(ĐĐK) – Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố đã chỉ ra tình trạng nợ xấu của 3 đại gia ngành ngân hàng (Vietcombank, Agribank, Viettinbank) vào năm 2012. Điều đáng bàn trong quãng thời gian 2 năm qua, đến nay tín dụng chưa thực sự được khơi thông, phương án giải quyết nợ xấu vẫn chưa rõ.
Con số cũ vẫn mới
Trong lĩnh vực tiền tệ vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, nhất là nợ xấu. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đang tích cực mua nợ xấu, nhưng nhiệm vụ nặng nề hơn làm sao để xử lý nợ xấu đã mua. Nợ xấu mà VAMC mua phần lớn là bất động sản, có cái có thể bán ngay, có những cái phải đầu tư mất 5-7 năm. Làm sao để biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ thành tiền thì VAMC chưa làm được và chưa có tiền để làm được. (Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành) |
Con số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn được coi là chưa thật rõ ràng. Theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước phát đi, nợ xấu đang ở mức khá thấp. Thế nhưng, báo cáo của các tổ chức nghiên cứu lại chỉ ra con số nợ xấu thực lớn hơn nhiều. Tín dụng chưa được khơi thông, quy định phân loại nợ được áp dụng, cây đũa thần xử lý nợ xấu là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chỉ mới chuyển nợ chưa giải quyết được nợ khiến nợ xấu chưa thể giảm.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố cách đây 3 ngày có nói về số liệu nợ xấu của hệ thống ngân hàng năm 2012 dù không mới nhưng cũng đáng giật mình. Điểm không mới được thể hiện ở chỗ vì đó là số liệu nợ xấu của 2 năm về trước (2012). Theo KTNN, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng tại thời điểm 31-12-2012 là 4,08%, và tới ngày 30-6-2013 tỷ lệ nợ xấu của 2/3 ngân hàng đều tăng so với hồi cuối năm 2012.
Nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì 2/3 ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn theo quy định. Ngoài ra, việc phân loại nợ tại hầu hết các ngân hàng chưa phù hợp.
Vấn đề nợ xấu lại được lật ngược lại khi tăng trưởng tín dụng chưa hề được khơi thông. Những khoản nợ cũ trong quá khứ chưa được giải quyết, tín dụng mới khó tăng, vậy nợ xấu thật của các NHTM đang ở mức nào?
Căn nguyên của nợ xấu đến từ 2 phía: Chủ quan là năng lực quản trị điều hành yếu kém, và khách quan là do kinh tế vĩ mô bất ổn. Ở căn nguyên thứ nhất, các ngân hàng đang nỗ lực khắc phục, nhưng vẫn không thể khỏa lấp được những khoản vay trong quá khứ, hay khoản vay một kho cà phê được thế chấp tại 7 ngân hàng khác nhau. Ở căn nguyên thứ 2, phải thẳng thắn thừa nhận rằng nền kinh tế vẫn ở trạng thái trì trệ, chưa thoát đáy như mong đợi. Kết dính các mối liên hệ từ quá khứ 2 năm về trước đến thời điểm hiện tại, với quy định về phân loại nợ khó hơn sau khi áp dụng Thông tư 02 và 09, nợ xấu đang ngày càng phình ra.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói với phóng viên, ngân hàng có thể kiểm soát chặt các khoản vay mới, song các khoản vay cũ rất khó thu hồi và ngày càng rơi từ nhóm xấu sang nhóm xấu hơn. Trong quý II/2014 vừa qua, nhiều khoản nợ xấu của các ngân hàng đã chuyển từ nhóm 3, nhóm 4 sang nhóm 5, đồng nghĩa với việc phải trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Báo cáo Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ. Nếu không phải trích lập dự phòng rủi ro, tổng lợi nhuận lên tới 598 tỷ đồng. Hoạt động của khối ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ di chứng nợ xấu, nợ quá hạn.
Giao dịch ngân hàng chưa thật sôi động
Ảnh: Hoàng Long
Chôn chân vào nợ xấu
VAMC đang xem xét ký hợp đồng với một số nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện chủ trương bán nợ xấu trong đó, 2 công ty tư vấn nước ngoài đã khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ. Dự kiến, trong quý III/2014, những khoản nợ đầu tiên sẽ được bán ra. (Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC). |
Trở lại với diễn tiến kinh doanh một số ngân hàng trong năm 2014 cho thấy, nợ xấu vẫn không nguôi ám ảnh. Bóng mờ nợ xấu đang xói vào hoạt động kinh doanh. Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận, dù đã ra sức xử lý nợ xấu, nhưng nợ xấu có khả năng mất vốn của các ngân hàng ngày càng tăng. Áp lực tài chính do trích lập dự phòng rủi ro với các ngân hàng ngày càng lớn.
TPBank cho biết 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 8,8%, trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%; tỷ lệ nợ xấu 1,66%.
Tại Vietcombank, sau khi tỷ lệ nợ xấu giảm về con số 2,65% vào cuối quý I/2014 từ mức 2,73% ở thời điểm cuối năm 2013, đến tháng 6-2014, tỷ lệ này lại gia tăng trở lại và chính thức vượt trên mốc 3%.
Số liệu do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM công bố, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lại tăng lên mức 4,84%, cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng nợ xấu.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, thì hiện nay số liệu nợ xấu của các ngân hàng chưa được phản ánh chính xác. Ông Đức cũng lo ngại con số nợ xấu không chính xác dẫn tới tâm lý “đủng đỉnh”. Các ngân hàng không biết được xuất phát thực tế của mình ở đâu để tìm ra lợi nhuận. Đối chiếu khoảng mờ nợ xấu với tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 năm 2014 đang ở mức thấp 3,52% cho thấy, mục tiêu khơi thông dòng tín dụng là rất khó.
Chuyên gia kinh tế, TS Trịnh Quang Anh cho rằng các khoản nợ xấu sẽ “bục” dần theo thời gian. Nợ xấu gây đình trệ tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại cũng mất dần vai trò trung gian tài chính vốn có của mình – tập trung nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và dẫn vốn đó đến các dự án sản xuất, kinh doanh. Đây là nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế cần phải được nhanh chóng làm sáng rõ và giải quyết.
Hồ Hương
——————
Đại đoàn kết (Kinh tế – Xã hội) 28-7-2014:
http://daidoanket.vn/no-xau-nhung-nguy-co-tiem-an-47245.html
(111/1.271)