(KTSG) – Luật sư đại diện cho Ngân hàng ACB là ông Trương Thanh Đức đã nhiều lần nhấn mạnh việc ngân hàng này không chấp thuận ngồi vào ghế nguyên đơn dân sự trong vụ án bầu Kiên vì chưa bị thiệt hại và đang khởi kiện Vietinbank để đòi 718 tỉ đồng.
Ngân hàng Vietinbank bị Ngân hàng ACB khởi kiện để đòi lại khoản tiền 718 tỉ đồng Ảnh: TL
Cũng như tại vụ án xét xử Huyền Như trước đó, ngân hàng ACB xác định Vietinbank mới là bên phải trả số tiền mà ACB ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng này gửi tại Vietinbank, sau đó Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt.
Do Vietinbank chưa trả tiền, ACB chưa thiệt hại nên không thể xác định các thành viên HĐQT ngân hàng ACB phạm tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng.
Ông Đức cho biết, trong phần bào chữa ngày 29-5 là ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank trả tiền. “ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án”, ông nói. Vì theo ông ACB có căn cứ khẳng định chưa bị thiệt hại và không yêu cầu các cá nhân gửi tiền phải bồi thường. Do vậy, xác định ACB là bị hại trong vụ này là vi phạm pháp luật.
Ông Kiên, ông Hải kêu oan
Liên quan đến phần bào chữa cá nhân, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã trình bày tại tòa một lá đơn kêu oan tới nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước vì cho rằng, mình không vi phạm bốn tội danh mà cáo trạng nêu. Các bị can khác cũng đề nghị tòa phải xem xét lại các tội danh bị buộc.
“Trên đường dẫn giải, tôi được nghe Đài TNVN về nội dung làm việc của Quốc hội, trong đó có nội dung xóa bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện. Nếu Quốc hội thông qua thì đây là một sự hàm ơn lớn nhất đối với tôi”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên phát biểu trong phần tự bào chữa tại phiên tòa.
Tuy nhiên, chính xác là Chính phủ đang trình Quốc hội sửa Luật doanh nghiệp theo hướng không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Ông Kiên cho rằng ông không phạm cả 4 tội danh: lừa đảo, kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái các quy định của nhà nước. “Khi nhận được lệnh bắt vì tội kinh doanh trái phép, trời đất như sụp đổ”, ông Kiên nói lại cảm giác của mình và cho rằng không kinh doanh trái phép, không làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ của đất nước.
Ông Kiên chứng minh các công ty của mình không kinh doanh tài chính mà đầu tư bằng hình thức mua cổ phần vào các ngân hàng khác theo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư.
Ba công ty ACBI, ACI và B&B mà ông là cổ đông lớn phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng ACB, theo lập luận của bị cáo là không tạo ra tiền ảo mà thực hiện các bước đi đúng quy định: “Không phải vốn ảo mà là vốn thật góp vào các ngân hàng nhằm đảm bảo cho các ngân hàng tăng kịp vốn điều lệ theo quy định của NHNN trước năm 2010”, ông này giải thích.
Sau đó, ông Kiên tiếp tục chứng minh việc không phạm tội trốn thuế, cố ý làm trái và đặc biệt là có nhiều hành động chứng tỏ không lừa đảo, kèm theo các bằng chứng cụ thể. Theo lời ông, Viện kiểm sát đã không nêu đến văn bản của Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát có nội dung không ty này không tố cáo, khởi kiện hay yêu cầu đền bù thiệt hại. Công ty này cũng xác nhận sai sót là do nhân viên bên Hòa Phát gây ra nhưng điều đó không được đưa vào bản luận tội.
Các bị cáo khác như ông Lý Xuân Hải đều khẳng định mình không làm trái vì Nghị quyết của HĐQT ACB mà ông là Tổng giám đốc không có chủ trương đầu tư vào cổ phiếu ACB, thậm chí ông đã phản đối dữ dội khi phát hiện ra việc này như những gì Công ty kiểm toán PWC đã trình bày trước tòa. “Tôi không làm sao bắt tôi phải chịu trách nhiệm”.
Đặc biệt, ông Hải yêu cầu Vietinbank trả lại cho ACB khoản tiền gửi 718 tỉ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Lan Nhi
————————————-
Kinh tế Sài Gòn (Sự kiện) 29-5-2014:
(210/819)