(DT) – Phía Vietinbank cho rằng, hậu quả thiệt hại 718 tỉ của ACB là từ chủ trương ủy thác gửi tiền mà ra. Phía ACB lại nói việc mất tiền do Vietinbank đã quản lý lỏng lẻo để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Trong phiên xét xử sáng nay (29/5), Luật sư Lê Hồng Nguyên, bảo vệ cho Vietinbank trình bày, về phạm vi xét xử của vụ án, đây là vụ án sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Việc chứng minh có hay không có hành vi phạm tội thuộc cơ quan tố tụng. Luật sư đồng tình với cáo trạng khi xác định số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt là phù hợp với ý thức chủ quan và thực tế.
Số tiền 718 tỷ thiệt hại của ACB là lỗi của ACB vì tạo cơ hội cho Huyền Như lừa đảo. ACB đã không tuân thủ pháp luật về quy định ủy thác gửi tiền. Thời điểm đó không có hướng dẫn nào về hoạt động này. Số tiền này ACB chưa thu hồi được vì Huyền Như đã chiếm đoạt mất.
Ngoài ra, việc ủy thác đem đi gửi tiền với lãi suất vượt trần là sai quy định. Theo QĐ 1284 quy định trách nhiệm của chủ tài khoản thì chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những sai sót của mình trong quản lý tài khoản. Còn ngân hàng là đơn vị cung cấp dịch vụ, thực hiện các việc hạch toán giao dịch. Khi các nhân viên ACB nhận ủy thác gửi tiền đã có những sai lầm ghê gớm như không nhận thẻ tiết kiệm và ACB cũng không yêu cầu các nhân viên này giao lại thẻ tiết kiệm.
ACB và Vietinbank đưa ra những lý lẽ xoay quanh việc Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng
Về việc các luật sư khác đã cho rằng 32 hợp đồng các cá nhân ký với Vietinbank là tiền gửi có kỳ hạn chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm, theo luật sư bảo vệ cho Vietinbank, điều này phải xem xét lại.
LS bảo vệ Vietinbank đã trích lại lời khai của bị cáo Lê Vũ Kỳ về việc ACB làm lại hồ sơ, ký lại hợp đồng ủy thác để chữa cháy việc làm sai quy trình.
Về số tiền 718 tỉ, Huyền Như đã có ý chiếm đoạt tiền từ đầu. Lúc đó Huyền Như đã thực hiện việc này với vai trò quyền trưởng phòng giao dịch, trong khi tại Vietinbank, khách hàng đến gửi tiền tiếp xúc với giao dịch viên.
Vietinbank không hề biết các hành vi của Huyền Như, không có chủ trương về các khoản huy động vượt trần nên không bị thiệt hại và không hưởng lợi gì với khoản tiền này. Vietinbank không gây ra, không có lỗi với thiệt hại của ACB nên không có trách nhiệm với khoản này. Hậu quả thiệt hại của ACB là từ chủ trương ủy thác gửi tiền mà ra.
Tuy nhiên, về phía luật sư Trương Thanh Đức, người bảo vệ cho ngân hàng ACB lại nêu quan điểm rằng, số tiền 718 tỷ được giao dịch và hạch toán đúng quy trình.
Theo luật sư Đức, 32 hợp đồng tiền gửi là cụ thể chứ không phải hợp đồng nguyên tắc. Huyền Như hay bất kỳ ai tại Vietinbank nhận tiền gửi của khách hàng là thay mặt cho Vietinbank.
“Mọi người chỉ quan tâm là tiền đã mất. Nhưng cơ bản nhất là tại sao lại mất, người nào làm mất, mất như thế nào. Lý giải những điều này mới gỡ rối được các vấn đề của vụ án”.
Luật sư Đức cho biết, Vietinbank đã báo cáo với CQĐT rằng: “Sau khi sự việc xảy ra Vietinbank đã rà soát toàn bộ hệ thống, đối chiếu 100 tài khoản tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh cho thấy không có rủi ro nào từ các hoạt động tiền gửi ngoại trừ các khoản tiền gửi có thỏa thuận lãi suất vượt trần.”
Theo đó, việc mất tiền hoàn toàn do nội bộ Vietinbank gây nên nhưng đã đổ hết rủi ro cho khách hàng trong khi việc gửi tiền không vi phạm quy định nào.
Huyền Như nếu có ý đồ lừa đảo từ trước thì chỉ có 1 biểu hiện là đánh tráo 2 bộ hồ sơ. Thực tế trong biên bản hỏi cung, Huyền Như đã khai rằng: “Thực tâm tôi không có ý định chiếm đoạt số tiền này. Nhưng trong thời gian sau đó, áp lực trả nợ quá lớn mới khiến tôi nảy sinh ý đồ và thực hiện các hành vi”. Luật sư nhận đinh, tại các phiên tòa sau, Huyền Như đã thay đổi lời khai vì một lý do nào đó.
Vì các lý do trên, Vietinbank phải trả lại tiền vì đã ký hợp đồng tiền gửi, sử dụng tiền gửi, quản lý tiền gửi với hàng nghìn khách hàng khác. Vietinbank đã quản lý lỏng lẻo để sử dụng thẻ tiết kiệm giả khiến tội phạm rút được hàng trăm tỷ đồng. Là ngân hàng cung cấp dịch vụ, Vietinbank không thể chối bỏ trách nhiệm kiểm soát các khoản thanh toán của khách hàng.
Luật sư bảo vệ cho ACB phân tích rằng, dù người gửi tiền có thực hiện các thủ tục đầy đủ chặt chẽ bao nhiêu nữa thì cũng không làm thay đổi được thực tế vì tiền gửi đã bị nhân viên Vietinbank làm mất.
Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát và trách nhiệm của người gửi tiền. Sau này, người gửi tiền tại Vietinbank có theo dõi chặt chẽ tài khoản của mình hàng ngày hàng giờ thì cũng chỉ có thể phát hiện sau khi sự việc xảy ra.
Việc mất tiền là do Vietinbank bị Huyền Như lừa đảo. Theo luật Tố tụng hình sự 2004, ACB có quyền kiện tiếp tục đòi Vietinbank. ACB sẽ vẫn tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại tiền.
Đáp lại, LS Nguyễn Như Thái Dũng (bảo vệ quyền lợi cho VietinBank) cho rằng, hiện nay các LS bảo vệ quyền và lợi ích cho ACB và các LS bào chữa cho các cá nhân bị truy tố tội cố ý… đang cố bóc tách xem xét tình tiết của vụ án theo hướng rời rạc, đứt quãng, làm mất mối quan hệ logic của chuỗi các hành vi.
“Liên quan tới khoản tiền 718 tỷ mà ACB bị thiệt hại, tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung của bản cáo trạng và quan điểm của VKS khi xác định số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt là phù hợp với ý thức chủ quan của tội phạm và thực tế diễn biến của vụ án.
Thứ nữa, về số tiền 718 tỷ mà ACB đang yêu cầu xem xét trách nhiệm của VietinBank là do Như lợi dụng sai sót của ACB để lừa đảo chiếm đoạt. Trên cơ sở hồ sơ vụ án, qua lời khai của Như và diễn biến phiên tòa trong những ngày qua, tôi cho rằng ACB đã bị thiệt hại 718 tỷ là do lỗi của ACB và nhân viên nhận ủy thác của ACB để tạo cơ hội cho Như lừa đảo”, LS Dũng lý luận.
Lê Tú
————————————–
Dân trí 29-5-2014:
(515/1.271)