(CAND) – Mấy ngày hôm nay, thị trường tài chính đang xôn xao trước thông tin sàn giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin chính thức ra mắt. Điều đáng nói là việc thành lập sàn giao dịch đồng tiền này chưa được cơ quan chức năng chấp nhận và cấp phép.
Không chấp nhận, không cấp phép, vẫn ra mắt
Theo thông tin đăng tải trên trang chủ VBTC, địa chỉ www.vbtc.vn, “Bắt đầu từ ngày 11/7, VBTC – sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam chính thức hoạt động. Mọi người có thể đăng kí và xác thực tài khoản của mình, cũng như nạp tiền, rút tiền và giao dịch. Sàn giao dịch sẽ hỗ trợ Bitcoin và Litecoin, cũng như nạp tiền/rút tiền VND”. Đây là sàn giao dịch do Công ty TNHH VBTC Việt Nam và một công ty Bitcoin có trụ sở tại Israel là Bit2C hợp tác đầu tư. Như vậy, việc ra mắt này đã hiện thực hóa “lời hứa” sẽ thành lập sàn giao dịch Bitcoin, dù so với “tiến độ” thì bị chậm mất hơn 2 tháng, bất chấp sự không đồng ý của các cơ quan chức năng.
Trước đó, vào cuối năm 2013, đầu năm 2014, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam bắt đầu xôn xao với đồng tiền ảo Bitcoin và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức lên tiếng không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán. “Theo khuyến cáo của NHNN, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác” – NHNN ra thông điệp.
Bất chấp khuyến cáo, đến cuối tháng 3/2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã tiến hành thông báo về website bitcoinvietnam.com.vn theo thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng. Website này hoạt động theo mô hình sàn giao dịch, nơi cho phép các thành viên lên trao đổi, mua bán Bitcoin. Tuy nhiên, đơn vị cho biết đã từ chối hồ sơ thông báo của website này với lý do, “việc thông báo website chỉ áp dụng đối với các website thương mại điện tử bán hàng, trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng. Hiện tại, tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP”.
Giao diện trang web của sàn giao dịch Bitcoin.
Cục này cũng khẳng định “hiện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử, do việc sở hữu và sử dụng Bitcoin như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ”. Cục cho biết và khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia mua bán Bitcoin, hay sử dụng Bitcoin để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử.
Đừng để thả gà ra đuổi
Như vậy, rõ ràng việc thành lập sàn giao dịch Bitcoin là không hợp pháp. Trên thế giới, câu chuyện sàn ảo Bitcoin được thành lập hợp pháp, có uy tín và thâm niên giao dịch lâu dài như Mt.Gox bỗng dưng biến mất đã khiến nhà đầu tư lao đao, cộng đồng tài chính rúng động. Phải nói thêm rằng, Mt.Gox là một trong những sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin đầu tiên và lớn nhất trên thế giới. Sàn này là nơi đồng Bitcoin được giao dịch với các đồng tiền thật như USD, Euro… Vậy với việc không được chấp nhận vẫn ngang nhiên thành lập, khoan nói đến tính pháp lý, nếu xảy ra sự cố thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm với các thiệt hại của nhà đầu tư? Đấy là chưa kể, ngay chính trên thế giới và cả ở Việt Nam, các cơ quan chức năng, lưc lượng an ninh đều bày tỏ quan ngại về việc đồng tiền ảo Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác sẽ trở thành đích nhắm của của tội phạm với các giao dịch đen, rửa tiền…
Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN thì khẳng định, việc cộng đồng nhà đầu tư thành lập các câu lạc bộ hay hiệp hội Bitcoin là không có vấn đề gì, song thành lập sàn giao dịch Bitcoin thì cần phải xử lý nghiêm. Thận trọng hơn, là một luật sư làm việc trong ngành Ngân hàng, ông Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, pháp luật Việt Nam quy định mọi người được kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Bitcoin mới chỉ bị NHNN cấm làm phương tiện thanh toán trên hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng như là một loại tiền tệ. Còn nó có phải là một loại hàng cấm không thì các cơ quan quản lý nhà nước cần chứng minh tính nguy hiểm, độc hại của nó. Khi đã có văn bản của một cơ quan có thẩm quyền xác định rõ đây là mặt hàng cấm thì người kinh doanh, giao dịch Bitcoin sẽ bị coi là kinh doanh trái phép nếu tiếp tục. Vì thế, vẫn phải chờ đợi một quyết định rõ ràng và chính thức từ một cơ quan có chức năng như Bộ Công Thương, hoặc quyết định liên ngành của nhiều cơ quan về vấn đề Bitcoin.
Trong khi đó, trao đổi với Báo CAND chiều 22/7, phía NHNN vẫn giữ quan điểm khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. “Nếu các giao dịch bằng Bitcoin mà được 2 bên coi là tiền tệ hay trá hình tiền tệ thì đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu chỉ là vật đổi vật, thì điều này pháp luật không cấm, nhưng xin nhấn mạnh là, NHNN cũng như phát luật không bảo vệ nếu phát sinh kiện tụng giữa hai bên”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Thiết nghĩ, khi Bitcoin đã chính thức được giao dịch thì cơ quan chức năng, đặc biệt là NHNN, cần nhanh chóng vào cuộc khẳng định tính pháp lý và xử lý nghiêm nếu vi phạm, đừng để thị trường đi quá xa rồi mới chạy theo xử lý kiểu thả gà ra đuổi
Nhóm PV
——————
Công an Nhân dân (Kinh tế) 23-7-2014:
https://cand.com.vn/Kinh-te/Can-xac-dinh-tinh-phap-ly-de-quan-ly-i267980/
(180/1.259)