(ST) – Mâu thuẫn trong tư cách dự tòa của Ngân hàng ACB; Tạm giam ông Phạm Trung Can có hợp lí?; Tách hồ sơ vụ ông Trần Xuân Giá là những những băn khoăn pháp lý được gợi mở trước ngày xét xử vụ án “bầu” Kiên.
Ông Trần Xuân Giá (trái), ông Nguyễn Đức Kiên và ông Phạm Trung Cang
Phiên tòa xét xử ‘bầu’ Kiên và đồng phạm dự kiến tiếp tục mở lại vào ngày 20/5, kéo dài đến ngày 5/6. Mâu thuẫn trong tư cách dự tòa của ngân hàng ACB; Tạm giam ông Phạm Trung Can có hợp lí?; Tách hồ sơ vụ ông Trần Xuân Giá là những điểm đặc biệt quan tâm trước ngày mở lại phiên tòa xét xử ‘bầu’ Kiên và đồng phạm. Liên quan đến các vấn đề trên, Thời báo Đông Nam Á đã nhận được nhiều chia sẻ từ các chuyên gia pháp lý.
Mâu thuẫn trong tư cách dự Tòa của Ngân hàng ACB
Chia sẻ với Seatimes, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng ACB trong đại án ‘bầu’ Kiên cho biết: “Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rất chính xác và chặt chẽ về tư cách tham gia tố tụng những người tiến hành, những người tham gia tố tụng, trong đó có bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự. Tuy nhiên, trong đại án ‘bầu’ Kiến, giấy triệu tập Tòa lại ghi tư cách của ACB một khác và quyết định xét xử lại ghi một khác. Bản thân Ngân hàng ACB trước sau vẫn khẳng định mình không phải là Nguyên đơn dân sự. Cho nên khi khai mạc phiên tòa trước đó, chúng tôi yêu cầu Tòa làm rõ điều này. Tòa án đã trả lời rằng: ACB sẽ được xác định là Nguyên đơn dân sự. Tất nhiên, Tòa cũng nói thêm rằng trong quá trình xét xử, quá trình tố tụng có thể xem xét lại, thay đổi tư cách của Ngân hàng ACB, còn hiện nay Tòa tạm xác định Ngân hàng ACB là Nguyên đơn dân sự”.
Luật sư cũng chia sẻ: “Theo quy định của pháp luật thì những pháp nhân như ngân hàng ACB không thể là bị cáo mà chỉ có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự. Trong trường hợp này Ngân hàng ACB không thể là bị đơn mà chỉ có thể là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, luật cũng quy định rất rõ, muốn là Nguyên đơn dân sự thì phải có 2 điều kiện: Phải là người bị tội phạm gây ra thiệt hại và phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp của ACB, từ đầu đến cuối, các công văn gửi cho Tòa khẳng định rất rõ ACB không bị các tội phạm gây ra thiệt hại, không bị thiệt hại vì các bị cáo trong vụ án này và ACB chưa bao giờ có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy là thiếu cả 2 điều kiện để Ngân hàng ACB trở thành Nguyên đơn dân sự. Cho nên là lúc khai mạc phiên tòa hay sau này, chắc chắn ACB sẽ tiếp tục khẳng định mình không phải là Nguyên đơn dân sự”.
Tạm giam ông Phạm Trung Can có hợp lí?
Ngày 2/5, TAND TP.Hà Nội đã chuyển hình thức ngăn chặn tại ngoại đối với Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn sang tạm giam để phục vụ công tác xét xử đại án ‘bầu’ Kiên và đồng phạm.
Theo quan điểm luật sư Nguyễn Thế Truyền, công ty luật Hợp Danh Thiên Thanh, luật sư cho rằng việc bắt tạm giam ông Phạm Trung Cang và 3 bị can tại thời điểm này cũng không thật sự hợp lý. Luật sư Truyền chia sẻ: “Vì vụ án bầu Kiên đang là tâm điểm của dư luận, việc có ý kiến hợp lý hay không hợp lý có lẽ cũng chỉ là những nhận định, quan điểm đa chiều của một sự việc. Theo cá nhân tôi, việc bắt tạm giam 4 bị can tại thời điểm này cũng không thật sự hợp lý. Bản thân các bị can này hiện đã có các bản cung, lời khai đầy đủ. Việc hoãn xử với lý do bị can Trần Xuân Giá đang điều trị bệnh, không phải lý do liên quan đến 4 người này, cả 4 người này trong suốt thời gian diễn ra vụ án không hề có sự trốn tránh cơ quan tiến hành tố tụng. Chưa kể các tình tiết khác như lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, đều là những người có trình độ, có nơi cư trú rõ ràng.
Vậy nên, việc tòa án Hà nội sử dụng biện pháp tạm giam để đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng, dân chủ, là việc cần phải làm khi cho rằng việc đó là cần thiết. Tuy nhiên, cũng nên xem xét đến những phản ứng của dư luận. Một bản án sẽ tuyên, phải thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng cũng cần lắm sự đồng thuận của xã hội, có như vậy bản án mới mang được tính răn đe, giáo dục và đặc biệt sẽ có hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến với người dân thông qua việc xét xử của mình”.
Tách hồ sơ vụ ông Trần Xuân Giá?
Liên quan đến việc ông Trần Xuân Giá đã có đơn và nhiều khả năng không thể dự phiên tòa, có ý kiến cho rằng có thể tách vụ án của ông Giá ra để xét xử riêng. Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp trình bày quan điểm: “Trước hết, việc tách vụ án hình sự là thẩm quyền của cơ quan điều tra và phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật tố tụng hình sự: “Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong các trường hợp thật cần thiết, khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.
Như vậy, nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra có thể xem xét việc tách vụ án dựa trên quy định pháp luật nêu trên. Tuy nhiên, hiện nay vụ án “bầu” Kiên đã được Tòa án đưa ra xét xử, thẩm quyền giải quyết vụ án không còn thuộc về cơ quan điều tra nữa mà thuộc về Tòa án theo thủ tục quy định tại “Phần thứ ba” Bộ luật tố tụng hình sự. Giai đoạn xét xử không có quy định về tách vụ án hình sự.
Theo đó, nếu ông Trần Xuân Giá vẫng vắng mặt trong buổi làm việc tới đây của Tòa án mặc dù đã được triệu tập hợp lệ thì Tòa án sẽ áp dụng Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự để giải quyết và sẽ xảy ra các trường hợp sau đây:
– Nếu ông Trần Xuân Giá vắng mặt không có lý do chính đáng và việc vắng mặt ông Trần Xuân Giá sẽ trở lại cho quá trình xét xử thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu ông Trần Xuân Giá bỏ trốn thì sẽ bị truy nã…
– Nếu sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không trở ngại cho việc xét xử và ông Trần Xuân Giá đã được giao giấy triệu tập hợp lệ thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt;
– Nếu có căn cứ xác định ông Trần Xuân Giá bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự để tạm đình chỉ vụ án cho đến khi ông Trần Xuân Giá khỏi bệnh.
Việc xác định bệnh tình hiện nay của ông Trần Xuân Giá có là bệnh hiểm nghèo hay không phải căn cứ và hồ sơ bệnh án và ý kiến trực tiếp của bác sĩ đang điều trị cho ông Giá.”
Tuệ Nhi
————————————-
Seatimes (Góc Luật sư) 16-5-2014:
http://seatimes.com.vn/vu-bau-kien-diem-lai-van-de-phap-ly-truoc-ngay-xet-xu-0191347.html
(401/2.448)