538. Lãi suất cho vay: Nên dẫn chiếu pháp luật chuyên ngành

(TBNH) – Đối với các quy định của Bộ luật Dân sự cần có lãi suất tham chiếu, tham khảo thông lệ quốc tế, đề nghị Bộ luật Dân sự quy định một mức lãi suất cụ thể tại chính điều khoản cần lãi suất tham chiếu. Đồng thời, quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này trong trường hợp cần thiết.

Một trong những điểm nhấn quan trọng tại Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến lần này liên quan đến các quy định về lãi suất. Trong đó, một số quy định liên quan đến lãi suất cơ bản, vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, đã được loại bỏ.

Cụ thể, nghĩa vụ trả nợ của bên vay đang được quy định tại Điều 474 Bộ luật Dân sự 2005, trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.


Lãi suất luôn là công cụ quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định, trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn trung bình của các NHTM trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, hoặc luật có quy định khác.

Bình luận về quy định mới này trong Dự thảo Bộ luật Dân sự, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, vẫn còn nhiều tranh cãi khác nhau xung quanh việc quy định lãi suất này có áp dụng chung cho tất cả các quan hệ dân sự hay chỉ áp dụng cho hoạt động ngân hàng.

Ông Đức đề nghị xem lại quy định trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn trung bình của các NHTM. Quy định như vậy rất khó khăn đối với người dân, vì gần như không thể xác định được chính xác mức lãi suất, trong khi tranh chấp dân sự về lãi suất là tương đối phổ biến, với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nên căn cứ này cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Quy định này chỉ khả thi và hợp lý nếu như giao cho một cơ quan nào đó tính toán công bố lãi suất trung bình theo định kỳ để làm cơ sở cho người dân và các cơ quan pháp luật thực hiện”, ông Đức cho biết.

Phía NHNN cũng nhất trí với việc bỏ quy định sử dụng lãi suất cơ bản để tham chiếu trong các quan hệ dân sự, vì theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là một mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Dân sự đưa ra lãi suất tham chiếu là lãi suất trung bình của các NHTM là rất khó khăn khi áp dụng, vì số lượng các NHTM rất lớn, mỗi ngân hàng có nhiều mức lãi suất khác nhau đối với các loại kỳ hạn, khách hàng, thời điểm khác nhau. Ngoài ra, lãi suất này do các NHTM quyết định và có thể thường xuyên biến động. Mặt khác, Dự thảo Bộ luật Dân sự cũng không quy định “các NHTM” là bao nhiêu ngân hàng.

Do đó, đối với các quy định của Bộ luật Dân sự cần có lãi suất tham chiếu, tham khảo thông lệ quốc tế, đề nghị Bộ luật Dân sự quy định một mức lãi suất cụ thể tại chính điều khoản cần lãi suất tham chiếu. Đồng thời, quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này trong trường hợp cần thiết.

Liên quan đến quy định về lãi nợ quá hạn, NHNN đề nghị quy định theo hướng với trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng lãi suất cụ thể do Bộ luật Dân sự quy định. Lãi suất đối với khoản nợ quá hạn tối đa được quy định bằng 150% lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng vay ban đầu để thuận tiện trong việc áp dụng, xác định lãi nợ quá hạn.

Đối với lãi suất cho vay, NHNN đề nghị sửa đổi theo hướng loại trừ quy định về lãi suất cho vay tại Điều này đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Nói cách khác, quy định theo hướng dẫn chiếu pháp luật chuyên ngành đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.

Đối với lãi suất của các hợp đồng dân sự khác, Bộ luật Dân sự nên được sửa đổi theo hướng: trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì áp dụng lãi suất do các bên thỏa thuận. Quy định này nhằm tôn trọng quyền tự do, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các bên trong quan hệ dân sự, mà không nên khống chế mức trần lãi suất thỏa thuận. Nếu cho vay với mức lãi suất quá cao thì đã có quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý (Điều 163 Tội cho vay lãi nặng). Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì áp dụng lãi suất cụ thể do Bộ luật Dân sự quy định.

Ngoài ra, NHNN cũng đề nghị bỏ quy định giao NHNN hướng dẫn quy định vì không thuộc phạm vi quản lý của NHNN. NHNN chỉ quản lý đối với hoạt động cho vay của các TCTD, không quản lý đối với hoạt động cho vay dân sự. Mặt khác, việc quy định như tại Dự thảo Bộ luật Dân sự thì NHNN không có căn cứ để hướng dẫn.

Với tư cách là người nghiên cứu, ông Phạm Xuân Hoè, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, nên quy định hẳn vào Bộ luật Dân sự vấn đề về lãi suất. Cụ thể, lãi suất để làm căn cứ tính khi phạt quá hạn giữa các bên có thể căn cứ vào lãi suất tín phiếu kho bạc và lãi suất trái phiếu kho bạc cùng thời điểm. Lý do là vì mức lãi suất này đã được đấu thầu hoặc được Bộ Tài chính quy định. Nhưng điểm quan trọng nhất là nó có lợi cho các bên. Đã tranh chấp quá hạn rồi thì bên có nghĩa vụ trả nợ sẽ không chịu được lãi suất cao. Ngoài ra, vì đó còn là nền tảng của đường cong lãi suất của Việt Nam.

Dương Công Chiến

——————

Thời báo Ngân hàng (Tiền tệ) 06-8-2014:

https://thoibaonganhang.vn/lai-suat-cho-vay-nen-dan-chieu-phap-luat-chuyen-nganh-4327.html

(216/1.251)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,261