Kém quản – loạn xin
(ANVI) – Lâu nay, ăn xin, ăn mày đã trở thành nỗi sợ và sự hoài nghi của cả cộng đồng. Không cho thì có thể tội nghiệp cho người xin thật, nhưng cho rồi thì có khi người cho lại cảm thấy như bị lừa, vì lòng từ bi bị nhầm chỗ.
Báo chí đã không ít lần phanh phui những vụ thanh niên sức dài vai rộng, chả bệnh tật gì mà sáng sáng lê lết ra đường, ra chợ để xin ăn, tối đến thì quần áo lụa là, xế xịn đi chơi. Có những ngôi làng, cứ đến mùa lễ tết là chỉ heo hút một vài người ở nhà, còn lại đều kéo nhau lên thành phố để hành nghề “ăn xin”. Người ta sử dụng mọi chiêu trò, tiểu xảo, miễn sao thu hút được sự thương xót. Thậm chí dã man đến mức cho trẻ em uống thuốc ngủ ly bì hay bẻ gẫy chân tay để làm “vật mồi”. Cơ quan chức năng cũng đau đầu quản lý, làm mạnh thì nhiều khi khó vì vấn đề nhạy cảm, làm không tới thì sinh ra nhờn.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 cũng đã có quy định nghiêm cấm việc xin con nuôi để lợi dụng ăn xin[1]. Nghị định số 91/2011/NĐ-CP trước đây đã từng quy định xử phạt 5 – 10 triệu đồng đối với người có hành vi “tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn”. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đã nâng mức phạt lên 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Nhưng quan trọng là đã phạt được kẻ nào chưa, mà sao dư luận thì hình như chỉ thấy kém quản nên loạn xin.
Ngày 18-6-2014
[1] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định tương tự.