(CAND) – Sáng 29/5, phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận. Trọng tâm của phần tranh luận buổi sáng là cuộc đối chất giữa đại diện ACB và đại diện Ngân hàng Công thương (Vietinbank) liên quan đến số tiền gần 719 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt toàn bộ.
Đại diện ACB cho rằng: Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền gần 719 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB
ACB quy trách nhiệm cho Vietinbank
Trình bày trước HĐXX, luật sư Trương Thanh Đức, đại diện ACB khẳng định: “ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Vietinbank cũng không phải là bị đơn nên cả hai yếu tố cần và đủ để làm rõ bản chất của vấn đề cơ quan tiến hành tố tụng đều không có”. “ACB cũng không thiệt hại số tiền gần 688 tỷ đồng từ việc mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như cáo trạng đã quy kết”.
Riêng số tiền gần 719 tỷ đồng mà ACB ủy thác cho nhân viên gửi tại Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, sau đó đó bị Huyền Như chiếm đoạt, ACB cho biết “Quy kết của Viện kiểm sát về thiệt hại số tiền này là không đúng. Vì khi ACB chưa khởi kiện Vietinbank ra Tòa án kinh tế để đòi số tiền gần 719 tỷ đồng từ việc ủy thác gửi tiền cho nhân viên thì chưa thể nói là thiệt hại. Trong quá trình cơ quan tiến hành tố tụng điều tra vụ án này, ACB cũng không yêu cầu ai bồi thường thiệt hại cho mình”. “Chỉ khi nào ACB có đơn khởi kiện thì lúc đó ACB mới là nguyên đơn dân sự”, đại diện ACB cho biết.
Cũng theo đại diện ACB, việc ngân hàng này gửi số tiền gần 719 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là có thật: gửi thật, nhận thật, sổ tiết kiệm thật, tên thật, người thật. Điều này thống nhất với các lời khai của Huyền Như trong thời gian bị bắt. “Thật ra lúc đầu tôi không có ý đồ, mục đích gì cả. Nhưng sau này do chơi chứng khoán bị thua lỗ nhiều nên vì áp lực trả các món nợ đến hạn nên tôi mới nảy sinh ý đồ chiếm đoạt số tiền của ACB đã gửi vào hai chi nhánh Vietinbank. Bằng thủ đoạn liên quan đến việc lập sổ tiền gửi, tôi đã chiếm đoạt được số tiền này. Mọi phát sinh liên quan đến hành vi lừa đảo của tôi chỉ xảy ra sau khi tiền gửi của ACB đã hoàn tất vào hai chi nhánh của Vietinbank”, đại diện ACB trích bản cung của Huyền Như đã khai tại cơ quan điều tra.
Với các phân tích, lập luận của mình, ACB chỉ ra các lỗi vi phạm trong quản lý tiền gửi của Vietinbank khi để nhân viên của Vietinbank lợi dụng sự buông lỏng quản lý để chiếm đoạt của ACB số tiền gần 719 tỷ đồng.
Kết thúc phần bảo vệ quyền lợi, đại diện ACB đề nghị HĐXX kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường hành lang pháp lý trong lĩnh vực gửi tiền ngân hàng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Vietinbank phủ nhận quy kết của ACB
Trước quy kết của đại diện ACB, luật sư Nguyễn Như Thái Dũng, đại diện Vietinbank nêu quan điểm: Trước hết, Vietinbank sẻ chia với ACB về số tiền gần 719 tỷ đồng đã bị Huyền Như lợi dụng để chiếm đoạt. Tuy nhiên, Vietinbank không cho rằng phải chịu trách nhiệm như nhận định của ACB.
Đại diện Vietinbank bác bỏ quan điểm của ACB khi cho rằng: Trách nhiệm thuộc về chính ACB và cá nhân Huyền Như. |
“Vietinbank đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát về số tiền gần 719 tỷ đồng đã bị Huyền Như lợi dụng sai sót của ACB và nhân viên Ngân hành ACB để chiếm đoạt. Thời điểm ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền không căn cứ theo quy định nào của pháp luật. Số tiền này ACB chưa thu hồi được vì đã bị Huyền Như chiếm đoạt”, đại diện Vietinbank nêu ý kiến.
Cũng theo đại diện Vietinbank, các nhân viên của ACB khi nhận ủy thác gửi tiền đã không làm tròn trách nhiệm khi không kiểm tra, ký kết các văn bản, chứng từ liên quan đến hoạt động gửi tiền. Chính điều đó đã tạo kẽ hở cho Huyền Như có cơ hội lợi dụng chiếm đoạt số tiền này. Đáng nói nữa là khi gửi tiền, các nhân viên của ACB cũng không làm thủ tục nhận thẻ, đến hạn cũng không làm thủ tục rút tiền, cũng không có ý kiến gì với Vietinbank về số tiền gửi của mình.
“Việc nhận viên của ACB gửi tiền vào Vietinbank nhưng không tham gia bất cứ một thủ tục nào như quy định của ngành ngân hàng mà hầu hết phó thác cho Huyền Như thực hiện cả 32 hợp đồng đã tạo kẽ hở cho Huyền Như lợi dụng để chiếm đoạt. Vì thế không có căn cứ để quy kết, Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền gần 719 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB”, đại diện Vietinbank cho biết.
Trong phiên xử ngày 29/ 5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và bị cáo Lý Xuân Hải tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Viện kiểm sát. |
Luật sư Lê Hồng Nguyên, đại diện cho Vietinbank bổ sung quan điểm của đồng nghiệp, việc Huyền Như đưa ra lãi suất vượt trần chính là “mồi nhử” để nhân viên ACB rơi vào. “Huyền Như khi ấy làm ăn thua lỗ nhưng không có hành vi nào để kiếm được số tiền lớn. Thời gian trả nợ đã cận kề, trong khi Huyền Như chưa có khoản tiền nào nên sau khi làm việc với chị Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó trưởng Phòng Quản lý Quỹ, ACB trực tiếp đi thỏa thuận gửi tiền, Huyền Như đã phát hiện ra sơ hở của chị Ngọc và đã nảy sinh ý định chiếm đoạt là logic”, luật sư Nguyên phân tích.
Cũng theo luật sư Nguyên thì việc Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ACB là lợi dụng vị thế của Vietinbank để thực hiện hành vi sai phạm nên Vietinbank không có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho ACB.
Toàn bộ thời gian chiều 29/5, HĐXX dành để các bị cáo tự bào chữa cho mình. Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB Nguyễn Đức Kiên và nguyên Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Viện kiểm sát đã quy kết họ về hành vi phạm tội. Đồng phạm của Kiên và Hải đồng tình với quan điểm của các luật sư bào chữa khi đề nghị HĐXX tuyên không phạm tội vì các bị cáo không phải là người có thẩm quyền quyết định sự việc liên quan đến vụ án này. |
Nguyễn Hưng
————————————-
Công an Nhân dân (Pháp luật – Bạn đọc) 29-5-2014:
http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/2014/5/232619.cand
(493/1.273)