529. ACB và Vietinbank tiếp tục đổ trách nhiệm cho nhau

(TT) – Sáng 29-5, ngày thứ 9 phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai ngân hàng ACB và Vietinbank đã trình bày bài bảo vệ trước tòa.

Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank – Ảnh: T.L

 

Luật sư của ACB tiếp tục kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của Vietinbank trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng, trong khi luật sư Vietinbank đổ trách nhiệm tại “ACB sơ hở”.

“Không thể bắt ACB ngồi vào ghế nguyên đơn dân sự”

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng ACB, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định một lần nữa ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. ACB khẳng định chưa có thiệt hại với khoản 687 tỉ đồng mà các bị cáo đầu tư mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Về khoản 718 tỉ đồng, ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả, cho nên chưa thể khẳng định ACB bị thiệt hại.

ACB nhiều lần khẳng định trong hồ sơ cũng như tại phiên tòa rằng không bị thiệt hại. ACB cũng chưa có văn bản nào yêu cầu các bị cáo, các cá nhân trong vụ án phải bồi thường.

Luật sư Đức dẫn quy định tại Bộ luật hình sự để cho rằng nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự là phạm trù tất yếu của một vấn đề trong một vụ án. Nếu không có bị đơn dân sự thì cũng không thể có nguyên đơn dân sự. Đặc biệt đối với khoản tiền 718 tỉ đồng trong vụ án này, luật sư Đức khẳng định chỉ có nguyên đơn dân sự ACB nếu như có VietinBank là bị đơn dân sự.

“ACB không thừa nhận mình là người bị hại và không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nhà nước, pháp luật không thể bắt ACB cứ phải ngồi vào ghế của nguyên đơn dân sự – một cái ghế của người bị hại mà không có thiệt hại, không có yêu cầu. Đó là quyền chứ không phải nghĩa vụ”, luật sư Đức nói.

Về khoản tiền 687 tỉ đồng liên quan đến việc đầu tư mua cổ phiếu, luật sư Đức cho biết ACB và Công ty chứng khoán ACBS đã khẳng định bằng các văn bản và ý kiến tại hồ sơ: ACBS không đầu tư vào cổ phiếu ACB. Cuộc họp giao ban của HĐQT chỉ nêu mua một số cổ phiếu tốt, có tính thanh khoản cao. ACBS không trực tiếp mua cổ phiếu của ACB mà chỉ hợp tác với hai công ty ACI và ACI HN, đây mới là hai đơn vị mua cổ phiếu, mới phải chịu trách nhiệm trong quan hệ cổ đông.

Một lần nữa, ACB không bị thiệt hại 687 tỉ đồng như cáo trạng nêu. ACB không yêu cầu ai phải bồi thường thiệt hại cho mình khoản 687 tỉ đồng này. Vậy thì pháp luật cũng không thể bắt ACB phải nhận là thiệt hại và phải nhận bồi thường.

“Vietinbank sơ hở, dễ dãi, chủ quan, yếu kém”

Nói về khoản tiền 718 tỉ đồng của ACB gửi tại VietinBank đã bị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng “Vietinbank sơ hở, dễ dãi, chủ quan và rất yếu kém”.

Theo luật sư Đức, Vietinbank đã nhận tiền vào két thì phải trả lại cho khách hàng, vì có vay có trả chứ không thể vì có sai sót mà không trả. Việc mất tiền do lỗi của nội bộ Vietinbank nhưng đã đẩy hết rủi ro, hết trách nhiệm cho khách hàng chịu hậu quả

Luật sư Đức dẫn các quy định của pháp luật về trách nhiệm chủ tài khoản, đó là hạch toán theo dõi số dư trên tài khoản và phải đối chiếu xem xét khi ngân hàng gửi giấy báo số dư. Trên cơ sở đó, Vietinbank phải trả lại tiền cho khách hàng vì Vietinbank đã nhận tiền gửi, đã hạch toán, đã sử dụng tiền của 19 nhân viên ACB như với hàng triệu khách hàng khác.

“Vietinbank đã sơ hở, dễ dãi, chủ quan và rất yếu kém, để tội phạm  rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đồng thời cũng chính là rút tiền trong két của Vietinbank nên Vietinbank không thể chối bỏ trách nhiệm”, lời luật sư Đức.

Vietinbank: “Lỗi do ACB ”

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng Vietinbank, luật sư Nguyễn Như Thái Dũng đồng tình với quan điểm luận tội của đại diện VKS: số tiền 718 tỉ đồng đã được xem xét trong vụ án Huyền Như nên không xem xét trong vụ án này.

Về yêu cầu bồi thường 718 tỉ đồng của ACB, luật sư Dũng cho rằng lỗi là do ACB đã tạo cơ hội cho Huyền Như lừa đảo, đã không tuân thủ quy định ủy thác tiền gửi, thời điểm đó không có quy định tổ chức ủy thác cho cá nhân gửi tiền. Hành vi này là của các thành viên HĐQT ACB là cố ý làm trái.

“Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của ACB bằng sơ hở của ACB. Vietinbank không biết hành vi gian dối của Huyền Như, đương nhiên không phải chịu thiệt hại. Vietinbank không có lỗi đối với thiệt hại ACB nên không chịu trách nhiệm về thiệt hại này”, luật sư Dũng khẳng định trước tòa.

“Việc chiếm đoạt tiền của ACB là trách nhiệm của Huỳnh Thị Huyền Như. Sai lầm của ACB là đã ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền với lãi suất cao”, luật sư Đỗ Ngọc Quang – bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank – nói.

Chiều 29-4, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Kiến nghị sửa luật

“Tôi kiến nghị cơ quan hành pháp và lập pháp xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật để tránh gây ra sự hoang mang lo lắng, nguy hiểm cho doanh nghiệp và các cá nhân. Qua vụ việc này, nhiều doanh nghiệp không biết phải làm thế nào mới an toàn pháp lý. Mọi thứ bị lẫn lộn, không biết thế nào thì hợp pháp, hợp lệ, không biết thế nào thì phạm tội.

Các bộ ngành soạn thảo và thực thi Luật doanh nghiệp đã tạo ra sự tù mù, hiểu thế nào cũng được, thậm chí chính mình hiểu sai, làm sai, áp dụng sai”,

Luật sư Trương Thanh Đức

TÂM LỤA

————————————–

Tuổi trẻ (Chính trị – Xã hội) 29-5-2014:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/609952/acb-va-vietinbank-tiep-tuc-do-trach-nhiem-cho-nhau.html

(788/1.146)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,789