540. Tốt nhất là theo lãi suất NHNN quy định

(TBNH) – LS. Trương Thanh Đức, chuyên gia ngân hàng trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.

LS. Trương Thanh Đức

Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), liên quan đến lãi suất các ngân hàng cần quan tâm đến điều gì, thưa ông?

Lãi suất trong Bộ luật Dân sự liên quan rất nhiều đến hoạt động ngân hàng. Cụ thể, lãi suất sẽ được quy định để áp dụng cho ba trường hợp: đối với lãi suất thông thường, các TCTD luôn xác định rõ lãi suất trong việc cho vay, nên không đặt ra mức là bao nhiêu; với các giao dịch kinh tế, dân sự khác, nếu như có tranh chấp về lãi suất cho vay thì sẽ được xác định là bằng lãi suất cơ bản (LSCB) 9%/năm; đối với trần lãi suất cho vay, các TCTD không bị giới hạn, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Còn các giao dịch kinh tế, dân sự khác thì được cho vay không vượt quá 13,5%/năm, tức là tối đa bằng 150% LSCB. Đối với lãi suất chậm trả, các TCTD được áp dụng theo mức không quá 150%/năm lãi suất cho vay trong hạn. Các giao dịch kinh tế, dân sự được áp dụng cộng thêm với mức không quá 9%/năm, tức là mức LSCB. Riêng đối với lãi suất chậm thi hành án, cũng là lãi suất chậm trả, thì không áp dụng mức lãi suất riêng đối với ngành Ngân hàng, mà cùng áp dụng một mức chung là 9%/năm.

Rõ ràng là xuất hiện rất nhiều nghịch lý chung quanh câu chuyện lãi suất. Chẳng hạn, giao dịch dân sự thì lãi suất quá hạn được tính từ LSCB là 9%/năm, nhưng có khi ở ngân hàng là 5% hoặc lại là 15%. Rồi cho vay trong hạn thì lãi suất có thể được phép là 13,5%/năm, thậm chí cao hơn nhiều. Nhưng đến khi kiện nhau ra Toà, người có nghĩa vụ thanh toán chỉ phải chịu lãi suất 9%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất trong hạn và thấp xa so với lãi suất quá hạn…

Theo ông, Bộ luật Dân sự sửa đổi có nên cho phép áp dụng lãi suất theo luật chuyên ngành, hay phải áp dụng chung cho toàn bộ các quan hệ kinh tế?

Quan điểm của tôi là phải áp dụng quy định chung của lãi suất trong Bộ luật Dân sự cho toàn bộ quan hệ dân sự, trong đó ngân hàng chỉ là một phần. Cả về nguyên lý cũng như thực tế đều đòi hỏi phải tạo ra những quy định về lãi suất để áp dụng cho cả tín dụng ngân hàng và các giao dịch kinh tế, dân sự khác. Tất nhiên, các quy định về lãi suất phải phù hợp với thực tế, phải đủ rộng để không gây vướng mắc, chứ không nên tạo sân hẹp, riêng cho ngân hàng hay DN, cá nhân.

Bất cập ở chỗ đã mấy lần NHNN đề nghị lãi suất cho vay tăng lên 200% LSCB nhưng lại không được chấp nhận. Đặc biệt, LSCB cần phải được xác định rõ là gì, nếu là lãi suất cho vay bình quân của thị trường thì phải thể hiện đúng mặt bằng, tại sao là 9% trong suốt 4 năm nay mà không phải trong từng thời kỳ. Nên dù nhiều năm khách hàng không trả được nợ NHTM theo bản án, thì cũng chỉ được tính lãi 9%/năm, còn thấp hơn cả lãi suất trong hạn. Như vậy, khách hàng không trả nợ là hoàn toàn có lý.

Vậy, ông có ủng hộ quan điểm bỏ LSCB, thay vào đó là đưa ra lãi suất tham chiếu để làm căn cứ cho các quy định khác hay không?

Nếu lấy lãi suất tham chiếu NHTM thì người ta không thể hình dung được bao nhiêu là được phép và bao nhiêu là vi phạm. Để tạo thuận lợi cho người dân thì phải dựa vào con số công bố hàng tháng của NHNN, hoặc khi có biến động. Và như vậy, căn cứ pháp lý cũng chính là NHNN, tương tự như dựa vào LSCB do NHNN công bố.

Có rất nhiều phương án về lãi suất được đưa ra trong Dự thảo Bộ luật Dân sự, như quy định một mức lãi suất cố định trong Luật, dựa theo lãi suất bình quân của các NHTM, theo LSCB (như Bộ luật Dân sự hiện hành), lãi suất tái chiết khấu của NHNN hoặc theo lãi suất trái phiếu, tín phiếu kho bạc… Phương án nào cũng có cái được và chưa được. Tuy nhiên, phương án được đa số ủng hộ hiện nay vẫn nghiêng về việc dựa vào lãi suất do NHNN công bố theo như quy định của Luật NHNN và Bộ luật Dân sự hiện hành.

Một số quan điểm cho rằng, mức lãi phạt quá hạn nên căn cứ bình quân lãi suất tín phiếu Chính phủ và tín phiếu kho bạc. Quan điểm của ông?

Tôi biết quan điểm này cho rằng, căn cứ vào lãi suất ấy là vừa phải và có tính khả thi nhất, vì khi DN đã khó khăn, ngân hàng chỉ cần đòi lại vốn cho vay… Tuy nhiên, cũng rất là nguy hiểm bởi lãi suất quá hạn là lãi suất phạt để ngăn ngừa, cảnh báo. Ngay trong quy định về xử lý vi phạm hành chính và Luật Quản lý thuế cũng quy định, nếu chậm nộp thuế, phải nộp phạt thì sẽ chịu mức phạt có lãi suất là 18%/năm. Nếu DN đã rất khó khăn trả nợ, thì chủ nợ sẽ xem xét khả năng trả nợ thực tế mà miễn giảm lãi. Còn nếu để lãi quá hạn thấp hơn lãi trong hạn thì tốt nhất cho DN là cứ quá hạn, cứ chây ỳ, chẳng cần gì đến trách nhiệm hay tinh thần trả nợ…

Xin cảm ơn ông!

Trần Hương thực hiện

 

Bài gốc

Phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức xung quanh quy định liên quan đến lãi suất trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

PV: Thưa ông, trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến lãi suất thì các ngân hàng cần quan tâm đến điều gì?

Ls Trương Thanh Đức: Lãi suất trong Bộ luật Dân sự liên quan rất nhiều đến hoạt động ngân hàng. Về tổng thể, thì cần quan tâm đến lãi suất ấy sẽ được áp dụng chung cho tất cả hay chỉ áp dụng cho lĩnh vực kinh tế, dân sự thôi còn lĩnh vực tín dụng ngân hàng thì vẫn áp dụng riêng như thời gian vừa rồi.

Về nội dung cụ thể, thì lãi suất sẽ được quy định để áp dụng cho ba trường trường hợp: Đó là lãi suất áp dụng đối với trường hợp các bên vay mượn không thống nhất được lãi suất (lãi suất thông thường); lãi suất cao nhất được phép áp dụng khi cho vay (trần lãi suất) và lãi suất quá hạn được áp dụng khi các bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán (lãi suất chậm trả).

Thứ nhất, đối với lãi suất thông thường, thì các tổ chức tín dụng luôn xác định rõ lãi suất trong việc cho vay, nên không đặt ra mức là bao nhiêu. Còn với các giao dịch kinh tế, dân sự khác, nếu như ó tranh chấp về lãi suất cho vay thì sẽ được xác định là bằng lãi suất cơ bản 9%/năm.

Thứ hai, đối với trần lãi suất cho vay, thì các tổ chức tín dụng không bị giới hạn, trừ một số trường hợp đặc biệt như gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở cho người có thu nhập thấp hay 5 lĩnh vực ưu tiên cho một số khách hàng có tình tình tài chỉnh minh bạch, lành mạnh. Còn các giao dịch kinh tế, dân sự khác thì chỉ được cho vay không vượt quá 13,5%/năm, tức là tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản. Trong khi đó, về xét lý thì ngân hàng có thể cho vay hợp pháp lên đến 100%/năm hay cao hơn cũng được.

Thứ ba, đối với lãi suất chậm trả, thì các tổ chức tín dụng được áp dụng theo mức không quá 150%/năm lãi suất cho vay trong hạn. Còn các giao dịch kinh tế, dân sự thì lại được áp dụng cộng thêm với mức không quá 9%/năm, tức là mức lãi suất cơ bản. Riêng đối với lãi suất chậm thi hành án, cũng là lãi suất chậm trả, thì không áp dụng mức lãi suất riêng đối với ngành Ngân hàng, mà cùng áp dụng một mức chung là 9%/năm.

Như vậy thì hiện nay, ngành Ngân hàng đang áp dụng lãi suất gần như khác hẳn với các lĩnh vực còn lại. Ví dụ về pháp lý, nếu ngân hàng cho vay 10%/năm, thì khi quá hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất tổng cộng không quá 15%/năm (150% của 10%). Nhưng nếu ngân hàng cho vay tới 30%/năm, thì khi quá hạn lại có thể áp dụng mức lãi suất tổng cộng lên tới 45%/năm (150% của 30%). Nếu doanh nghiệp cho vay 10%/năm, thì khi quá hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất tổng cộng không quá 19%/năm (10% + 9%). Hiện nay, doanh nghiệp chỉ được phép cho vay với mức lãi suất tối đa 13,5%/năm và khi quá hạn thì chỉ có thể áp dụng mức lãi suất tổng cộng là tối đa là 22,5%/năm (13,5 + 9%). Riêng trường hợp chậm thanh toán sau khi đã có phán quyết của Toà án hay Trọng tài, thì tất cả đều về cùng một mức 9%/năm.

Như vậy là xuất hiện rất nhiều nghịch lý chung quanh câu chuyện lãi suất. Chẳng hạn giao dịch dân sự thì lúc nào cũng được cộng thêm lãi suất quá hạn 9%/năm, nhưng ngân hàng thì có khi là 5% có khi là 15%. Rồi, cho vay trong hạn thì lãi suất có thể được phép là 13,5%/năm, thậm chí 100%/năm như nói trên (đối với ngân hàng), nhưng đến khi kiện nhau ra Toà, thì người có nghĩa vụ thanh toán chỉ phải chịu lãi suất 9%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất trong hạn và thấp xa so với lãi suất quá hạn. Và đặc biệt là giới hạn lãi suất kinh tế, dân sự là quá thấp so với ngân hàng, đến mức không thể chấp nhận được và gần như tất cả đều phạm luật.

Có rất nhiều phương án về lãi suất được đưa ra trong Dự  thảo Bộ luật Dân sự, như quy định một mức lãi suất cố định trong Luật, dựa theo lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại (như Luật Thương mại hiện hành); theo lãi suất cơ bản (như Bộ luật Dân sự hiện hành), lãi suất tài chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước hoặc theo lãi suất trái phiếu, tín phiếu kho bạc. Phương án nào cũng có cái được và chưa được. Tuy nhiên, phương án được đa số ủng hộ hiện nay vẫn nghiêng về việc dựa vào lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố theo như quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Bộ luật Dân sự hiện hành. Với trách nhiệm quản lý tiền tệ của mình, NHNN dễ dàng đưa ra các loại lãi suất cơ bản, lãi suất tham chiếu (bình quân của thị trường),…

PV: Câu chuyện lãi suất này có nên áp dụng chung cho toàn bộ các quan hệ dân sự hay loại trừ đối với các NH thưa ông?

Ls Trương Thanh Đức: Quan điểm của tôi là phải áp dụng quy định chung của lãi suất trong Bộ luật Dân sự cho toàn bộ quan hệ dân sự, mà ngân hàng chỉ là một phần trong đó. Cả về nguyên lý cũng như thực tế đều đòi hỏi phải tạo ra những quy định về lãi suất để áp dụng cho cả tín dụng ngân hàng và các giao dịch kinh tế, dân sự khác. Tất nhiên là các quy định về lãi suất phải phù hợp với thực tế, phải đủ rộng để không gây vướng mắc, chứ không nên tạo một cái sân hẹp riêng cho ngân hàng hay doanh nghiệp, cá nhân.

Quan trọng là quy định thế nào, bất cập ở chỗ đã mấy lần Ngân hàng Nhà nước đề nghị lãi suất cho vay tăng lên 200% lãi suất cơ bản nhưng lại không được chấp nhận. Đặc biệt, lãi suất cơ cần phải được xác định rõ là gì, nếu là lãi suất cho vay bình quân của thị trường thì phải thể hiện đúng mặt bằng, tại sao là 9% trong suốt 4 năm nay, mà không phải là 15% – 20% trong từng thời kỳ. Vì 9%/năm nên dù nhiều năm khách hàng không trả được nợ ngân hàng thương mại theo bản án, thì cũng chỉ được tính lãi 9%/năm. Cho vay mười mấy phần trăm, quá hạn mấy chục phần trăm, đến khi có bản án rồi thì lại chỉ có 9%, thấp hơn cả lãi suất trong hạn. Như vậy khách hàng không trả nợ là hoàn toàn có lý. Đấy cũng chính là lỗi của lãi suất cơ bản. Chỗ này ngân hàng thương mại chỉ gánh chịu một tý nhưng đã kêu ầm lên, thế mà biết bao năm nay xã hội phải gánh chịu hậu quả bất công gấp nhiều lần như thế.

PV: Quan điểm của ban soạn thảo Bộ luật thì sao?

Ls Trương Thanh Đức: Về quan điểm thì chưa có sự thống nhất và là 1 trong nhiều vấn đề tranh cãi đã trình lên xin ý kiến Chính phủ. Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu. Bộ Tư pháp sẽ làm việc lại với NHNN để tìm ra giải pháp khả thi nhất. Cái khó là NHNN phản đối việc dựa vào lãi suất cơ bản nhưng lại không đưa ra giải pháp nào hợp lý,

PV: Ông có ủng hộ cho rằng bỏ lãi suất cơ bản, đưa ra lãi suất tham chiếu mà lấy trung bình của các lãi suất của các NH không?

Ls Trương Thanh Đức: Nếu lấy lãi suất tham chiếu ngân hàng thương mại thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân vì người ta không thể hình dung được nó là bao nhiêu là được phép vi phạm và hợp lệ hợp pháp. Mỗi khi giải quyết tranh chấp thì Toà án cũng sẽ phải mất nhiều thời gian công sức để xác định, vì trên mỗi địa bàn có hàng trăm ngân hàng, với hàng nghìn khách hàng áp dụng các mức lãi suất khác nhau.

Nếu quy định như thế thì phải dựa vào con số công bố hằng tháng hoặc khi có biến động của NHNN. Và như vậy thì căn cứ pháp lý cũng chính là NHNN, tương tự như dựa vào lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

PV: Một số quan điểm rằng mức lãi phạt quá hạn nên căn cứ bình quân lãi suất tín phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc. Lãi suất đấy vừa phải và có tính khả thi nhất, vì khi DN đã khó khăn, ngân hàng chỉ cần đòi lại vốn cho vay thôi chứ còn lấy lãi gấp mấy lần thì là khó?

Ls Trương Thanh Đức: Quan điểm ấy rất là nguy hiểm, sai trái bởi vì lãi suất quá hạn là lãi suất phạt để ngăn ngừa, cảnh báo anh nếu chây ỳ, vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ngay trong Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật quản lý thuế cũng quy định, nếu anh chậm nộp thuế, nộp phạt thì sẽ chịu mức phạt lãi suất 18%/năm. Nếu DN đã rất khó khăn trả nợ, thì chủ nợ sẽ xem xét khả năng trả nợ thực tế mà miễn giảm lãi. Nếu DN đã quá khó khăng, thì ngân hàng cũng chỉ mong thu được đủ gốc, chứ mong gì đến lãi. Còn nếu để lãi quá hạn thấp hơn là lãi trong hạn thì tốt nhất là cứ quá hạn, cứ chây ý ra, chỉ có lợi, chẳng cần gì đến trách nhiệm hay tinh thần trả nợ.

——————

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền  tệ) 15-8-2014:

https://thoibaonganhang.vn/tot-nhat-la-theo-lai-suat-nhnn-quy-dinh-4284.html

(1.028/1.028)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,260