533. Hổng quy định bảo vệ người mua hàng trả góp

(TV) – Trao đổi với phóng viên thoiviet.com.vn, chuyên gia tài chính, ngân hàng, Trương Thanh Đức người có kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhận định, hiện chưa có cơ chế chính sách đặc biệt về mặt luật pháp đối với hình thức mua sắm trả góp để bảo vệ người tiêu dùng.

– Thưa ông, có thể nói một trong những công ty phát triển lớn mạnh bằng hình thức mua sắm trả góp là Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit), cho khách vay mua tiêu dùng cá nhân bằng thanh toán trả góp. Ông đánh giá thế nào về phương thức mua sắm trả góp hiện nay?

– Phương thức cho vay mua sắm, sẽ giúp cho người tiêu dùng chưa có điều kiện về khả năng tài chính mua được sản phẩm ưng ý, đồng thời nó cũng kích thích việc bán hàng và tiêu thụ hàng hóa.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, hiện vẫn còn lỗ hổng đối với quy định bảo vệ người mua hàng trả góp.

Người bán hàng thì sẽ bán được nhiều hàng hơn. Nếu họ đồng thời là người ứng vốn, thì còn được thêm khoản lợi nhuận từ lãi suất trả chậm.

Đương nhiên mặt trái đó là, người bán hàng có thể bị mất hàng, mất vốn do không thu hồi được hàng hoá, tiền hàng.

Còn người tiêu dùng nếu không bảo đảm khả năng tài chính nhất định, đến kỳ hạn không trả được nợ, thì phải chịu lãi suất rất cao, như một khoản phạt quá hạn. Và như vậy thì sẽ rất khó khăn, bất lợi cho người mua hàng.

Nhất là trường hợp nếu nhà cung cấp hàng hóa, sản phẩm cộng tác với các công ty tài chính hoặc các đối tác có năng lực tài chính, để cho vay thì lãi suất thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất thông thường của ngân hàng.

– Nguyên nhân do đâu mà hình thức mua sắm trả góp ngày càng phát triển, và trở thành một trong những xu hướng mua sắm tiêu dùng hiện nay, thưa ông?

– Việc  mua sắm trả góp là giải pháp tài chính mà các bên đều thấy hợp lý, các bên cùng có lợi. Người tiêu dùng thì có nhiều khả năng chi trả hơn, vì nguồn thu nhập ngày một cải thiện so với trước kia. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng cũng thay đổi, không còn quá so đo, cân nhắc mua sắm như thuở nào.

Việc bán hàng ngày nay, đang chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ do hàng hoá vô cùng phong phú, nhiều chủng loại, nhiều nhà cung cấp. Vì vậy, nếu như không có các hình thức bán hàng hấp dẫn thì rất khó tiêu thụ được sản phẩm.

Trong khi đó, người tiêu dùng không phải lúc nào cũng có đủ tiền, để chủ động mua sắm hàng hóa mà mình yêu thích.

Thay vì đi vay ngân hàng hay vay bạn bè khá khó khăn hoặc phải tích cóp rất lâu mới có thể mua được sản phẩm ưng ý, thì họ có thể  dùng ngay hàng hoá của các hãng bán hàng trả góp.

– Không ít khách hàng phản ánh rằng, việc người tiêu dùng vay tiền để mua sắm cá nhân, thậm chí là vay mua nhà mua xe là một trong cách vay nặng lãi. Bởi họ chịu mức phí phạt rất nặng nếu không trả đúng và đủ số tiền hàng tháng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

– Có thể khẳng định đúng là như thế. Vì vậy, về phía người tiêu dùng, họ cần xem xét kỹ đối tượng bán hàng trả góp xem mục tiêu chính của họ là gì.

Nếu chủ yếu họ nhắm đến mục tiêu là bán hàng, thì đó là kênh bán hàng hiệu quả và sẽ ít gây sức ép với người mua. Ngược lại, mục tiêu của họ nhắm tới lãi suất, thì người tiêu dùng cần phải cực kỳ thận trọng.

Nếu lãi suất cao, thì rất có thể dẫn đến tình trạng khách hàng không những phải trả lại hàng, vì không đủ khả năng thanh toán, mà còn mất oan thêm một số tiền cho việc mua hàng và trả lãi.

Do đó, người tiêu dùng cần tự xác định, chỉ khi khả năng tài chính của mình đủ sức thanh toán, thì mới nên mua hàng trả góp. Nếu chưa biết lấy gì trả nợ, thì đó sẽ là một tai họa.

Phải lường trước nguồn tiền trả nợ gốc, cũng như trả lãi và đặc biệt là trường hợp phải trả tiền phạt chậm trả. Khi đó thì đúng là không khác nào đi vay nặng lãi.

– Là người đã từng ở cương vị Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng lớn, theo ông, các công ty hoạt động cho vay trả góp như Home Credit liệu có đảm bảo quyền lợi pháp lý cho người tiêu dùng?

– Người tiêu dùng rất khó bảo vệ được quyền lợi của mình, nếu như nhà cung cấp sản phẩm trả góp  không thực sự sòng phẳng và không chơi đẹp.

Mặc dù pháp luật đã có những quy định về việc này, như quy định về việc mua trả chậm, trả dần của Bộ Luật Dân sự năm 2005, hay quy định về việc bảo vệ người mua hàng theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, đó mới chỉ là về pháp lý đơn thuần, với những quy định rất chung chung, chưa điều chỉnh cụ thể quan hệ mua bán hàng trả góp.

Khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi giao dịch mua sắm bất kỳ sản phẩm nào. Ảnh N.H

Có thể nói, một trong những thiếu sót hiện nay, đó là sự sơ hở, thiếu sót về pháp luật. Người bán hàng là những nhà kinh doanh chuyên nghiệp, rất khó để người tiêu dùng thắng được khi xảy ra tranh chấp.

Nếu như người tiêu dùng chỉ đơn thuần mua sản phẩm hàng hóa, hay chỉ đơn thuần vay vốn tại công ty tài chính, thì đã có hành lang pháp lý rõ ràng.

Tuy nhiên, hình thức kết hợp giữa việc cho vay và bán hàng như dịch vụ mua sắm trả góp, là điều tương đối mới và gần như pháp luật còn bỏ ngỏ. Việc bán hàng trả góp với cách tính giá cao, mà thực chất là lãi suất cao, thì chưa có luật pháp quy định rõ ràng.

– Một thực tế, khách hàng khi mua sắm trả góp nếu không trả đúng số tiền hàng tháng, sẽ bị tính thêm  mức phí gọi là chậm nộp phạt. Khách hàng nộp chậm sẽ bị phạt từ 250- 450 nghìn đồng mỗi tháng.  Số phạt này còn được nhân lên những tháng tiếp theo. Vậy theo ông cơ quan, tổ chức nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong trường hợp họ chịu mức phạt quá nặng như trên?

-Như vậy, không khác gì cho vay nặng lãi kiểu xã hội đen chứ không phải cho vay thông thường. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, thì lãi suất cho vay không được vượt quá 13,5%/năm và tính thêm lãi suất quá hạn thì không quá 9%/năm.

Riêng lãi suất ngân hàng, dù về cơ bản không có khống chế, nhưng trên thực tế thường cũng chỉ chung quanh mức đó.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp giao dịch với lãi suất lên đến 50 – 70%, thậm chí vài trăm phần trăm mỗi năm.

Với mức lãi suất cao như thế, thì có thể phạm vào tội cho vay nặng lãi. Không những thế, việc tính lãi kẹp, tức lãi chồng lên lãi, lãi mẹ đẻ lãi con cũng rất bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Toà án Nhân dân Tối cao cũng đã từng có văn bản hướng dẫn, đối với việc cho vay mượn bên ngoài tổ chức tín dụng, cùng lắm chỉ chấp nhận một lần nhập gốc vào lãi.

Rõ ràng, có nhiều yếu tố trái luật và bất hợp lý đối với việc mua sắm trả góp, đang diễn ra một cách công khai, phổ biến. Thế nhưng hiện không có sự chấn chỉnh của của các cơ quan nhà nước  để bảo vệ người tiêu dùng. Đó là một trong thiếu sót, bất cập trong lĩnh vực này.

– Ông có tư vấn gì đối với người tiêu dùng, trước khi họ quyết định áp dụng hình thức mua sắm trả góp?

– Theo tôi, người tiêu dùng nên tỉnh táo, bởi bao giờ cũng vậy, đằng sau những lợi ích đơn giản, dễ dàng sẽ là những cạm bẫy rủi ro.

Khách hàng cần tìm hiểu kỹ, khi giao dịch mua sắm bất kỳ sản phẩm nào, để xem có hợp lý không và nhà cung cấp có thực sự đáng tin cậy hay không.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần cân đối khả năng tài chính của mình, để có thể trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi. Nếu bị động về tài chính thì sẽ rất dễ phải trả giá về tiền bạc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Huệ – Hải Anh

——————

Thời Việt (Kinh tế) 31-7-2014:

http://thoiviet.com.vn/kinh-te/bai-4-hong-quy-dinh-bao-ve-nguoi-mua-hang-tra-gop-c10a376223.html

(1.614/1.614)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248