu Kiên vừa qua, cơ quan thi hành luật đã thể hiện quan điểm, tổ chức tín dụng chỉ được làm những gì ghi trên giấy (cụ thể là giấy phép của ngân hàng và những văn bản liên quan).
Thực ra, trước đó, điều này được tranh cãi gay gắt khi Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 được sửa đổi. Nhiều ý kiến các ngân hàng, luật sư đã phản đối điều 90 của luật này, nhưng cuối cùng giới làm nghề phải chịu “thua”. Điều 90 quy định: TCTD không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép được NHNN cấp cho tổ chức tín dụng; các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại luật này thực hiện theo hướng dẫn của NHNN.
Song, những hướng dẫn của luật đã không kịp thời, và điều này khiến các ngân hàng đã và đang việt vị trong hoạt động của mình. Rõ ràng nhất là việc kinh doanh trái phép liên quan đến một số nhân vật từng lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Đến nay, “tội kinh doanh trái phép như bóng ma trùm lên các ngân hàng, làm cả hệ thống run sợ, ngưng trệ nhiều hoạt động bởi các ngân hàng sợ bị sờ đến, bị phạt, hay bị bắt bất cứ khi nào. Hiện đã có những ngân hàng không dám cho vay mua trái phiếu hay bán nợ và cả những hoạt động vốn coi là thông thường… Luật các TCTD cho phép ngân hàng bán nợ cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân nhưng hiện không ngân hàng nào dám làm vì hoạt động này không được ghi trong giấy phép thì bị hiểu là kinh doanh trái phép”, luật sư Trương Thanh Đức, đã và đang tham gia tư vấn pháp lý cho nhiều ngân hàng chia sẻ.
Vì sao nên nỗi?
Thứ nhất, hệ thống giấy phép hoạt động của TCTD nhiều năm qua không có chuẩn chung, thiếu nhất quán và thậm chí thiếu rõ ràng khiến các ngân hàng gặp không ít khó khăn.
Chỉ những nhóm ngân hàng ra đời cùng một thời kỳ gần nhau mới có kiểu giấy phép giống nhau. Mẫu và nội dung giấy phép do NHNN cấp từng thời kỳ có sự khác nhau cơ bản. Ví dụ, giấy phép của Ngân hàng TMCP Hàng hải, ACB là những giấy phép cấp năm 1991, giấy phép vẫn còn được viết tay.
Đến nay, “tội kinh doanh trái phép như bóng ma trùm lên các ngân hàng, làm cả hệ thống run sợ, ngưng trệ nhiều hoạt động bởi các ngân hàng sợ bị sờ đến, bị phạt, hay bị bắt bất cứ khi nào. Hiện đã có những ngân hàng không dám cho vay mua trái phiếu hay bán nợ và cả những hoạt động vốn coi là thông thường…”, luật sư Trương Thanh Đức, đã và đang tham gia tư vấn pháp lý cho nhiều ngân hàng chia sẻ. |
Ông Đức cho biết, theo quan điểm của Luật các TCTD, “không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép được NHNN cấp” thì căn cứ trên giấy phép của Ngân hàng Hàng hải thì họ chỉ hoạt động hợp pháp… 1%. Vì thế, ngoài giấy phép chính số 0001/NH-GP ngày 8-6-1991 ngân hàng này đến nay còn có thêm tới 10 giấy phép phụ khác (như kinh doanh đối ngoại, kinh doanh vàng bạc, dịch vụ cầm đồ, bao thanh toán, ngoại hối trong nước, ngoại hối quốc tế, giao dịch phái sinh hàng hóa, mua bán trái phiếu doanh nghiệp…).
Chưa hết, ngân hàng đã và đang, sẽ phải xin phép các nghiệp vụ như phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác, ủy thác, nhận ủy thác ngoài cho vay, đại lý liên quan đến ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài sản, lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng… Các hoạt động này gây khó khăn và phiền toái cho ngân hàng rất nhiều bởi lắt nhắt, mất nhiều lần đi lại, đội thêm nhiều giấy phép con mà thực chất, chúng không có trong số 249 thủ tục hành chính.
Thậm chí, giấy phép của Hàng hải còn thiếu một chữ “joint” trong cụm từ “joint stock” (cổ phần) khiến bất cứ thương vụ nào với nước ngoài, ngân hàng đều phải xin NHNN một tờ giấy xác nhận rằng giấy phép gốc viết như vậy nếu không đối tác nước ngoài không chấp nhận.
Trong giấy phép cấp cho Ngân hàng Hàng hải chỉ ghi hai câu rất ngắn gọn như sau: “Nội dung hoạt động: Các nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại cổ phần bằng tiền đồng. Nghiệp vụ đối ngoại theo giấy phép riêng”. Nhiều ngân hàng khác, được thành lập theo Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990 và theo kiểu giấy phép như của Ngân hàng Hàng hải sẽ phải xin phép lại gần như toàn bộ các hoạt động.
Việc làm thiếu nhất quán của cơ quan quản lý ngành còn gây ra sự bất công giữa các TCTD. Ngân hàng càng hoạt động lâu năm, đã có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ và quản lý, thì lại càng phải xin phép nhiều hoạt động. Ngược lại, ngân hàng mới được thành lập sau này, thì chẳng phải xin phép bởi vì trong giấy phép được ghi gần như đầy đủ các nội dung liên quan đến mọi hoạt động theo Luật các TCTD năm 1997.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, điều đáng sợ hơn đối với các ngân hàng, thực trạng này chính là những cái “bẫy” khiến ngân hàng vướng vòng lao lý. “Nếu việc cấp lại giấy phép này được làm sớm thì một số lãnh đạo ACB đã không phạm tội kinh doanh trái phép”, ông Đức nói.
Giá như…
Với dự thảo thông tư mới được NHNN công bố, các ngân hàng nói rằng họ không bất ngờ mà chỉ tiếc là giá như điều này được thực hiện sớm hơn.
Bản thân lãnh đạo các ngân hàng tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, trao đổi với cơ quan quản lý các năm qua đã kiến nghị về việc nên đồng bộ hóa văn bản pháp quy cho hoạt động ngân hàng thương mại, trong đó cơ bản là đồng bộ hóa hệ thống giấy phép và các quy phạm trên văn bản chính thức cấp cho các ngân hàng.
Bởi cơ quan quản lý hiểu rõ, nếu không sẽ tiếp tục còn những “bầu Kiên” khác.
Tổng giám đốc một ngân hàng bày tỏ: “Giấy phép ngân hàng giống như giấy khai sinh một con người. Nó lệch chuẩn, chúng tôi rất khổ. Chúng tôi vẫn thắc mắc, tại sao chỉ có duy nhất tại Việt Nam có Vụ cấp phép trong NHNN (vụ này hiện thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát) mà điều cơ bản lại không được giải quyết”
Hồng Phúc
——————
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Ngân hàng) 26-6-2014:
http://www.thesaigontimes.vn/116696/Giay-phep-va-su-viet-vi-cua-cac-ngan-hang.html
(703/1.696)