537. “Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.

(PT) – Sáng ngày 29/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Trong phần tranh tụng, cả 4 luật sư đại diện Ngân hàng VietinBank đều khẳng định, số tiền 718 tỉ đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là lỗi của ACB.

Mở đầu, LS Trương Thanh Đức (người bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Ngân hàng ACB) nói, ACB không phải là nguyên đơn dân sự. Khoản tiền 718 tỉ đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, ACB đang có đơn kiện yêu cầu VietinBank hoàn trả nên chưa thể đánh giá là thiệt hại.

Ngân hàng VietinBank đã báo cáo với cơ quan điều tra rằng, sau khi sự việc xảy ra VietinBank đã rà soát toàn bộ hệ thống và đối chiếu 100 tài khoản tiền gửi tại VietinBank (Chi nhánh Hồ Chí Minh) cho thấy, không có rủi ro nào từ các hoạt động tiền gửi ngoại trừ các khoản tiền gửi có thỏa thuận lãi suất vượt trần.

Hình ảnh phiên xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Còn LS Nguyễn Như Thái Dũng (người bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của VietinBank) cho biết, đây là vụ án lớn với nhiều tình tiết phức tạp liên quan đến quyền lợi của nhiều người, việc xem xét, đánh giá chứng cứ thuộc về hội đồng xét xử. Tuy nhiên, cần phải đánh giá toàn diện để đánh giá đúng bản chất vụ án và những người có nghĩa vụ liên quan.

Về số tiền 718 tỉ đồng do nhân viên ACB đi gửi tiền, LS Thái Dũng đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Còn việc ACB muốn xem xét trách nhiệm, nghĩa vụ của VietinBank là không có căn cứ bởi chính ACB đã tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo. Việc nhân viên ACB gửi và thỏa thuận với cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như là trái pháp luật. Xuất phát từ thời điểm Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực (1/1/2011) đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt.

Thiệt hại 718 tỉ đồng do Huyền Như chiếm đoạt xuất phát từ việc ACB ra Nghị quyết chủ trương ủy thác. Đối với thỏa thuận gửi tiền vượt trần lãi suất, là việc làm trái với quy định. Dẫn hàng loạt văn bản pháp luật, LS Thái Dũng nói, người gửi tiền phải có trách nhiệm trực tiếp đến làm thủ tục, chủ tài khoản phải tự hạch toán số dư tài khoản, chịu trách nhiệm về sự thay đổi số dư. Nhân viên ACB không nhận các thẻ tiết kiệm theo quy định ủy thác gửi tiền mà phó mặc cho Huỳnh Thị Huyền Như giữ thẻ tiết kiệm và không có báo cáo gì với VietinBank khi số tiền bị trích khỏi tài khoản.

Mặt khác, xuất phát từ chủ trương gửi tiền ủy thác, là gửi tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác, trong đó có việc mang thẻ gửi tiền về cho ACB (các nhân viên ACB không mang về) đã tạo điều kiên cho Huyền Như chiếm đoạt. Huyền Như có ý thức chiếm đoạt tiền ngay từ đầu số tiền của ACB. Sau đó dùng các thủ đoạn gian dối để dẫn dụ nhân viên ACB đến gửi tiền để chiếm đoạt. Việc gửi tiền trên mức lãi suất quy định, và hưởng hoa hồng do nhân viên ACB thỏa thuận với Huyền Như. Cá nhân người thỏa thuận với Huyền Như cũng đã được chuyển vào tài khoản riêng số tiền hoa hồng 3,7 tỉ đồng. Đây là chiêu trò dẫn dụ của Huyền Như đối với nhân viên ACB vào tròng để chiếm đoạt.

VietinBank không biết Huyền Như chiếm đoạt, ACB đưa ra yêu cầu về số tiền 718 tỉ đồng là không có căn cứ nên VietinBank không có lỗi, không có trách nhiệm.

Luật sư Nguyễn Lê Thái Dũng.

Theo LS Lê Hồng Nguyên (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VietinBank), việc Huỳnh Thị Huyền Như đưa ra lãi suất vượt trần là “cái bẫy” để ACB rơi vào.

Huyền Như làm ăn thua lỗ nhưng không có hành vi nào để rút tiền của VietinBank. Tuy nhiên, sau khi làm việc với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (nhân viên ACB trực tiếp đi thỏa thuận gửi tiền), phát hiện ra lỗ hổng, sai phạm nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt là lợi dụng “màu áo” của VietinBank để chiếm đoạt tài sản của ACB. Vì vậy, VietinBank không có nghĩa vụ phải trả lại tiền 718 tỉ đồng cho ACB và không có liên quan đến hành vi cố ý làm trái của các bị cáo tại phiên tòa.

LS Nguyễn Thị Bắc (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VietinBank) tán thành với nội dung luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân và cho rằng: “Các hợp đồng tiền gửi giữa các cá nhân ACB với VietinBank hoặc hợp đồng giả hoặc là hình thức che đậy giữa ACB và Huỳnh Thị Huyền Như. Sai phạm của lãnh đạo và nhân viên ACB đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền. Ngân hàng VietinBank không chịu trách nhiệm về hành vi của Huyền Như. Tất cả 32 hợp đồng ký giữa nhân viên ACB và VietinBank (có chữ ký, dấu thật, đúng niêm yết công khai) chỉ là hợp đồng mang tính nguyên tắc, che đậy. Hợp đồng thực do nhân viên ACB với Huyền Như đã thỏa thuận ngầm với nhau.

Cùng với đó, tại lời khai trong hồ sơ vụ án của Nguyễn Văn Hòa, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ đã thừa nhận bị Như lừa đảo chiếm đoạt theo các bút lục 106762, 22432, 22409… ACB cũng đã làm 4 văn bản ghi lùi ngày để hợp thức hóa hồ sơ nhằm mục đích đòi tiền VietinBank. Lời khai của các bị cáo đã thể hiện: Nguyễn Văn Hòa cũng trình bày lãnh đạo ACB về việc phải làm lại những giấy tờ này để kiện VietinBank vì quy trình trước đó chỉ là gửi tiết kiệm. Nếu không ký lại thì ACB thực hiện sai quy trình, dẫn đến mất tiền, không đòi lại được.

Bên cạnh đó, Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt trót lọt số tiền 718 tỉ đồng là do sự tắc trắc của lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng ACB. Việc ủy thác là vi phạm pháp luật, vì tại thời điểm thực hiện ủy thác, giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh của ACB mới chỉ có nội dung nhận ủy thác. ACB tắc trách không liên quan đến VietinBank và VietinBank hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những giao dịch bất hợp pháp giữa Như và ACB và các nhân viên ACB.

Luật sư thứ 4 của Ngân hàng VietinBank là LS Đỗ Ngọc Quang cũng cho rằng, Huyền Như chiếm đoạt tiền của ACB, lỗi chính từ việc làm không đúng quy định pháp luật về ngân hàng của ACB, tạo điều kiện thuận lợi cho Như.

Sai lầm nữa của ACB là đưa ra chủ trương ủy thác gửi tiền lãi suất cao ở ngân hàng khác. ACB đã hiểu lẫn lộn giữa tiền của ngân hàng với tư cách tổ chức kinh tế với tiền của cá nhân mang đi gửi, hay nói cách khác lẫn lộn hợp đồng gửi tiền của tổ chức kinh tế với sổ tiết kiệm của cá nhân gửi tiền.

Có thể nói những sai phạm của cán bộ nhân viên ACB đã tạo điều kiện thuận lợi cho Như chiếm đoạt tiền của ACB. Do vậy, việc Như chiếm tiền bằng hình thức lừa đảo rất rõ ràng, chính là do những sai phạm của ACB gây nên. Vì vậy, ACB phải chịu hậu quả, trách nhiệm đối với việc hành vi chiếm đoạt số tiền 718 tỉ đồng mà Huyền Như gây nên.

Thiên Minh

—————————————

Petrotimes (Pháp luật) 29-5-2014:

http://petrotimes.vn/news/vn/phap-luat/hanh-vi-cua-huynh-thi-huyen-nhu-khong-lien-quan-den-vietinbank.html

(125/1.393)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,232