546. Quy định chưa hiệu lực đã… gây bực cộng đồng

(TNĐO) – Từ 1-9 tới, thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ có hiệu lực. Tuy chưa đi vào cuộc sống nhưng đã có nhiều ý kiến phản đối.

Nhiều doanh nghiệp không đồng tình với Thông tư 20. Ảnh: TL.

Theo quy định của thông tư 20, máy móc cũ được nhập khẩu phải còn chất lượng 80% trở lên và thời hạn sử dụng không quá 5 năm. Thực tế điều kiện này không khả thi.

Ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phương Nam, cho rằng thông tư số 20 đang làm hoang mang một số công ty kinh doanh mặt hàng này. Đặc biệt, hai tiêu chí đánh giá về chất lượng máy móc mà Bộ KHCN ban hành thiếu tính khoa học. Bởi vì, hiện nay có những máy móc, dây chuyền đang hoạt động hoặc chỉ sử dụng một thời gian ngắn hết hạn sử dụng phải dừng kinh doanh thì sẽ thua lỗ, thậm chí khủng hoảng.

Ông Nam cho biết thêm, máy móc ở công ty ông chủ yếu nhập loại đã qua sử dụng từ Nhật Bản với giá từ 500 triệu đồng/máy trở lên. Các máy này đều đã qua sử dụng trên 10 năm nhưng về Việt Nam vẫn có thể sử dụng khá tốt. Ông Nam đề nghị Bộ KHCN không hạn chế về thời gian sử dụng và chất lượng sản phẩm.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Tăng, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Vân Tăng, cho biết quy định chất lượng máy cũ nhập phải còn 80% trở lên là rất chung chung, khó thực hiện.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng lâu nay, Việt Nam sử dụng khá nhiều đồ cũ trong lĩnh vực máy móc, thiết bị xây dựng. Xét về kỹ thuật, công nghệ cũng như khía cạnh kinh tế và môi trường thì khá phù hợp.

Tuy nhiên, việc thông tư 20 đưa ra điều kiện khắt khe, gần như cấm cửa việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ trong lĩnh vực xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực này. Do đó, cần xem lại mục tiêu, tính hợp lý, sự tác động và sự cần thiết của nó đối với một số lĩnh vực.

Ông Đức khẳng định, việc quy định chất lượng từ 80% trở lên thuộc loại định tính rất khó xác định trên thực tế, hay nói cách khác là dễ dẫn đến tranh cãi, tiêu cực, vì thiếu quy định tính phần trăm thế nào. Đặc biệt quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì không có cơ sở nào tin cậy, khẳng định chính xác rằng, máy móc cũ định nhập về liệu có bảo đảm còn ít nhất 80% chất lượng, hay sẽ bị đánh giá là chỉ còn 70 – 79%.

“Cạnh đó, rất khó xác định một cách chính xác, hợp lý thời gian sử dụng đối với máy móc thiết bị là chưa quá 5 năm. Như vậy, nếu quá thời hạn trên thì không lẽ, dù chất lượng còn 90% cũng không cho nhập khẩu?”, luật sư Đức đặt vấn đề.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng chất lượng máy móc phải trên 80% mới cho nhập là quá cao và có phần không khả thi.

“Đặc biệt, việc Bộ KHCN ban hành thông tư 20 dẫn đến việc tranh chấp thẩm quyền giữa Bộ KHCN và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Về nguyên tắc, lĩnh vực thuộc bộ nào phụ trách thì bộ đó sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những máy móc thuộc danh mục về phương tiện giao thông vận tải sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT mới cụ thể và sát với lĩnh vực”, luật sư Mạnh khẳng định.

Hải Nguyễn

———————

Bài gốc trả lời 18-8

Nhập khẩu máy móc thiết bị

Câu 1: Thông tư  số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/07/2014 quy định viêc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã quá sử dụng sẽ có hiệu lực ngày 01/09/2014. Tuy chưa có hiệu lực nhưng đã gặp sự phản đối khá gay gắt từ phía cộng đồng Doanh nghiệp chuyên về máy móc, thiết bị xây dựng, nông nghiệp.

Từ vấn đề trên, Xin Ông nhận xét, đánh giá sâu về thông tư số 20/2014/TT-BKHCN qua góc nhìn của một Luật sư doanh nghiệp?

Về nguyên tắc, việc quy định cấm và hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ là rất cần thiết, để tránh những hậu quả không tốt cho nền kinh tế, xã hội, tránh nguy cơ nhập “rác thải” của thế giới. Tuy nhiên, đương nhiên là phải xem xét cụ thể từng chủng loại, linh vực, vì còn phụ thuộc nhiều vào trình độ công nghệ và nguồn lực tài chính của đất nước. Trên thực tế lâu nay, chúng ta sử dụng khá nhiều đồ cũ trong lĩnh vực máy móc, thiết bị xây dựng và nông nghiệp. Xét về yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ cũng như khía cạnh kinh tế và môi trường thì là điều khá phù hợp. Tuy nhiên, việc Thông tư đưa ra điều kiện rất khắt khe, gần như cấm cửa việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực này. Do đó cần xem lại mục tiêu, tính hợp lý, sự tác động và sự cần thiết của nó đối với một số lĩnh vực.

Câu 2: Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN được ban hành dựa vào Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và theo nghị định 132/2008 hướng dẫn chi tiết thi hành môt số điều luật này. Tuy nhiên Bộ GTVT lại cho rằng họ có quyền trong việc kiểm định chất lượng hàng hóa. Cụ thể Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 63 quy định cụ thể về vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa.

Đây được coi là sự chồng chéo của luật. Xin Luật sư có thể phân tích và làm sáng  rõ vấn đề?

Đây là một vấn đề xung đột, chồng chéo khá phức tạp lâu nay. Giữa các đạo luật đã xảy ra nhiều sự mâu thuẫn, trùng lặp, đến nghị định, thông tư thì vấn đề lại càng trở lên trầm trọng. Việc này cũng giống như câu chuyện quản lý thiết bị nồi hơi trước kia, đã xảy ra tình trạng nhùng nhằng thẩm quyền trong nhiều năm giữa Bộ Công thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Bộ nào cũng khẳng định mình có thẩm quyền, cuối cùng phải cần đến ý kiến của Chính phủ. Đây là quy định, đặt ra điều kiện cấm đoán, ảnh hưởng lớn đến môi trường và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, cần phải được quy định trong Luật hoặc ít nhất là Nghị định của Chính phủ, chứ không thể quy định trong Thông tư của các bộ. Thông tư chỉ nên là văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, không đặt ra quy định mới. Chưa kế, vì thế mà có nhiều văn bản khác nhau quy định về điều kiện nhập khẩu hàng hoá, máy móc, thiết bị cũ cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Câu 3:Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN cũng quy định về chất lượng máy móc nhập khẩu phải đảm bảo từ 80% trở lên. Ngoài ra điều kiện các máy móc cũ nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 3-7 năm tùy từng loại.

 Là một Luật sư Doanh nghiệp:

+ Ông có đồng ý với quy định này của Bộ đưa ra hay không? Xin Ông nói rõ một số quan điểm của mình xoay quanh vấn đề này?

+Đặc biệt, Qua góc nhìn về luật, Ông đánh giá và nhận xét như thế nào về việc Việt Nam phải nhập máy móc từ các nước G7, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc hiện nay? 

Nếu như đã quy định về điều kiện nhập khẩu máy móc cũ, thì bắt buộc phải đưa ra một số tiêu chí nhất định. Tuy nhiên cách quy định như Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN có phần không hợp lý. Thứ nhất, quy định chất lượng bảo đảm từ 80% trở lên sẽ là quy định thuộc loại định tính rất khó xác định trên thực tế, hay nói cách khác là rất dễ dẫn đến tranh cãi, tiêu cực, vì thiếu quy định tính phần trăm thế nào. Đặc biệt quy định này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, vì không có cơ sở nào tin cậy, khẳng định chính xác rằng, máy móc cũ định nhập về liệu có bảo đảm còn ít nhất 80% chất lượng, hay sẽ bị đánh giá là chỉ còn 70 – 79%. Thứ hai, rất khó xác định một cách chính xác, hợp lý thời gian sử dụng đối với máy móc thiết bị là chưa quá 5 – 7 năm. Hoàn toàn có thể gộp cả 2 tiêu chí này thành một tiêu chí rõ ràng và đơn giản hơn rất nhiều, đó là mấy năm tính từ ngày sản xuất? Như vậy, nếu đã quá thời hạn, thì dù chất lượng còn 90% cũng không cho nhập khẩu và ngược lại cũng phải chấp nhận cho nhập khẩu cả loại chỉ còn 70% chất lượng, mặc dù chưa quá thời hạn. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng quy định theo cách cách trước thì sự bất cập, bất hợp lý còn gấp mấy lần cách sau.

Nếu kỹ lưỡng thì có thể quy định cụ thể đến xuất xứ của máy móc, thiết bị. Chẳng hạn hầu hết đồ cũ của các nước G7 như Hoa Kỳ, Nhật Bản thì chất lượng khác hẳn của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không cần thiết phải rắc rối đến mức đó. Chỉ nên quy định để sao cho 90% đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu dự tính là được.

Câu 4: Một số Doanh nghiệp cho biết, việc nhập máy mới hoặc máy móc phải có chất lượng 80% trở lên so với chất lượng ban đầu, để nhằm hạn chế nhập khẩu những máy móc kém chất lượng và gây ô nhiễm môi trường từ dòng sản phẩm của Trung Quốc. khi triển khai thực tế tại cửa khẩu hải quan đã phát sinh một số vướng mắc ở khâu giám định.

Vậy theo Ông, dưới góc nhìn của Luật sư, Bộ cần đưa ra hướng giải quyết như thế nào đối với tình trạng này?

Cách tốt nhất là sửa đổi quy định tiêu chuẩn, điều kiện của máy móc, thiết bị theo định lượng một cách đơn giản, rõ ràng, phù hợp, thay vì theo định tính. Càng hạn chế sự can thiệp của con người thì càng bảo đảm chính xác về yêu cầu, mục tiêu của chính sách.

——————

Tin nhanh địa ốc (Thời sự) 19-8-2014:

http://tinnhanhdiaoc.vn/

(268/705)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,627