Sự liên quan giữa quy định về giao dịch bảo đảm và bảo đảm tiền vay
(ANVI) – Việc cho vay có bảo đảm là điều kiện sống còn đối với các Ngân hàng thương mại, là yếu tố quyết định sự an toàn vốn trong kinh doanh tiền tệ. Sự bảo đảm tiền vay có thể là bằng tài sản hoặc không bằng tài sản. Kể cả trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, thì vẫn phải có những sự bảo đảm khác, như phương án kinh doanh phải có khả năng hoàn trả vốn vay, được Nhà nước bù chênh lệch lãi suất hoặc xoá nợ,…
Việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản và không có bảo đảm đã được Điều 52, Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) chính thức ghi nhận và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành.
Hiện nay, có hai cách hiểu, hai quan điểm về Nghị định 165/1999/NĐ-CP: Có áp dụng và không áp dụng cho việc bảo đảm tiền vay của Ngân hàng.
Quan điểm cho rằng Nghị định 165/1999/NĐ-CP cũng được áp dụng cho việc bảo đảm tiền vay của Ngân hàng dựa trên lập luận: Hợp đồng tín dụng chẳng qua cũng chỉ là một hợp đồng kinh tế hoặc một hợp đồng dân sự, cho nên việc cho vay và giao dịch bảo đảm trong cho vay của các Ngân hàng cũng hoàn toàn tuân theo hai loại quy định chung về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật Dân sự và hợp đồng kinh tế (vay vốn) trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Trong khi đó, khoản 2, Điều 1 của Nghị định 165/1999/NĐ-CP cũng đã quy định rõ: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác, Nghị định này cũng được áp dụng đối với việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trong giao dịch kinh tế, thương mại”. Đồng thời Nghị định này cũng thay thế cho các quy định tương ứng tại Điều 2, Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.
Và khoản 1, Điều 42 của Nghị định 165/1999/NĐ-CP cũng quy định, Ngân hàng Nhà nước là một trong các cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành. Nếu không phải là hướng dẫn liên quan đến việc bảo đảm tiền vay thì cần gì phải ghi đích danh như vậy?
Ngoài ra, Nghị định 165/1999/NĐ-CP cũng có các quy định mà lâu nay vẫn được coi là đặc trưng của ngành Ngân hàng, như việc nhận tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tài sản hình thành trong tương lai (tài sản hình thành từ vốn vay, một quy định cũng chưa được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự). Hơn thế nữa, Nghị định này còn được ban hành cùng ngày và liền số thứ tự với Nghị định về Chế độ tài chính đối với các TCTD.
Như vậy, có cơ sở để cho rằng việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh vay vốn Ngân hàng cũng phải thực hiện theo Nghị định 165/1999/NĐ-CP, cũng như trước kia, bên cạnh các quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đồng thời thực hiện Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 và Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, mà hiện nay đã được thay thế bằng các quy định trong Bộ luật Dân sự.
Nếu như áp dụng Nghị định này vào quan hệ tín dụng ngân hàng, thì hầu như không có điểm nào thuận lợi hơn mà chỉ có khó khăn, vướng mắc thêm. Đặc biệt là, có những vấn đề mấu chốt bất hợp lý nếu áp dụng Nghị định 165/1999/NĐ-CP vào việc bảo đảm tiền vay Ngân hàng như sau:
Thứ nhất, hoạt động Ngân hàng nói chung và việc cấp tín dụng nói riêng là một lĩnh vực đặc thù, đã được điều chỉnh riêng bằng Luật các TCTD nhưng Nghị định 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 lại chỉ căn cứ vào Bộ luật Dân sự mà lại không căn cứ vào Luật các TCTD. Ngay từ vấn đề có tính nguyên tắc chung cũng khác nhau, đó là cho vay thương mại hay dân sự đều không bắt buộc phải có bảo đảm bằng tài sản, trong khi đó cho vay của Ngân hàng, tuy cũng là một hợp đồng kinh tế hoặc dân sự (hiểu theo nghĩa rộng thì còn là một hợp đồng trong lĩnh vực thương mại), nhưng pháp luật lại quy định phải có tài sản bảo đảm. Vì vậy, việc bảo đảm tiền vay cần phải được xử lý riêng, chứ không thể cho rằng giao dịch bảo đảm trong nghiệp vụ cho vay của Ngân hàng cũng như giao dịch bảo đảm trong các hoạt động cho vay khác trong kinh tế (thương mại) và dân sự. Chẳng hạn, các loại cho vay khác chỉ cần thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Nghị định 165/1999/NĐ-CP là “Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm”, nhưng cho vay của Ngân hàng như thế thì rất nguy hiểm vì cần một giới hạn cụ thể và an toàn cao hơn.
Thứ hai, hợp đồng tín dụng của các Ngân hàng không những có rất nhiều đặc thù rất cơ bản, vượt ra ngoài các nguyên tắc và khuôn khổ quy định của hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế mà còn có những vấn đề còn được lấy làm căn cứ để ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế (thương mại). Một trong những ví dụ điển hình, đó là hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế lấy lãi suất cho vay và lãi suất quá hạn của hợp đồng tín dụng (do Ngân hàng Nhà nước quy định) làm cơ sở để xác định tính hợp pháp của các thoả thuận về lãi suất cho vay và áp dụng lãi suất khi có sự vi phạm nghĩa vụ thanh toán (Điều 13, Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990; Điều 233, Luật Thương mại; các Điều 313 và 473, Bộ luật Dân sự,…).
Thứ ba, cũng do tầm quan trọng và tính đặc thù của hoạt động kinh doanh tiền tệ, nên các quy định về bảo đảm tiền vay phải đạt được mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn vốn vay, hỗ trợ các Ngân hàng nhanh chóng, dễ dàng trong việc xử lý, thu hồi nợ gốc và lãi thông qua các tài sản bảo đảm, nhất là trong thời kỳ hiện nay. Những điều này không thể có được trong Nghị định 165/1999/NĐ-CP. Để nâng cao sự an toàn trong hoạt động cho vay, Ngân hàng cần được pháp luật tạo điều kiện thuận lợi hơn, có quyền rộng hơn thì mới tương ứng với trách nhiệm nặng nề phải đảm nhận, trong đó có trách nhiệm hình sự nếu vi phạm các quy định về bảo đảm tiền vay đã được đưa vào Bộ luật Hình sự mới (sẽ có hiệu lực từ 1-7-2000).
Tóm lại, Nghị định 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 về Bảo đảm tiền vay có nhiều quy định khó có thể chấp nhận đối với hoạt động cho vay của Ngân hàng. Vì vậy, theo chúng tôi việc cầm cố, thế chấp và bảo lãnh trong nghiệp vụ cấp tín dụng của các Ngân hàng không phải thực hiện theo các quy định của Nghị định này. Hơn bao giờ hết, hiện nay càng cần có một Nghị định về bảo đảm tiền vay để áp dụng cho ngành Ngân hàng, trong đó cần khắc phục được những hạn chế, vướng mắc nói trên.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
______
Hải Phòng 1-2000