(CT) – Hoạt động cho vay với lãi suất cao bên ngoài các ngân hàng, tổ chức tín dụng -tín dụng “đen” đã tồn tại từ lâu và hoạt động âm thầm. Nhưng gần đây, loại hình này đang “bành trướng” mạnh hơn khi công khai quảng cáo tại nhiều địa điểm công cộng tại các thành phố lớn.
Tín dụng “đen” hiên ngang trên cột đèn giữa Thủ đô
CôngThương – Ngày càng công khai
Nếu như trước đây, các chủ cho vay thường quảng bá dịch vụ của mình bằng cách truyền miệng, rỉ tai hoặc qua mạng internet, thì gần đây, để thu hút khách, họ đã “ào” ra phố, “trèo” lên cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông với những lời quảng cáo hấp dẫn, như: “Không thế chấp, chỉ cần hồ sơ phô tô”; “Lãi suất thấp nhất hiện nay, giải ngân chỉ trong 2 ngày” hay “Cấp vốn sinh viên chỉ cần có thẻ sinh viên và Chứng minh thư hoặc giấy phép lái xe”…Và để tạo niềm tin, họ tự giới thiệu là những tổ chức “khủng” như: Tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng hay ngân hàng 100% vốn nước ngoài…
Phóng viên đã liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo treo trên cột điện. Đầu dây bên kia, giọng nữ vồn vã hỏi: “Anh vay bao nhiêu? Vay bao lâu? Nhà anh ở đâu?…”. Nhưng khi được hỏi: “Lãi suất thế nào?” Người trả lời khéo léo: “Anh cứ đến cửa hàng cầm đồ tại địa chỉ … để trao đổi, lãi suất tùy thuộc vào số tiền và thời gian vay nhưng thấp thôi, chỉ khoảng 2-3 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày”.
Trao đổi với một cán bộ ngân hàng, anh này khẳng định, không có ngân hàng nào quảng cáo bằng cách treo mảnh giấy bé tẹo lên cột điện hay cột đèn tín hiệu giao thông và cũng không có cán bộ ngân hàng nào mập mờ thông tin với khách hàng như thế. Vậy là đã rõ!
Không ít người đi vay đã không thể trả được nợ, bởi với lãi suất cao như vậy không có cách kinh doanh nào có thể bù đắp. Và “lãi mẹ đẻ lãi con”, khoản nợ không ngừng tăng lên, đến thời điểm không thể chi trả sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. |
Cần thận trọng!
Theo tìm hiểu của phóng viên, khách hàng của loại dịch vụ tín dụng “đen” chủ yếu là sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động… Bởi, theo một chủ tiệm cầm đồ ở quận Hà Đông, TP. Hà Nội, đây là những người có thu nhập không ổn định, thường không có kế hoạch tài chính dài hạn nên dễ phát sinh nhu cầu vay “nóng”. Hơn nữa, họ cũng ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay và ít quan tâm đến cách tính lãi mà các chủ cho vay đã khôn khéo chuyển từ cách tính% sang tính con số.
Cụ thể, với mức lãi suất từ 2.000 – 3.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 72- 108%/năm), thậm chí có thể lên đến 5.000- 7.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 180 – 250%/năm). Nếu vay 50 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Số tiền lãi 1 ngày là 150 nghìn đồng; 1 tháng là 4,5 triệu đồng và sau 5 tháng là 22,5 triệu, gần bằng một nửa số tiền gốc. Sau 5 tháng, nếu người vay không trả được gốc và lãi thì lãi phát sinh sẽ được cộng vào gốc (bằng 72,5 triệu đồng) và tiếp tục tính lãi như cách trên.
Một điều mà chỉ người trong ngành ngân hàng mới biết là, hầu hết các chủ cho vay đều có một đội quân đòi nợ thuê rất manh động và liều lĩnh. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người vay bị xiết nợ một cách tàn nhẫn dẫn đến thương tích, thậm chí tử vong.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội ngân hàng Việt Nam)- cho biết, theo quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự, trong giao dịch tín dụng, lãi suất cho vay không được quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Đối chiếu với quy định này, các mức lãi suất như trên đều có thể được xếp vào hành vi cho vay nặng lãi.
Thiết nghĩ, những cá nhân, tổ chức có nhu cầu vốn cần thận trọng với những lời quảng bá “có cánh” từ dịch vụ tín dụng “đen” để không rơi vào “vòng xoáy” đầy hiểm nguy này.
Hoàng Châu
———————————
Công thương (Pháp luật) 22-5-2014:
http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-sang-toi/54870/ngan-hang-tren-cot-dien.htm#.U32bHdKSybM
(86/813)