(NLĐ) – Ngân hàng ACB, được coi là nguyên đơn dân sự trong vụ xử bầu Kiên, sáng nay (29-5) đã lên tiếng cho rằng, không thể bắt ACB cứ phải ngồi vào “ghế” của người thiệt hại. Xác định ACB là bị hại trong vụ án này là vi phạm pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB
Ngày 29-5, phiên toà xử bầu Kiên và đồng phạm bước sang ngày thứ 9 với phần bào chữa của các luật sư gỡ tội cho các bị cáo.
Đáng chú ý, trong buổi sáng, Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB đã có những ý kiến trái với cáo trạng và truy tố của Viện kiểm sát (VKS) tại toà.
Theo đó, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định: Ngân hàng ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án. ACB có căn cứ khẳng định chưa bị thiệt hại và không yêu cầu. Xác định ACB là bị hại trong vụ án này là vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, Ngân hàng ACB chưa thiệt hại đối với khoản tiền 687 tỉ đồng liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu. “ACB đã khẳng định mình hoàn toàn không thiệt hại với các công văn, dẫn chứng ở trong hồ sơ” – luật sư cho hay.
Đối với khoản tiền 718 tỉ được cáo trạng xác định thiệt hại trong việc uỷ thác cho 19 nhân viên gửi tiền và bị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư cho biết ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả. Do đó chưa thể xác định Ngân hàng ACB thiệt hại và Ngân hàng ACB cũng khẳng định nhiều lần trong hồ sơ cũng như tại phiên toà rằng không bị thiệt hại.
Các bị cáo trong toà
Thứ hai, trong vụ án này, Ngân hàng ACB không có văn bản nào yêu cầu bị đơn là các bị cáo là cá nhân trong vụ này cũng như các vụ khác phải bồi thường thiệt hại.
Theo phân tích của luật sư, nếu là bị đơn thì không thể trốn tránh pháp luật. Còn đối với nguyên đơn, có phải là nguyên đơn hay không phải do ý chí hoặc nguyện vọng với 2 điều kiện: Bị thiệt hại do tội phạm gây ra và phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều này được quy định rất rõ tại Điều 52 bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngân hàng ACB không có cả hai điều kiện cần và đủ nói trên nên không thừa nhận mình là bị hại. Nhà nước, pháp luật không thể bắt Ngân hàng ACB cứ phải ngồi vào ghế của nguyên đơn dân sự, cái ghế của người thiệt hại. Đấy là quyền chứ không phải nghĩa vụ.
Về khoản tiền đầu tư cổ phiếu của các bị cáo bị cáo buộc làm trái quy định về hạn chế đầu tư chứng khoán vào công ty sở hữu vốn làm thiệt hại 687 tỉ. Việc này đã khẳng định bằng các văn bản và ý kiến tại hồ sơ cũng như tại toà: HĐQT ACB chỉ ban hành một Nghị quyết mua ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao chứ không có chủ trương đầu tư tiền vào Ngân hàng ACB.
Về khoản tiền 718 tỉ đồng, cáo trạng nêu Nghị quyết HĐQT của Ngân hàng ACB ban hành 2010 đã gây thiệt hại 718 tỉ, đó là nhận định không đúng pháp luật và không đúng thực tế. Đó là vì Ngân hàng ACB không làm trái pháp luật khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có hướng dẫn.
Luật sư tiếp tục lý luận, 32 hợp đồng tiền gửi trong đó có 19 hợp đồng của nhân viên Ngân hàng ACB là hợp đồng cụ thể chứ không phải hợp đồng nguyên tắc.
Màn hình tivi để phóng viên theo dõi phiên toà thỉnh thoảng mất tín hiệu
Luật sư trích bút lục Huyền Như khai tại cơ quan điều tra: “Thực tâm lúc đầu tôi không có ý định gì. Nhưng đến khoảng tháng 8-2011 tôi bị sức ép từ các khoản nợ nên mới tìm cách rút tiền”. Ra toà, Như mới khai lại vì một lý do nào đấy là có ý định từ trước.
Theo luật sư, các giao dịch của nhân viên Ngân hàng ACB là thật, chữ ký thật, hợp đồng thật. Tiền gửi chỉ mất, chỉ rủi ro khi rút khỏi Ngân hàng Vietinbank.
“Có thể khẳng định, dù người gửi tiền có làm đúng, làm đủ bao nhiêu thì không thể thay đổi được tình thế rủi ro trong trường hợp này. Nếu người gửi tiền có nghi ngờ lừa đảo, có theo dõi chặt chẽ tiền gửi hàng ngày, hàng giờ thì cũng chỉ phát hiện sau khi tiền đã bị rút” – luật sư phân tích.
Kết thúc phần ý kiến, Luật sư Trương Thanh Đức cũng nói việc xây dựng lại pháp luật như hiện nay đang gây ra hoang mang lo lắng do doanh nghiệp và cá nhân, không biết phải làm thế nào thì mới an toàn, mới không vi phạm và bị tù tội.
Nguyễn Quyết
———————————
Người Lao động 29-5-2014:
http://m.nld.com.vn/phap-luat/xu-bau-kien-ngan-hang-acb-tu-choi-vai-tro-bi-hai-20140529110107002.htm
(791/906)