526. Xung quanh việc ngân hàng “thâu tóm” các công ty tài chính: Cần xóa bỏ các công ty tài chính ở các DNNN

(PL) – Xu thế sáp nhập các tổ chức tín dụng không chỉ xảy ra với các công ty tài chính, mà chính các ngân hàng cũng đang không tránh khỏi. Nếu sáp nhập theo cách giải thể công ty để nhập chung vào ngân hàng thì hai bên cũng chẳng có lợi lộc gì đáng kể. Nếu chuyển thành công ty con của ngân hàng, thì công ty có được chỗ dựa vững mạnh, đồng thời ngân hàng cũng mở thêm được một kênh bán hàng để tận dụng lợi thế về nhân sự, mạng lưới, công nghệ, cơ sở khách hàng,… Đó là nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI với phóng viên Tạp chí Pháp lý xung quanh việc hàng loạt ngân hàng “thâu tóm” các công ty tài chính trong thời gian qua.

Nhiều công ty tài chính hoạt động kém hiệu quả

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Phóng viên: Hiện nay, ở nước ta có khoảng 17 công ty tài chính, thì có tới 12 công ty có liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này?     Luật sư Trương Thanh Đức: Hiệu quả không cao, vì các công ty này không thực sự cạnh tranh, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là tập trung phục vụ nội bộ, đóng vai trò gần như một đơn vị quản lý, điều hòa nguồn vốn của tập đoàn, tổng công ty. Vì tính cạnh tranh kém, nên tất yếu dẫn đến hiệu quả không cao, nhất là chính nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng đạt hiệu quả thấp.

Khác với ngân hàng, theo quy định, các công ty tài chính chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ cho vay, đầu tư… thay vì toàn bộ các nghiệp vụ như các ngân hàng thương mại. Điều này đã hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn của những định chế này. Vậy, theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính khiến các công ty tài chính hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả?

Công ty tài chính chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ là hoàn toàn hợp lý. Nếu công ty tài chính được thực hiện các hoạt động như ngân hàng, thì nó sẽ không còn là công ty tài chính nữa. Đặc điểm quan trọng nhất của công ty tài chính là không được phép huy động vốn rộng rãi từ công chúng. Nguyên nhân chính khiến các công ty tài chính hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả là do bối cảnh thị trường không thuận (như lạm phát cao triền miên, dẫn đến rất khó huy động được nguồn vốn dài hạn trên thị trường), do chính sách sai lầm khi cho phép thành lập công ty tài chính thuộc tập đoàn, tổng công ty và do chiến lược phát triển duy trì theo kiểu “đóng cửa” của các công ty tài chính.

Vậy, có phải vì thế mà thời gian qua việc các Công ty tài chính sáp nhập vào các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng? Theo ông, việc sáp nhập này sẽ đem lại lợi ích gì cho các ngân hàng và các công ty tài chính?

Xu thế sáp nhập các tổ chức tín dụng không chỉ xảy ra với các công ty tài chính, mà chính các ngân hàng cũng đang không tránh khỏi. Nếu sáp nhập theo cách giải thể công ty để nhập chung vào ngân hàng thì hai bên cũng chẳng có lợi lộc gì đáng kể. Nếu chuyển thành công ty con của ngân hàng, thì công ty có được chỗ dựa vững mạnh, đồng ngân hàng cũng mở thêm được một kênh bán hàng để tận dụng lợi thế về nhân sự, mạng lưới, công nghệ, cơ sở khách hàng,… Nhưng nguyên nhân chính là do chủ trương của nhà nước trước tình hình hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tồn tại, yếu kém, là bài toán nhằm tránh giải thể, phá sản, chứ không thật sự vì lợi ích. Những việc mà ngân hàng đang làm thì công ty tài chính không làm được. Những việc mà công ty tài chính đang làm thì ngân hàng có thừa khả năng làm. Theo pháp luật thì ngân hàng được phép, thậm chí phải thành lập công ty tài chính để thực hiện một số hoạt động kinh doanh.  Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước không cấp phép thành lập công ty tài chính, nên các ngân hàng thương mại đành phải “dùng món sẵn có”.

Sáp nhập không lo làm tăng nợ xấu

Trả lời báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM khẳng định, tính đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính và cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt là 21,96% và 37,53%. Hơn nữa, nhiều công ty tài chính cho vay với lãi suất lên tới 80- 120%/năm, vay tiền bắt mua bảo hiểm, dùng xã hội đen đòi nợ…, gây nhiều tai tiếng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

HD Bank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale

Điều đó càng chứng tỏ quan điểm, lẽ thường thì ngân hàng không “dại” gì mà nhận “nuôi” công ty tài chính với tình trạng sức khỏe như vậy. Sòng phẳng ra, thì các công ty tài chính phải tự khắc phục yếu kém để tồn tại hoặc phải tính đến con đường giải thể, phá sản. Nhưng nếu thế, thì hệ thống tài chính lại có nguy cơ “tuyệt chủng” các công ty tài chính và đó lại là chuyện không hợp lý, kiểu như “mất cân bằng giới tính” hay “mất cân bằng sinh thái”. Và cũng chính từ thông tin đó, còn cho thấy một phép tính nữa là, tự bản thân các ngân hàng, thì khó lòng có thể cho vay với mức lãi suất ngất ngưởng, nhưng nếu nhận thêm “đứa con” công ty tài chính thì lại rất dễ dàng đạt được mục tiêu cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng.

Một  số chuyên gia lo ngại: Các ngân hàng mua công ty tài chính, liệu các cơ quan chức năng có giám sát được việc ngân hàng lấy tiền huy động lãi suất thấp rồi cho công ty tài chính con vay giá rẻ, sau đó công ty con này lại cho khách vay với giá cao và hưởng chênh lệch lớn này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Lo ngại này là thừa, vì đó là câu chuyện làm ăn của 2 pháp nhân. Lợi bên này thì thiệt bên kia. Nếu không vì lợi ích tư túi cá nhân, thì là điều hoàn toàn bình thường. Đặc biệt, nếu công ty tài chính đã là con của ngân hàng, thì báo cáo tài chính là hợp nhất, lợi nhuận của con thì cũng chính là một phần của mẹ, chẳng đi đâu mà sợ.

Từ số liệu nợ xấu của các công ty tài chính thì việc công ty tài chính được sáp nhập vào ngân hàng, liệu có làm gia tăng nợ xấu cho ngân hàng không, thưa ông?

Đương nhiên là các khoản nợ xấu không tự dưng biến mất. Tuy nhiên, quy mô của công ty tài chính tương đối nhỏ so với ngân hàng, nên khi trộn vào thì cũng không làm nợ xấu ngân hàng tăng vọt. Có điều gánh nặng nợ xấu ngân hàng sẽ trĩu nặng hơn nữa. Và sau đó, thì nguy cơ nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay của các công ty tài chính vẫn cứ có nguy cơ cao hơn ngân hàng.

Cần xóa bỏ các công ty tài chính ở các DNNN

Hiện nay, đa phần các công ty tài chính làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, tất nhiên giá cả chuyển nhượng sẽ thấp. Như vậy, sau khi được sáp nhập vào ngân hàng, liệu có lo ngại về việc làm thất thoát nguồn vốn của nhà nước không?

Giá cả mua bán, chuyển nhượng là theo giá thị trường. Chính vì thua lỗ, kém hiệu quả nên bên mua mới mua được giá thấp, bên bán phải chấp nhận giá không cao. Như vậy, không có chuyện giá thiệt hay giá hời, mà chỉ có giá thuận mua, vừa bán. Tôi cho rằng, việc bán được giá thấp để khỏi phải giải thể, phá sản thì là một điều may mắn, là có lợi, chứ không phải là thất thoát.

Vậy, theo ông thời gian sắp tới, trong các đề án tái cơ cấu kinh tế chúng ta có nên xóa bỏ mô hình các công ty tài chính trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước hay không?

Công ty tài chính nói chung thì không những không nên xóa bỏ, mà cần phát triển nhiều hơn. Nhưng riêng các công ty tài chính trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì không còn lý do gì để tồn tại, vì nó đi ngược lại với yêu cầu, tính chất của các tổ chức tín dụng. Chỉ riêng việc cấm, việc hạn chế và giới hạn về cấp tín dụng đối với tập đoàn, tổng công ty và người có liên quan của công ty tài chính theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thì cũng đã cho thấy, công ty tài chính chỉ còn cánh cửa rất hẹp để cấp tín dụng cho công ty mẹ cũng như các thành viên của tập đoàn, tổng công ty. Tức là công ty tài chính muốn tồn tại và phát triển, thì buộc phải mở rộng hoạt động ra bên ngoài, chứ không phải chủ yếu nhằm phục vụ nội bộ “trong nhà”. Mà đã chủ yếu nhằm tới thị trường bên ngoài, thì chẳng còn lý do là công ty con của các tập đoàn, tổng công ty. Thậm chí, việc công ty mẹ sẽ phải thoái vốn khỏi công ty tài chính, vì đó là hoạt động ngoài ngành, ngoài chức năng của các công ty nhà nước./.

Xin cảm ơn ông!

Lạc Sơn (thực hiện)

——————

Tạp chí Pháp lý (Doanh nghiệp) 22-7-2014:

http://phaply.net.vn/kinh-doanh-phap-luat/doanh-nghiep-kinh-doanh-phap-luat/xung-quanh-viec-ngan-hang-thau-tom-cac-cong-ty-tai-chinh-can-xoa-bo-cac-cong-ty-tai-chinh-o-cac-dnnn.html

(1.806/1.806)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248