(ĐT) – Mặc dù sự cố vỡ đường ống cấp nước cho 70.000 hộ dân Hà Nội lặp đi lặp lại tới 9 lần, nhưng Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng (Vinaconex) – chủ đầu tư của Dự án Cấp nước sông Đà, vẫn được chỉ định làm đường ống thứ 2. Liệu khả năng đảm bảo nước sinh hoạt cho số hộ dân trên có tiếp tục bị bỏ ngỏ?
Lạm bàn về nguyên nhân vỡ ống
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân chính sự cố vỡ đường ống cấp nước.
TP.Hà Nội vẫn tin tưởng giao cho Vinaconex đầu tư dự án đường ống nước Sông Đà thứ 2, sau 9 lần vỡ đường ống thứ nhất
Để khẳng định sự thuyết phục của kết luận trên, trong cuộc trao đổi gần đây, GS. Trần Hiến Nhuệ (Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường) cũng nhận định: “Các ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước sông Đà do nền đất yếu là chưa đủ thuyết phục”.Theo đó, tại Thông báo số 15/TB-BXD ngày 4/7/2014, kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước Sông Đà là do đường ống composit cốt sợi thủy tinh được dùng làm ống dẫn nước có chất lượng không đồng đều và quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống.
Nhưng những người thi công các công trình hạ tầng giao thông – vốn là “khách quen” của việc xử lý nền đất yếu – lại có quan điểm khác.
Gần đây, khi trả lời báo giới, ông Nguyễn Sỹ Trung (nguyên kỹ sư trưởng Dự án Thi công đường Láng – Hòa Lạc) cho biết, trong quá trình khảo sát để phục vụ thi công Dự án, các cộng sự của ông đã phát hiện trong tổng số 29 km của cung đường xuất hiện tới 29 đoạn (với tổng chiều dài 5,4 km) có nền đất yếu.
Với những kết quả khảo sát như vậy, nếu thi công đường ống dẫn nước có độ dốc cao (80 m từ lòng sông về), tiết diện lớn (1.500 mm) mà không áp dụng các biện pháp cần thiết, rất tốn kém và mất thời gian như cọc cát, giếng cát, bấc thấm, rải vải địa kỹ thuật…, thì sẽ tạo nên hiện tượng được giới kỹ thuật thi công gọi là “dầm trên nền đàn hồi”- hiện tượng có nguy cơ lớn nhất đe dọa an toàn công trình.
Cùng với ý kiến trên, đại diện Công ty Viglafico, đơn vị cung cấp ống dẫn nước cho rằng, sản phẩm của họ “với cấp áp lực đến 3,2 Mpa, độ cứng từ 1.250 N/m2 đến 10.000 N/m2” và đã được xử dụng tại các dự án như Nhà máy Nước Dung Quất, Nhà máy Nước Khu công nghiệp Phố Nối, Dự án Cấp nước thị xã Hội An, Nhơn Hội, tuyến ống áp lực Nhà máy Thủy điện Suối Trát, Nậm Hồ (có nơi chiều cao cột nước lên đến 167 m) đều không có bất kỳ sự cố nào như sự cố đã xảy ra tại đường ống cấp nước Sông Đà.
Với những ý kiến đa chiều như vậy, có lẽ, cần phải có cơ quan độc lập nghiên cứu để đưa ra nguyên nhân chính xác của sự cố.
Nếu đúng là loại ống composit do Công ty Viglafico sản xuất có vấn đề, thì phải có giải pháp chấn chỉnh doanh nghiệp này. Còn trong trường hợp nguyên nhân là do thi công ẩu, thậm chí là ăn bớt công đoạn thi công khắc phục nền đất yếu, thì nhất định phải có biện pháp xử lý nhà thầu.
Kết luận chính xác đó không chỉ tạo nên sự công bằng, mà còn là biện pháp tránh sự thất thiệt cho các nhà đầu tư đổ vốn vào Viglafico, khi sản phẩm của họ được “giải oan”.
Quan điểm nóng – lạnh và bất thường của UBND TP. Hà Nội
Tại cuộc họp HĐND TP. Hà Nội (ngày 14/7), Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đây là lần thứ 9, tuyến đường ống nước sông Đà bị vỡ, gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân Thủ đô. Tại cuộc họp đó, ông Hùng phát biểu: “Thành phố không thể để 70.000 hộ dân tiếp tục phải chịu đựng cảnh mất nước do vỡ đường ống. Chúng ta không thể đem người dân ra làm trò đùa được. Vì vậy, Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng, Giao thông – Vận tải, Công ty Nước sạch Hà Nội, các đơn vị liên quan, tập trung tối đa nguồn lực để chủ động có giải pháp mới cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân”. Tức là, TP. Hà Nội sẽ chủ động đầu tư xây đường ống dẫn nước thứ 2, không phụ thuộc vào Vinaconex.
Tuy nhiên, khi chỉ vài ngày sau những tuyên bố hùng hồn của lãnh đạo TP. Hà Nội về việc “mất niềm tin vào Vinaconex”, tất cả những người dân “khát nước” lại thực sự sững sờ khi bất ngờ thấy UBND TP. Hà Nội lại yêu cầu: “Vinaconex khẩn trương tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư, tài chính để đầu tư xây dựng giai đoạn II của Dự án Cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội. Trước mắt, triển khai phân kỳ 1 của giai đoạn II xây dựng tuyến ống số 2 dài khoảng 28 km từ Quốc lộ 21 về đường vành đai 3 (Hà Nội) vào đầu tháng 9/2014. Đường ống mới này sẽ chạy song song đối diện với hệ thống đường ống cũ đã nhiều lần vỡ trước đó”.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu đối chiếu với các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 27/11/2009) về các hình thức đầu tư và Nghị định số 63/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 26/6/2014), thì quyết định của UBND TP. Hà Nội là hợp pháp, nhưng nó lại rất không hợp lý, xét cả về khía cạnh kinh tế và thực tế, thì khó có thể chấp nhận.
Những “nạn nhân” của đường ống cũ, đang được chính quyền chăm lo đầu tư cho đường ống mới, đồng thời cũng là người phải trả tiền hoàn vốn đầu tư, có quyền đặt câu hỏi: Thành phố không phạt thì thôi, chứ sao lại “thưởng” cho người có “tội”?
Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra đối với đường ống nước thứ nhất, ngoài chuyện tạo nên vị trí độc quyền của Vinaconex về cung cấp nước sinh hoạt đối với trên 70.000 hộ dân, người dân có quyền nghi ngờ về những sự cố tiếp theo.
Một người dân trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân) cho biết: “Nhất định có sự bất thường khi cho Vinaconex xây dựng đường ống thứ 2. Thử hỏi có ai lại liều tới mức, cả gan thuê lại người đã từng xây nhà cho mình, nhưng bị đổ tới 9 lần (?!)”.
Liệu trước quyết định đang gây xôn xao dư luận về đường cấp nước thứ 2, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội có dám hứa với các cử tri rằng, họ sẽ không còn phải lo lắng về sự lặp lại của “điệp khúc 9 lần Vinaconex”?
Ngọc Doanh
——————
Đầu tư (Chính sách) 29-7-2014:
https://baodautu.vn/ha-noi-quyet-thuong-cho-nguoi-co-toi-d1686.html
(132/1.316)